Cùng với công tác cảm hóa, giáo dục, thời gian qua, Trại Tạm giam Công an tỉnh còn chú trọng phối hợp tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân. Qua đó, giúp các phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt tù có cơ hội tìm việc làm, ổn định cuộc sống.
Các phạm nhân Trại Tạm giam Công an tỉnh trong giờ học lý thuyết nghề điện dân dụng
Phạm nhân Vi Thị Luyện, sinh năm 1987, Đội B4, Phân trại nữ thuộc Phân trại quản lý phạm nhân, Trại Tạm giam Công an tỉnh chia sẻ: Do nghề nghiệp không ổn định, ham cờ bạc, tôi đã vướng vào vòng lao lý. Hồi mới vào trại, tôi nghĩ không biết sau này trở về mình sẽ làm gì để có thể lo cho cuộc sống của bản thân và gia đình khi không có nghề nghiệp. Chính vì thế, khi trại phổ biến thông tin về việc mở lớp dạy nghề chăn nuôi lợn thịt, tôi đã đăng ký nguyện vọng ngay. Quá trình học nghề, tôi hiểu ra rằng, không gì bền vững và quý trọng bằng những gì mình lao động chăm chỉ, chân chính làm ra. Một ngày không xa khi được trở về với cộng đồng, với gia đình, tôi sẽ ứng dụng những kiến thức, kỹ thuật học được vào thực tế để phát triển kinh tế, làm lại cuộc đời…
Cũng như phạm nhân Luyện, quá trình lao động cải tạo và qua các lớp học nghề, các phạm nhân khác được cán bộ quản giáo, các giáo viên tuyên truyền, giáo dục để họ thấy được những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, có động lực và quyết tâm làm lại cuộc đời. Để làm được điều này, mỗi quản giáo Trại Tạm giam Công an tỉnh đã tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh của từng phạm nhân để động viên, thuyết phục họ phát huy cái tốt, mặt tích cực, nhận thức được lỗi lầm do mình gây ra, từ đó yên tâm học tập, lao động cải tạo, chuyên tâm học nghề.
Từ năm 2021 đến nay, Trại Tạm giam Công an tỉnh đã phối hợp tổ chức được 5 lớp dạy nghề cho 141 phạm nhân. Mỗi lớp kéo dài từ 2 – 3 tháng, với những nghề đào tạo chủ yếu như: điện dân dụng, kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt, chế biến món ăn, trồng rau an toàn… Các học viên được học lý thuyết và thực hành, được cấp chứng chỉ nghề sau khi hoàn thành khóa học. |
Thượng tá Ngô Tuấn Cường, Phó Giám thị Trại Tạm giam Công an tỉnh cho biết: Trước khi tổ chức lớp học, Trại Tạm giam Công an tỉnh phối hợp với một số trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh tổ chức tư vấn học nghề và việc làm; đồng thời tiến hành rà soát, thống kê theo độ tuổi, sức khỏe, giới tính, mức án, tính chất, mức độ hành vi phạm tội và nguyện vọng, hoàn cảnh của từng phạm nhân để tổng hợp danh sách học viên đăng ký học nghề. Từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã phối hợp tổ chức được 5 lớp dạy nghề cho 141 phạm nhân. Mỗi lớp kéo dài từ 2 – 3 tháng, với những nghề đào tạo chủ yếu như: điện dân dụng, kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt, chế biến món ăn, trồng rau an toàn… Các học viên được học lý thuyết và thực hành, được cấp chứng chỉ nghề sau khi hoàn thành khóa học theo quy định.
Chính quá trình lao động, học nghề đã mang lại niềm vui, hứng thú, giúp các phạm nhân có động lực phấn đấu cải tạo tốt. Cũng qua đó giúp họ khám phá và phát huy những thế mạnh của bản thân, điều mà trước đây, vì suy nghĩ và hành xử lệch lạc họ đã không làm được. Thêm nữa, qua đây họ còn biết trân trọng thành quả lao động của mình và của người khác, thắp lên hy vọng hướng về tương lai tốt đẹp hơn.
Bà Nguyễn Thúy Phương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Cao Lộc, đơn vị đồng hành nhiều năm với Trại Tạm giam Công an tỉnh trong công tác dạy nghề cho phạm nhân cho biết: Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy đa phần phạm nhân trước đây đều không có việc làm ổn định, đời sống gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc đào tạo nghề sẽ giúp họ khi tái hòa nhập cộng đồng có kiến thức, tay nghề, tự tin xây dựng cuộc sống mới, tránh xa tệ nạn xã hội, phòng ngừa tái phạm tội.
Có tay nghề và việc làm ổn định sau khi ra tù không chỉ là ước mơ của các phạm nhân mà còn là mong mỏi của toàn xã hội. Qua đó, giúp những người từng lầm lỡ dễ dàng hơn khi mở lại cánh cửa cuộc đời, hạn chế tỷ lệ tái phạm tội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Hoàng Huấn/baolangson.vn