Chuẩn bị phương án di tản lao động Việt Nam trong trường hợp xấu

Thứ 7, 08.02.2020 | 08:30:59
548 lượt xem

Cục Quản lý lao động ngoài nước chỉ đạo doanh nghiệp đưa lao động đi và các Ban quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài có biện pháp bảo hộ công dân

Việt Nam hiện có 650.000 lao động đang làm việc ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đã chỉ đạo doanh nghiệp đưa lao động đi và các Ban quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài theo dõi sát tình hình sức khỏe người lao động và có biện pháp bảo hộ công dân. Trường hợp cần thiết, sẽ đưa lao động về nước. 

Phóng viên VOV phỏng vấn bà Trần Thị Vân Hà -Trưởng phòng thông tin và truyền thông, Cục Quản lý lao động ngoài nước về những nội dung liên quan.

chuan bi phuong an di tan lao dong viet nam  trong truong hop xau hinh 1
 Gần 650.000 lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa: Al Jazeera).

PV: Thưa bà, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có chỉ đạo như thế nào đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước hiện nay?

Bà Trần Thị Vân Hà: Ngay từ những ngày đầu của dịch, theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thì Cục Quản lý lao động ngoài nước đã cử một nhóm tham gia Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Bộ, chúng tôi đã khẩn trương chỉ đạo các doanh nghiệp, có văn bản gửi các địa phương để cảnh báo và khuyến cáo về tình hình dịch và việc di chuyển của lao động Việt Nam.

Hiện nay, theo thống kê, Việt Nam đang có khoảng 650.000 lao động đang làm việc theo hợp đồng ở trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, có một số vùng mà lao động Việt Nam tập trung khá đông như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Malaysia. Tại thị trường Malaysia hiện số lao động đã ít đi trong thời gian vừa qua do mức lương thấp nên lao động đã trở về nước. 

Đối với thị trường Nhật Bản, hiện nay chúng ta đang có gần 200.000 lao động làm việc tại thị trường này. Đài Loan (Trung Quốc) có khoảng 230.000 và Hàn Quốc có khoảng 50.000 lao động đang làm việc theo hợp đồng. Đối với những thị trường tập trung đông lao động Việt Nam thì Cục có chỉ đạo các Ban quản lý lao động tại nước tiếp nhận phải theo dõi tình hình, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng nước sở tại để theo dõi tình hình sức khỏe của lao động Việt Nam và có biện pháp xử lý khi cần thiết.

Ngoài 4 thị trường mà tập trung khá đông lao động Việt Nam, lao động của Việt Nam còn làm việc tại khu vực châu Âu và Trung Đông, với số lượng ít hơn thì Cục Quản lý lao động ngoài nước chỉ đạo các công phái cử theo dõi chặt chẽ tình hình của người lao động và báo cáo liên tục với Cục để có chỉ đạo kịp thời trong trường hợp dịch diễn biến xấu.

PV: Vậy hiện nay, lao động của Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, nhất là ở những thị trường có nguy cơ lây lan của dịch bệnh đang được quản lý, theo dõi, giám sát như thế nào, thưa bà?

Bà Trần Thị Vân Hà: Với việc quản lý lao động tại nước ngoài thì đối với những hợp đồng cung ứng lao động lớn, doanh nghiệp có đại diện tại nước đó sẽ phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại và Ban quản lý lao động Việt Nam tại Đại sứ quán để báo cáo thông tin và rà soát lại số lượng cũng như tình hình sức khỏe của người lao động để kịp thời đưa ra các giải pháp xử lý khi cần thiết. 

Ngoài ra, về quản lý lao động tại nước ngoài, cùng với việc doanh nghiệp phái cử phải phối hợp với đối tác nước ngoài quản lý thì cơ quan chức năng của nước bạn cũng như Ban quản lý lao động thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài cũng có liên hệ để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh đối với lao động Việt Nam tại nước đó.

PV: Đó là đối với lao động đi theo con đường hợp pháp, vậy còn đối với những lao động tự do, lao động đi theo con đường không chính thống, Cục có có khuyến cáo như thế nào, thưa bà?

Bà Trần Thị Vân Hà: Trước hết, đối với lao động bỏ ra ngoài bất hợp pháp, những lao động đi theo diện tự do thì Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng có chỉ đạo các công ty phái cử đối với những lao động bỏ hợp đồng.

 Thứ hai là rà soát đối với những lao động đi theo diện hợp đồng cá nhân hoặc đi tự do thì chúng tôi có những cảnh báo, khuyến cáo đối với các địa phương rà soát đối tượng đi lao động tự do này để khuyến cáo người lao động không đi đến các vùng dịch và tuân thủ các khuyến cáo về y tế của các cơ quan chức năng nước tiếp nhận, nước đến của các lao động này để phòng tránh dịch và không di chuyển, đi lại đến những vùng được khuyến cáo là tâm dịch. 

Đặc biệt, đối với các tỉnh đường biên giới của Việt Nam với Trung Quốc- nơi có những lao động đi lao động tự do sang biên giới thì Bộ cũng đã có văn bản chỉ đạo các Sở Lao động Thương binh và Xã hội các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng để rà roát số lượng lao động tự do và nhất là các địa bàn xã, huyện nào mà hay có lao động đi làm việc tự do qua biên giới Trung Quốc để khuyến cáo tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về y tế của cơ quan chức năng của Việt Nam cũng như của nước tiếp nhận để có thể phòng tránh được dịch và trở về nước khi cần thiết.

PV: Thưa bà, vậy Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có chuẩn bị gì để cùng các cơ quan chức năng có thể bảo hộ công dân đang làm việc ở nước ngoài trong trường hợp xấu có thể xảy ra?

Bà Trần Thị Vân Hà: Chúng tôi phối hợp với cơ quan chức năng nước tiếp nhận để khuyến cáo và theo dõi đối với lao động Việt Nam. Đặc biệt là khuyến cáo lao động Việt Nam phải tuân thủ chỉ đạo về y tế của cơ quan chức năng nước sở tại để phòng tránh dịch bệnh và cũng chuẩn bị các phương án di tản, đưa lao động Việt Nam trở về nước trong trường hợp tình hình diễn biến xấu nhằm đảm bảo sức khỏe người lao động cũng như tâm lý người lao động có thể an lòng mà phòng tránh cho bản thân mình. Còn đối với các doanh nghiệp phái cử thì Cục cũng có công văn chỉ đạo.

Đối với lao động chuẩn bị xuất cảnh và đã có lịch xuất cảnh rồi thì yêu cầu với các doanh nghiệp trao đổi với đối tác nước ngoài để tạm thời lùi thời gian xuất cảnh đối với lao động Việt Nam hạn chế di chuyển trong thời gian này. Đặc biệt, tại các nước có trường hợp nhiễm dịch bệnh nCoV. 

Trường trường hợp cần thiết phải xuất cảnh thì doanh nghiệp phải quán triệt cho người lao động và đào tạo, hướng dẫn người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cũng như tuân thủ các yêu cầu y tế của cơ quan chức năng Việt Nam cũng như nước tiếp nhận lao động.

Còn đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mà hết hạn hợp đồng trở về nước trong thời gian này thì cũng đề nghị doanh nghiệp tổ chức đón người lao động và yêu cầu người lao động tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về y tế khi nhập cảnh. Trong trường hợp cần thiết tổ chức cho người lao động đi khám tại các cơ sở y tế, trước khi người lao động có thể trở lại địa phương. Đặc biệt, phải trao đổi với đối tác nước ngoài và người lao động để đặt vé máy bay cho người lao động về Việt Nam mà không có lịch trình quá cảnh tại các nước vùng dịch bệnh đã lan rộng. Thường xuyên báo cáo danh sách người lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước trong từng thời gian theo yêu cầu.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng chỉ đạo đối với các doanh nghiệp phái cử đang làm việc tại nước tiếp nhận phải thường xuyên phối hợp và liên hệ với các Ban quản lý lao động và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và đối tác nước ngoài để theo dõi và nắm bắt tình hình sức khỏe người lao động; thường xuyên báo cáo diễn biến liên quan đến sức khỏe người lao động với Cục Quản lý lao động ngoài nước và Ban quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài để xử lý kịp thời các phát sinh khi người lao động có triệu chứng lây nhiễm dịch bệnh.

PV: Vâng, xin cảm ơn bà./.


Hà Nam/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/chuan-bi-phuong-an-di-tan-lao-dong-viet-nam-trong-truong-hop-xau-1007784.vov

  • Từ khóa