Gần đây trên các tuyến đường cao tốc liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận.
Đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với thiết kế 6 làn xe, 2 làn khẩn cấp được mô tả là tuyến đường hiện đại nhất Việt Nam. (Ảnh AN CÔNG)
Thực tế, quá trình đưa vào khai thác các tuyến cao tốc đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, thiếu sót trong quy hoạch, xây dựng, quản lý, bảo trì, tổ chức giao thông cũng như ý thức của người tham gia giao thông.
Mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với quy hoạch 41 tuyến cao tốc có tổng chiều dài 9.014 km. Trong đó hiện đưa vào khai thác, sử dụng 9 tuyến với chiều dài gần 1.900 km. Dự kiến, đến năm 2026 sẽ hoàn thiện, đưa vào khai thác tổng chiều dài đường bộ cao tốc khoảng 3.000 km, tăng hơn 1.100 km so với hiện nay .
Nhiều bất cập, hạn chế
Qua khảo sát của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), năm 2023 trên các tuyến cao tốc do Cục quản lý đã phát hiện 132 mục bất hợp lý về tổ chức giao thông, trong đó, nổi lên những bất hợp lý chưa được khắc phục dẫn đến xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) cho biết: Qua theo dõi, đến nay, ngành giao thông đã chỉ đạo khắc phục xong 77 mục; 21 mục đang thực hiện và sẽ hoàn thành trong năm 2024; 34 mục còn lại chưa thực hiện.
Trong đó, một số mục là nguyên nhân gây mất an toàn giao thông, tai nạn giao thông thời gian qua. Sau khi xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên tuyến Cam Lộ-La Sơn, Nội Bài-Lào Cai, làm 7 người chết, 2 người bị thương, thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, Cục Cảnh sát giao thông đã tham mưu Bộ Công an chỉ đạo rà soát lại toàn bộ các kiến nghị chưa được khắc phục và các bất hợp lý phát sinh mới. Đến nay, 74 kiến nghị đã được khắc phục, còn 58 kiến nghị chưa được khắc phục, 43 kiến nghị phát sinh mới.
Trước ý kiến cho rằng, việc xây dựng các tuyến cao tốc phân kỳ chưa bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng khẳng định, do nguồn lực còn hạn chế cho nên các tuyến cao tốc đang trong phân kỳ đầu sẽ thiếu một số hạng mục công trình như làn dừng khẩn cấp, trạm dừng nghỉ, hệ thống giao thông thông minh.
Để đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai, như bảo đảm tầm nhìn dài hạn, đường cao tốc đều được quy hoạch quy mô từ 4-10 làn xe, tốc độ khai thác 80-120 km/giờ. Ở mức độ nâng cao có các trạm dừng nghỉ, có hệ thống giao thông thông minh để giám sát, theo dõi, điều chỉnh trật tự an toàn giao thông. Theo ông Thắng, giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải dự kiến nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông khoảng 462.000 tỷ đồng.
Quốc hội, Chính phủ phân bổ cho Bộ là hơn 304.100 tỷ đồng, đáp ứng 66% nhu cầu đầu tư. Phần lớn nguồn vốn này đều ưu tiên tập trung đầu tư các công trình đường bộ cao tốc. Điều này cho thấy, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư đối với kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và hệ thống đường bộ cao tốc nói riêng.
Qua theo dõi, thống kê của Cục Cảnh sát giao thông trong năm 2023 và hai tháng đầu năm 2024, trên các tuyến đường bộ cao tốc xảy ra 267 vụ tai nạn giao thông, làm chết 91 người, bị thương 172 người. Riêng trên các tuyến cao tốc thuộc Cục quản lý xảy ra 184 vụ tai nạn giao thông làm 54 người chết, 124 người bị thương. So với thời gian trước liền kề tăng 2 vụ, tăng 30 người chết, tăng 56 người bị thương.
Lý giải các nguyên nhân dẫn đến mất an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc, Cục Cảnh sát giao thông cho rằng là do nhiều tuyến xuất hiện tình trạng mở điểm mở cho phương tiện đi thẳng vào (Hà Nội-Lào Cai), hệ thống hàng rào lưới chưa khép kín, thiếu người trực gác cho nên người dân có thể tự ý đi bộ, điều khiển xe mô-tô, xe ba gác, súc vật đi trên cao tốc (tuyến Hà Nội-Thái Nguyên; Trung Lương-Mỹ Thuận; Hạ Long-Vân Đồn; Vĩnh Hảo-Phan Thiết-Dầu Giây). Một số tuyến có tình trạng cắt rào, trèo lên đường cao tốc để đón xe khách (tuyến Pháp Vân-Mai Sơn, Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Thái Nguyên).
Một số tuyến vừa khai thác vừa thi công; một số tuyến đường xuống cấp nhưng chậm khắc phục, sửa chữa (Pháp Vân-Cầu Giẽ, Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Thái Nguyên). Đối với những đoạn, tuyến không có dải phân cách cứng ở giữa, không có làn dừng khẩn cấp luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông; khi xảy ra tai nạn thường gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như tuyến Cam Lộ-La Sơn, đoạn tuyến Yên Bái-Lào Cai.
Nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Tiến sĩ Khương Kim Tạo lại chỉ ra 3 lỗi chính dẫn tới tai nạn giao thông trên đường cao tốc là: Lỗi thuộc về người điều khiến phương tiện giao thông (ý thức kém, không tuân thủ luật lệ giao thông, chạy quá tốc độ, không duy trì khoảng cách an toàn, phóng nhanh, vượt ẩu) là nguyên nhân chủ yếu; tiếp đến mới là lỗi do đường (bất cập, hạn chế về thông số kỹ thuật, hệ thống báo hiệu trên đường chưa đạt quy chuẩn); nguyên nhân cuối cùng thuộc về ô-tô (công tác kiểm định chưa nghiêm, phương tiện không bảo đảm an toàn...).
Hoàn thiện quy chuẩn đường cao tốc
Để khắc phục những bất cập nêu trên, Thượng tá Lê Quang Hòa, Trưởng phòng Hướng dẫn, điều khiển giao thông và dẫn đoàn, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, trước hết, lực lượng chức năng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, các quy chuẩn về đường cao tốc; đồng thời, xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể.
Nếu không thể khắc phục được ngay, cơ quan chức năng cần đề nghị, kiên quyết hạ cấp khai thác, phân luồng hạn chế phương tiện trên các tuyến cao tốc. Các cơ quan chức năng cần lắp đặt hệ thống giám sát, tăng cường công tác phối hợp trong khảo sát, khắc phục các điểm bất cập trên những tuyến cao tốc; xử lý nghiêm đối với những trường hợp chậm khắc phục các hạn chế trong việc tổ chức giao thông.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho rằng, Nhà nước cần ưu tiên phát triển đồng bộ hơn nữa hạ tầng giao thông trên đường bộ cao tốc, bảo đảm đúng tiêu chuẩn mới đưa vào khai thác sử dụng đồng bộ.
Đối với những đoạn tuyến cao tốc trong giai đoạn phân kỳ, chưa đạt chuẩn cao tốc cần khẩn trương hoàn thiện giai đoạn đầu tư tiếp theo để đạt chuẩn. Trước mắt, đối với các tuyến đường này nên lắp đặt rào chắn barie hạn chế chiều cao các phương tiện vận tải hàng hóa từ 10 tấn trở lên và phương tiện vận tải hành khách từ 29 chỗ trở lên; cần xây dựng bổ sung quy định tiêu chuẩn đường cao tốc theo quy chuẩn. Giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị quản lý hạ tầng trên đường bộ cao tốc phải chủ động khắc phục sự cố hạ tầng kỹ thuật nếu có nguy cơ mất an toàn.
Tiến sĩ Khương Kim Tạo cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho nhân dân về luật lệ an toàn giao thông. Trong giáo trình dạy học tại các trung tâm đào tạo và sát hạch thi lấy giấy phép lái xe cần thay đổi bổ sung phần thực hành trên đường cao tốc, nâng cao chất lượng đào tạo; trang bị cho người học ý thức đạo đức của người tham gia giao thông; xây dựng văn hóa giao thông trên đường cao tốc. Giải pháp nữa là nghiên cứu, đề xuất tăng cao mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm giao thông trên đường cao tốc, xử phạt nặng các hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn.
Đối với lực lượng chức năng, cần tăng cường biên chế, trang bị đầy đủ các loại phương tiện hiện đại (máy đo tốc độ, máy đo nồng độ cồn) làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; lắp đặt camera xử phạt nguội trên các tuyến cao tốc nâng cao hiệu quả phát hiện các hành vi vi phạm để xử lý kịp thời, tăng hiệu quả răn đe, giáo dục.
Lực lượng cảnh sát giao thông cần có mặt 24/24 giờ trên đường cao tốc để tuần tra, kiểm soát phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm, xử lý các nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Trên một số đoạn, tuyến có tình hình giao thông phức tạp, hay xảy ra tai nạn giao thông và các điểm bố trí lối mở cần gắn biển báo hiệu từ xa, hạn chế tốc độ của các phương tiện khi đi qua đoạn đường này. Kiên quyết xử lý các phương tiện có đăng ký kinh doanh vận tải nhưng không có hoặc không bật thiết bị giám sát hành trình.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/ngan-ngua-tai-nan-giao-thong-tren-duong-cao-toc-post801593.html