“Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch Covid-19”

Thứ 6, 14.02.2020 | 08:37:31
451 lượt xem

Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá Việt Nam đã rất nỗ lực khống chế dịch Covid-19 (nCoV) và thời gian qua đã kiểm soát tốt dịch.

Đây là chia sẻ của Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam trong cuộc phỏng vấn với phóng viên VOV.VN, khi dịch Covid-19 (nCoV) đang có những diễn biến hết sức phức tạp. Tại Việt Nam, số người dương tính với Covid-19 (nCoV) là 16 và chưa có trường hợp nào tử vong.

Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam.

Phóng viên: Xin ông cho biết, so với các dịch bệnh đã từng xảy ra, WHO đánh giá thế nào về mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm phổi cấp do Covid-19 gây ra?

Tiến sỹ Kidong Park: Mỗi một loại dịch bệnh lây nhiễm mới lại có những diễn biến hết sức khác nhau. Dựa trên những thông tin chúng tôi có được cho đến thời điểm này, có thể thấy, Covid-19 (nCoV) có nhiều điểm khác biệt so với các chủng Covid-19 trước đây như SARS (Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng) hay MERS (Hội chứng suy hô hấp Trung Đông).

Theo đó, có sự khác biệt lớn về tỷ lệ tử vong vì Covid-19 (nCoV) so với SARS và MERS. Trong khi tỷ lệ này ở dịch SARS là 10% và MERS lên tới 35% thì con số này trong dịch Covid-19 (nCoV) chỉ là 2%. Ngoài ra, số bệnh nhân cần hỗ trợ về hô hấp cũng có sự khác biệt khi trong dịch SARS con số này là 20%, MERS là 80% thì Covid-19 (nCoV) là 9-10%. Như vậy, có thể thấy, Covid-19 (nCoV) không nghiêm trọng như SARS hay MERS.

Cũng giống như SARS và MERS, Covid-19 (nCoV) chủ yếu lây lan qua tiếp xúc gần giữa người với người chủ yếu qua đường giọt bắn khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi hoặc qua những bề mặt bị nhiễm bẩn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này vẫn chưa rõ cơ chế lây lan của dịch Covid-19 (nCoV). Chúng tôi đang tiến hành điều tra và thu thập thêm thông tin về dịch bệnh trước khi đưa ra kết luận chính thức.

Phóng viên: Văn phòng Đại diện của WHO tại Việt Nam đã có những khuyến nghị gì đối với Chính phủ Việt Nam trong suốt thời gian qua và trong thời gian tới?

Tiến sỹ Kidong Park: Dựa trên kinh nghiệm từ dịch SARS năm 2003, WHO đã sửa đổi Điều lệ Y tế Quốc tế vào năm 2005. Đây là điều lệ mang tính bắt buộc chung đối với mọi thành viên WHO. Theo Điều lệ Y tế Quốc tế mới, các quốc gia cần phát triển năng lực cơ bản để có thể phát hiện, báo cáo và kiểm soát bất kỳ đợt dịch bệnh lây nhiễm bất ngờ nào có khả năng lan rộng xuyên biên giới.

Hàng năm, WHO Việt Nam luôn hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc tiếp cận và củng cố năng lực nói trên. Chúng tôi cũng đã tiến hành đánh giá về năng lực này vào năm 2016.

Vào ngày 31/12/1019, Chính phủ Trung Quốc đã báo cáo về đợt dịch bệnh nghiêm trọng chưa rõ nguyên nhân lên WHO theo đúng Điều lệ Y tế Quốc tế. WHO ngay lập tức thông báo cho các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.

Khi dịch bệnh bùng phát, WHO đã cung cấp hàng chục chỉ dẫn kỹ thuật và những thông tin cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm bệnh cho các nước thành viên. Chúng tôi cũng đã tiến hành nhiều khóa đào tạo trực tuyến cho các nhân viên y tế. Tại Việt Nam, WHO cũng đã hỗ trợ trực tiếp cho các cán bộ y tế trong việc phát triển bản chỉ dẫn quốc gia dựa trên những chỉ dẫn của WHO.

Ngày 30/1/2020, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã công bố dịch nCoV (tới thời điểm này được gọi là Covid-19) là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế.

Ông Ghebreyesus cũng đã đưa ra những khuyến nghị tạm thời cho tất cả các thành viên WHO, bao gồm những khuyến nghị bổ sung cho những nước đầu tiên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. WHO Việt Nam có trách nhiệm đảm bảo rằng, những khuyến nghị này được phê chuẩn và thực thi tại Việt Nam.

WHO vẫn đang tiếp tục theo dõi sát tình hình và đánh giá về dịch bệnh. Chúng tôi sẽ cung cấp những chỉ dẫn và sự hỗ trợ cần thiết cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam để khống chế dịch bệnh một cách có hiệu quả và bảo vệ sức khỏe của người dân.

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt cho những người Việt Nam từ Vũ Hán trở về nước sáng 10/2.

Phóng viên: WHO đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua?

Tiến sỹ Kidong Park: Cho đến nay, Việt Nam đã kiểm soát rất tốt dịch Covid-19. Ngay từ khi có thông tin về dịch bệnh, Việt Nam đã kích hoạt hệ thống phản ứng bao gồm việc tăng cường giám sát, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan cũng như có cơ chế hợp tác hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành.

Phóng viên: WHO có hỗ trợ gì thêm cho Việt Nam trong việc đối phó với Covid-19 khi dịch bệnh này được cho là sẽ lên đến đỉnh điểm tại Trung Quốc trong vòng từ 4-7 ngày tới và ở Việt Nam một vài ngày sau đó?

Tiến sỹ Kidong Park: Rất khó để nói trước điều gì. Chúng tôi chưa thể biết khi nào dịch bệnh mới lên đến đỉnh điểm cho đến khi có được những đánh giá mới nhất. Chúng tôi sẽ không đưa ra bất kỳ phỏng đoán nào. Chúng tôi cho rằng, vẫn sẽ có thêm nhiều trường hợp bị lây nhiễm khác tại Trung Quốc được công bố trong vài ngày tới.

Tuy nhiên, tôi có thể nói rằng, rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã làm hết sức mình để kiểm soát dịch bệnh. Dù vậy, chúng ta vẫn phải hết sức cảnh giác trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!./.


Trần Khánh/VOV.VN 

https://vov.vn/xa-hoi/viet-nam-da-kiem-soat-tot-dich-covid19-1010065.vov

  • Từ khóa