Lực lượng cảnh sát giao thông đã phát triển hệ thống giám sát, trung tâm chỉ huy giao thông và sử dụng hiệu quả các trang bị kỹ thuật nghiệp vụ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Năm 2016, dự án "Xây dựng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm" đã được Cục Cảnh sát Giao thông phối hợp với các đơn vị liên quan, công an địa phương triển khai xây dựng, lắp đặt.
Hiện tại, hệ thống giám sát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công An có tổng số 584 camera lắp đặt trên 4 tuyến cao tốc và 10 đoạn tuyến qua quốc lộ 1A với tổng chiều dài hơn 1.462km.
Trong đó 4 tuyến cao tốc dài 481 km là Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, TPHCM - Trung Lương. 10 đoạn qua quốc lộ 1A đoạn dài 981 km gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và TPHCM.
Hệ thống cũng bao gồm một trung tâm giám sát cấp trung ương đặt tại trụ sở Cục Cảnh sát Giao thông, 14 trung tâm giám sát cấp địa phương lắp đặt tại trụ sở phòng Cảnh sát Giao thông công an các tỉnh và trụ sở Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1, 5, 6, 7 thuộc Cục Cảnh sát Giao thông.
Ngoài hệ thống này, lực lượng cảnh sát giao thông còn được hỗ trợ bởi các điểm đặt camera giám sát giao thông riêng của từng địa phương, đặt tại các vị trí giao thông trọng yếu, có mật độ phương tiện tham gia đông, tình hình trật tự an toàn phức tạp.
Hình ảnh vận hành tại trung tâm giám sát cấp trung ương đặt tại trụ sở Cục Cảnh sát Giao thông do Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Cục phó Cục Cảnh sát giao thông thực hiện (Ảnh: Hữu Nghị).
Theo Bộ Công an, việc triển khai lắp đặt hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên các quốc lộ trọng điểm nhằm từng bước hiện đại hóa công tác bảo đảm giao thông, xử lý vi phạm hành chính về an toàn giao thông. Hệ thống cũng là bước đi quan trọng nhằm ứng dụng công nghệ thông tin để cải tiến, nâng cao năng lực hoạt động của lực lượng cảnh sát giao thông, tạo bước đột phá trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông.
Sau gần 7 năm triển khai, hệ thống giám sát cũng đã có tác động lớn đến ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông, góp phần kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông.
Bên cạnh đó, hệ thống giám sát cũng được trang bị các thiết bị hiện đại, từng bước giảm bớt áp lực, sự có mặt của lực lượng cảnh sát giao thông trên đường nhưng vẫn kiểm soát được tình hình giao thông trên tuyến, địa bàn, hạn chế việc tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm thủ công, góp phần xây dựng lực lượng cảnh sát giao thông chính quy, hiện đại.
Nhờ hệ thống camera giám sát lắp đặt đồng bộ này, lực lượng cảnh sát giao thông đã thực hiện được nhiều chức năng nhiệm vụ như giám sát tốc độ, giám sát dừng đỗ, giám sát phần đường, làn đường, quan sát, nhận dạng biển số, giám sát đi vào đường khẩn cấp, giám sát đi ngược chiều và giám sát đèn tín hiệu giao thông… Việc hỗ trợ giao thông và xử lý vi phạm hành chính từ hình ảnh trích xuất của hệ thống này cũng nhanh chóng và thuận tiện hơn.
Cảnh sát giao thông sử dụng máy đo nồng độ cồn để kiểm tra người tham gia giao thông (Ảnh: Quân Đỗ).
Ngoài hệ thống giám sát, các lực lượng chức năng còn được trang bị đầy đủ các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ như máy đo nồng độ cồn, máy thử ma túy, cân tải trọng, thiết bị ghi âm, ghi hình… nhằm thực hiện tốt hoạt động giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự giao thông. Trong những đợt ra quân cao điểm, cảnh sát giao thông còn được hỗ trợ bởi các đơn vị chuyên ngành như cảnh sát ma túy, hình sự…, mang lại hiệu quả vượt trội.
Tiến Thịnh/dantri.com.vn