Nhiều chỉ tiêu về công tác dân số khó hoàn thành kế hoạch

Chủ nhật, 20.08.2023 | 09:19:43
190 lượt xem

Theo báo cáo của Cục Dân số (Bộ Y tế), nhiều chỉ tiêu của công tác dân số khó hoàn thành như kế hoạch đề ra. Vậy, đâu là nguyên nhân và cần những giải pháp nào để công tác dân số đạt chỉ tiêu đề ra.

Một buổi truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình cho nữ công đoàn viên, công nhân lao động tại Công ty Amo Vina (Vĩnh Phúc).


Theo báo cáo sáu tháng đầu năm của Cục Dân số, phần lớn các tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện các chương trình theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực điều chỉnh mức sinh, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, tầm soát, chẩn đoán, điều trị các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Đã có 33 tỉnh, thành phố xây dựng và trình hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định về chính sách dân số trong tình hình mới; các tỉnh, thành phố đã bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các chương trình, đề án về dân số... Ngành dân số thực hiện và ước đạt hai phần ba chỉ tiêu cơ bản theo Nghị quyết số 01/NQ-CP; tỷ lệ các chỉ tiêu chuyên môn dự kiến đạt kế hoạch là 50%; các hoạt động về dân số được triển khai khá đồng bộ ở các tuyến…

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các chỉ tiêu dân số, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt và những khó khăn, hạn chế. Đó là hoạt động cung ứng dịch vụ dân số bị gián đoạn, mức sinh, tỷ số giới tính khi sinh có dấu hiệu tăng; nhiều địa phương vẫn đang tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy làm công tác dân số, gồm cả cộng tác viên dân số. Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số chưa tương xứng với mục tiêu nhiệm vụ cần thực hiện; chất lượng thông tin, số liệu chuyên ngành dân số chưa đáp ứng yêu cầu.

Cụ thể, nguồn lực đầu tư cho công tác dân số ở các cấp đều bị cắt giảm, (ở Trung ương kinh phí được cấp năm 2023 chỉ bằng 15% so với bình quân năm trong giai đoạn 2016-2020); tổ chức bộ máy, cán bộ ở cả trung ương và địa phương biến động. Kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW cho thấy nhiều nhóm mục tiêu, chỉ tiêu đạt thấp và sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2030.

Đáng chú ý, chỉ tiêu cơ bản là tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ) dự kiến không đạt chỉ tiêu đề ra (kế hoạch là 2,1 con/phụ nữ). Bên cạnh đó, có 4 trong số 8 chỉ tiêu chuyên môn đạt tỷ lệ thấp và dự kiến không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm nếu không có giải pháp căn cơ, kịp thời. Nguyên nhân được nêu ra là tại các tỉnh mức sinh thấp, việc giao tăng sinh là chỉ tiêu mới, cho nên địa phương chưa có nhiều hoạt động can thiệp tăng mức sinh, rất khó thực hiện ngay được.

Nhiều địa phương chưa quyết liệt trong rà soát, bãi bỏ, điều chỉnh các quy định không còn phù hợp; chưa ban hành các chính sách để hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ hai con; các hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi về sinh đủ hai con chưa kịp chuyển đổi phù hợp với mức sinh. Các mô hình can thiệp để nâng mức sinh thuộc vùng mức sinh thấp đang trong quá trình xây dựng, đề xuất cho nên chưa đủ mạnh để nâng mức sinh của các tỉnh, thành phố thuộc vùng này.

Còn tại các tỉnh mức sinh cao, sau khi Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số-Kế hoạch hóa gia đình kết thúc, bắt đầu từ năm 2017, chi phí thực hiện các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình do địa phương chi trả. Song những tỉnh có tỷ lệ miễn phí cao (tỉnh có mức sinh cao) hầu hết đều là các tỉnh nghèo khiến việc bố trí ngân sách địa phương để thực hiện dịch vụ cho các đối tượng ưu tiên theo quy định gặp nhiều khó khăn.

Giai đoạn chuyển đổi nhiệm vụ quản lý phương tiện tránh thai, cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình từ trung tâm dân số-kế hoạch hóa gia đình sang trung tâm y tế nảy sinh một số khó khăn, bất cập. Số cộng tác viên dân số giảm và có sự thay đổi lớn, tỷ lệ lớn cộng tác viên dân số chưa được đào tạo phù hợp đã ảnh hưởng lớn đến việc quản lý đối tượng và cấp phát phương tiện tránh thai tại cộng đồng...

Về chỉ tiêu giảm số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn dự kiến cả năm không đạt kế hoạch năm 2023 là giảm 15% so với năm 2022. Nguyên nhân được chỉ ra là vị thành niên, thanh niên còn nhiều hạn chế trong tiếp cận với các dịch vụ dân số kế hoạch hóa gia đình; chưa được giáo dục đầy đủ về sức khỏe giới tính; chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường-gia đình-xã hội trong việc giúp các em được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản, góp phần nâng cao chất lượng dân số trong tương lai.

Tổng hợp số liệu từ báo cáo của 55 tỉnh, thành phố cho thấy, đến cuối năm 2023 khó đạt chỉ tiêu kế hoạch về tỷ lệ trẻ được sàng lọc sơ sinh; tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương lưu ý, ngành dân số cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp mới có thể hoàn thành nhiệm vụ như đã đề ra. Toàn ngành cần tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan và tập trung mọi nguồn lực vào việc hoàn thiện thể chế, cụ thể là tập trung chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Dân số để trình Quốc hội trong năm 2024; phối hợp các đơn vị liên quan thuộc Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện và ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Dân số để sớm ổn định tổ chức cũng như kiện toàn, bổ sung chức danh lãnh đạo cục còn thiếu; chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo quốc gia về dân số và phát triển để xử lý, chỉ đạo những vấn đề trọng tâm, phối hợp liên ngành nhằm thực hiện hiệu quả công tác dân số trong tình hình mới.

Tập trung xây dựng hoạt động và kinh phí cho công tác dân số năm 2023 và các năm tiếp theo, đặc biệt là các chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm bảo đảm đủ nguồn lực thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ về dân số hằng năm và đến năm 2025. Tập trung chỉ đạo điều hành, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ về dân số trong tình hình mới đối với các địa phương nhằm phấn đấu thực hiện và hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu về dân số được giao năm 2023.

Chủ động lựa chọn và sắp xếp lịch làm việc với một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ thực hiện chỉ tiêu kế hoạch thấp; tổ chức bộ máy chưa kiện toàn, bố trí kinh phí ít để xác định nguyên nhân, đề xuất các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho địa phương. Phát huy tính chủ động, sáng tạo, vượt khó của địa phương, tập trung triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp, hoạt động về truyền thông, điều chỉnh mức sinh, cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tầm soát, điều trị bệnh, tật trước sinh, sơ sinh, tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm.

Mặt khác, chủ động nắm bắt việc bố trí việc làm, bổ nhiệm chức danh nghề của cán bộ dân số tại các địa phương để kịp thời hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng các quy định, bảo đảm quyền lợi và đúng chế độ đãi ngộ tương xứng với vị trí việc làm cho cán bộ dân số.


THANH MAI

https://nhandan.vn/nhieu-chi-tieu-ve-cong-tac-dan-so-kho-hoan-thanh-ke-hoach-post768230.html

  • Từ khóa