Nhiệt độ tại vùng núi Mẫu Sơn bốn ngày qua dao động ở 4-6 độ C. Đặc biệt tại đỉnh Mẫu Sơn có ngày nhiệt độ xuống -3 độ C, từng đợt gió ùa về khiến cái lạnh thấu xương, đến cắt da cắt thịt.
Từ 22/1 đến 25/1, nhiệt độ tại vùng núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn) luôn dao động 4-6 độ C, cái lạnh như cắt da cắt thịt. Do nhiệt độ giảm sâu, thời tiết lạnh buốt đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Tại nhiều xã như Công Sơn huyện Cao Lộc và xã Mẫu Sơn huyện Lộc Bình, thời tiết buốt giá nên người dân đã hạn chế việc ra đồng, lên nương rẫy; nhiều gia đình phải đốt lửa sưởi ấm. Công tác phòng chống rét cho gia súc, vật nuôi và cây trồng được người dân tích cực thực hiện.
17h ngày 24/1, bà Hoàng Thị Phan (73 tuổi, dân tộc Dao, sống tại thôn Lục Bó, xã Công Sơn, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) khẩn trương lùa đàn trâu vào chuồng để tránh rét. Bà cho biết, bốn ngày qua không dám đi thả trâu vì thời tiết quá lạnh.
Mẫu Sơn là vùng núi cao nhất của tỉnh Lạng Sơn và ở khu vực Đông Bắc nước ta, độ cao trung bình từ 800-1.000m so với mặt nước biển, bao gồm một quần thể khoảng 80 ngọn núi lớn, nhỏ. Các đỉnh núi cao nhất là Phia Pò (Núi Cha) cao 1.541m, đỉnh Phia Mè (Núi Mẹ) cao 1.520m.
Để đảm bảo sức khỏe cho đàn trâu (5 con) vào mùa đông, gia đình bà Phan đã chuẩn bị một đống rơm lớn làm thức ăn cho trâu. Theo bà Phan, vào mùa đông, những ngày nhiệt độ giảm sâu sức khỏe của trâu suy giảm nhanh chóng, chúng lười ăn và dễ mắc bệnh.
Sau khi lùa đàn trâu vào chuồng, bà Phan mau chóng xuống bếp lửa sưởi ấm. Đối với người đồng bào dân tộc Dao sinh sống ở vùng núi Mẫu Sơn, những ngày lạnh buốt, nhiệt độ giảm sâu, căn bếp sẽ luôn đỏ lửa.
"Lạnh lắm không dám đi lên rẫy, thỉnh thoảng ra chuồng cho trâu ăn rồi về thôi", bà Phan nói.
Nhiệt độ đo được tại xã Công Sơn (huyện Cao Lộc) chiều 24/1 là 5 độ C.
Theo dự báo, khu vực Bắc Bộ duy trì nền nhiệt thấp dưới 13 độ C đến ngày 26/1, khu vực Trung Bộ sẽ duy trì rét hại đến ngày 25/1. Sau đó, từ ngày 25 đến 28/1, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục xảy ra rét đậm rét hại. Phải sau ngày 28/1, tình trạng rét đậm rét hại mới được cải thiện, nền nhiệt tăng.
Đối với mỗi gia đình tại vùng núi Mẫu Sơn, vào mùa đông củi là thứ không thể thiếu. Nhiều gia đình đã chuẩn bị sẵn củi cách đây 2-3 tháng để đối phó với thời tiết khắc nghiệt.
"Nhà nào có đông người sẽ lên rừng lấy củi mang về, cắt khúc dựa vào hông nhà, góc vườn. Nhà nào ít người, không có thời gian đi lấy thì mua rồi có người trở về tận nhà" anh Dương Trần Đang (38 tuổi, người đồng bào dân tộc Dao, sống tại thôn Khuổi Tao, xã Công Sơn) chia sẻ.
18h, gia đình anh Dương Quốc Tiến (31 tuổi, dân tộc Dao, sống tại thôn Lục Bó, xã Công Sơn) chuẩn bị bữa tối. "Mấy hôm nay lạnh quá, không dám đi ra chợ mua con cá, ít thịt chỉ có đậu phụ nhà tự làm thôi", anh Tiến cười xuề xòa.
Anh cho biết, do thời tiết lạnh buốt nên không thể lên rẫy hay làm việc ngoài trời. Gia đình cả ngày chỉ quanh quẩn bên bếp lửa sưởi ấm.
Trong khi con trai chuẩn bị bữa tối, ông Dương Trần Quý (51 tuổi) tranh thủ kiểm tra nồi rượu. Rượu là nguồn thu chính của gia đình ông Quý, đặc biệt vào những ngày mùa đông.
Ông nhận định, mùa đông năm nay lạnh buốt, nhiệt độ giảm sâu, khắc nghiệt hơn mấy năm gần đây.
Sau khi kiểm tra nồi rượu, ông Quý vội sưởi ấm bàn tay bên cạnh bếp lửa hồng. Gần một tuần trước, gia đình ông phải mua 4 triệu đồng tiền củi để nấu rượu và sưởi ấm trong mùa đông.
Bà Triệu Mùi Nảy (56 tuổi, vợ ông Quý) ngồi cạnh bếp lửa hồng tỉ mẩn từng đường kim, mũi chỉ để tạo ra bộ trang phục truyền thống của dân tộc Dao. Bà chia sẻ, để hoàn thiện được bộ quần áo của dân tộc Dao phải mất khoảng 2-3 tháng.
"Bộ đẹp có khi làm cả năm mới xong, bộ này tôi đang cố làm xong để mặc dịp Tết", bà Nảy nói.
Sau bữa tối, bố con ông Quý ngồi uống nước chè với mấy người hàng xóm. Họ chuyện trò rôm rả về việc mấy ngày qua người dân từ các nơi đổ về đỉnh Mẫu Sơn xem băng giá gây tắc đường khiến việc đi lại của dân bản địa gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù hai người bạn của ông Quý đã ăn cơm tối, uống rượu ở nhà nhưng khi ngồi uống nước chè vẫn có chén rượu bên cạnh.
Theo dantri.com.vn