TPHCM cho rằng, một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lạm dụng yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp để làm cơ sở tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động.
Theo báo cáo của UBND TPHCM vừa gửi tới Bộ Tư pháp, thành phố tiếp nhận và giải quyết lượng hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) khá lớn.
Tính từ tháng 1/2021 đến 10/2023, Sở Tư pháp TPHCM tiếp nhận trên 290.770 hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP qua 3 hình thức (tiếp nhận trực tiếp, nhận qua bưu chính và hồ sơ trực tuyến). Trong đó, số lượng hồ sơ được cấp đúng hạn gần 277.590 (95,8%), trễ hạn trên 12.270 trường hợp (4,2%).
Hai loại Phiếu lý lịch tư pháp (Ảnh minh họa).
Sở Tư pháp TPHCM gửi xác minh hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP đồng thời cho Trung tâm LLTP quốc gia (Bộ Tư pháp), Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (Bộ Công an) và Phòng hồ sơ nghiệp vụ - Công an TPHCM qua phần mềm "kiềng ba chân".
Trung tâm LLTP quốc gia tổng hợp kết quả tra cứu, xác minh gửi về Sở Tư pháp TPHCM qua đường truyền mạng để làm cơ sở cấp phiếu LTTP cho người dân.
Phòng LLTP thuộc Sở Tư pháp THPCM được giao 13 biên chế năm 2023 (một trưởng phòng, 2 phó phòng và 10 chuyên viên); 23/25 nhân viên hợp đồng lao động theo Đề án tiếp tục sử dụng lao động hợp đồng nhập liệu lý lịch tư pháp.
Việc tiếp nhận, xử lý, cấp phiếu LLTP được thực hiện trên phần mềm quản lý dùng chung của Cục Công nghệ thông tin - Bộ Tư pháp. Theo lãnh đạo TPHCM, do phần mềm thường xuyên hoạt động không ổn định, chưa được nâng cấp và bảo trì dẫn đến tra cứu, trích xuất thông tin án tích gặp nhiều khó khăn.
UBND TPHCM đánh giá nhu cầu cấp phiếu LLTP của người dân có xu hướng gia tăng, hiện tượng tăng đột biến xảy ra trong những thời điểm nhất định: Năm 2021 cấp 70.718 phiếu, năm 2022 cấp 117.713 phiếu và năm 2023 cấp 122.556 phiếu.
"Điều này tạo áp lực rất lớn cho công chức thực hiện công tác cấp phiếu LLTP", UBND TPHCM cho hay.
TPHCM đánh giá, thực trạng đó xuất phát từ nhận thức về mục đích sử dụng phiếu LLTP của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa đầy đủ; nhiều thủ tục hành chính quy định thành phần hồ sơ phải có phiếu này.
"Một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lạm dụng yêu cầu cấp phiếu LLTP để làm cơ sở tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động; đặc biệt là phiếu LLTP số 2 trong những trường hợp không cần thiết, không xuất phát từ nhu cầu muốn biết về thông tin LLTP", TPHCM nêu.
Tình trạng đó đã ảnh hưởng đến quyền được pháp luật bảo đảm bí mật đời tư cá nhân, chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng đến việc tái hòa nhập cộng đồng của người bị kết án, đặc biệt những người đã được xóa án tích.
Để kịp thời chấn chỉnh, TPHCM cho rằng cần tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết yêu cầu cấp phiếu nhằm tạo thuận lợi, giảm thời gian và chi phí cho xã hội, người dân, doanh nghiệp.
"Việc thí điểm phân cấp cho Phòng Tư pháp cấp huyện tại TPHCM thực hiện cấp phiếu LLTP là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, góp phần giảm áp lực trực tiếp cho Sở Tư pháp. Việc đó còn tăng tính chủ động của đơn vị hành chính cấp huyện trong giải quyết thủ tục hành chính", báo cáo của UBND TPHCM cho hay.
TPHCM đề xuất thực hiện thí điểm tại một số Phòng Tư pháp có đủ nhân sự và điều kiện làm việc có thể đáp ứng yêu cầu cấp phiếu LLTP. Sau khi tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện sẽ có căn cứ triển khai đến các Phòng Tư pháp còn lại.
Phiếu LLTP là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản.
Phiếu LLTP gồm 2 loại: Phiếu LLTP số 1 cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp 2009); phiếu LLTP số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp 2009 và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.
Theo dantri.com.vn