Những ngày cuối tháng 8, trên nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội xuất hiện những chiếc xe đạp có hai mầu trắng, xanh nước biển. Đây là những chiếc xe nằm trong dự án xe đạp công cộng tại bảy quận nội thành do Sở Giao thông vận tải Hà Nội triển khai, đơn vị thực hiện là Tập đoàn Trí Nam.
Khách hàng có thể thuê xe tại 79 địa điểm, trong đó, các quận: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Hoàn Kiếm đều có từ 10 trạm trở lên. Tất cả các trạm đều được đặt tại vị trí có thể kết nối các tuyến tàu điện trên cao, xe buýt, công viên, điểm du lịch…
Trong giai đoạn đầu, thành phố khai thác 500 xe đạp trợ lực điện và 500 xe đạp thông thường.
Dịch vụ xe đạp công cộng tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng. Khách hàng chỉ cần tải ứng dụng cho thuê xe đạp, nạp tiền, sau đó dùng thẻ từ hoặc điện thoại thông minh quét mã QR là có thể mở khóa xe sử dụng.
Các trạm không cần người trông coi, khách hàng có thể trả xe tại bất kỳ trạm nào trong hành trình của mình.
Giá thuê một chiếc xe đạp trợ lực điện là 10.000 đồng cho 30 phút sử dụng, còn đối với xe đạp thường là 5.000 đồng. Mức chi phí được nhiều người tiêu dùng đánh giá là hợp túi tiền.
Lâu nay, do kết cấu hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, người dân gặp khó khăn trong tiếp cận các tuyến đường sắt đô thị hay xe buýt, nhiều người phải đi bộ khá xa mới đến được điểm đón. Dịch vụ xe đạp công cộng đã tăng tính kết nối cho hệ thống giao thông công cộng, khuyến khích nhu cầu sử dụng các phương tiện giao thông công cộng của người dân.
Điều này biểu hiện rõ nét ở con số 16 nghìn lượt tải ứng dụng chỉ trong một tuần thử nghiệm dịch vụ xe đạp công cộng tại Hà Nội. Số lượt tải ứng dụng tiếp tục tăng mạnh khi thành phố chuyển sang triển khai dịch vụ thuê xe đạp chính thức.
Mặt khác, ngoài việc giúp kết nối phương tiện giao thông công cộng, dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng còn thu hút nhiều đối tượng khách hàng khác, khi nhiều người thuê xe để đi lại, đi dạo hoặc nhiều khách du lịch sử dụng để khám phá thành phố.
Trên thực tế, nhiều người dân ở Hà Nội có nhu cầu đi lại bằng xe đạp, nhưng vì một lý do nào đó không sở hữu một chiếc xe đạp; trong khi việc thuê một chiếc xe đạp của khách du lịch lâu nay cũng khá phức tạp. Mức giá phải chăng cùng với sự thuận tiện là “điểm cộng” cho dịch vụ thuê xe công cộng.
Hiện nay, ngoài Hà Nội, một số tỉnh, thành phố khác đã triển khai loại hình cho thuê xe đạp công cộng như các thành phố: Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)… và bước đầu thu được hiệu quả khả quan.
Từ việc người dân hồ hởi đón nhận dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng, các cơ quan chức năng cần có một chiến lược xa hơn trong phát triển xe đạp như một phương tiện “xanh”.
Song song với triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng thuận lợi, chất lượng, cần tăng cường công tác truyền thông về lợi ích của xe đạp, nhất là với những người thường di chuyển trong quãng đường ngắn.
Trước khi xe máy và ô-tô “bùng nổ”, hầu hết người dân Việt Nam gắn bó với những chiếc xe đạp.
Việc sống lại “văn hóa xe đạp” sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tăng sức khỏe cho nhân dân, phù hợp với xu thế của xã hội hiện đại.
GIANG NAM