Thời gian qua, công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại cấp huyện đạt kết quả tích cực, mang lại nhiều lợi ích cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Có được như vậy, trong số các giải pháp UBND cấp huyện đã triển khai thì việc đẩy mạnh thực hiện cơ chế “4 tại chỗ” trong quy trình giải quyết TTHC là giải pháp quan trọng.
Người dân thực hiện TTHC tại Bộ phận "một cửa" UBND huyện Cao Lộc
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 251 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó, trung bình có 122 TTHC/huyện, thành phố được thực hiện theo cơ chế "4 tại chỗ" (số lượng TTHC thực hiện "4 tại chỗ" có thể chênh lệch vì do UBND cấp huyện phê duyệt), thuộc các lĩnh vực như thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh; cấp phép xây dựng; lưu thông hàng hóa trong nước; người có công; bảo trợ xã hội; văn hóa cơ sở; chứng thực; hộ tịch; thi đua khen thưởng...
Huyện Cao Lộc là một trong những đơn vị thực hiện hiệu quả việc giải quyết TTHC theo cơ chế “4 tại chỗ”. Hiện nay, tại cấp huyện có 251 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, trong đó có 133 TTHC được giải quyết theo cơ chế “4 tại chỗ”, chiếm 51,8%, vượt 1,8% so với yêu cầu tại Quyết định 985/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Quyết định ban hành kế hoạch thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ phận “một cửa” UBND huyện đã tiếp nhận 3.703 hồ sơ TTHC, đã giải quyết 3.627 hồ sơ, trong đó có 3.583 hồ sơ đã giải quyết trước và đúng hạn, đạt 98,78%.
Cơ chế “4 tại chỗ” là đảm bảo việc tiếp nhận, thẩm định, giải quyết và trả kết quả hồ sơ TTHC tại bộ phận “một cửa” các cấp, tránh việc người dân phải đi lại nhiều lần, đến nhiều nơi để thực hiện TTHC. |
Ông Vũ Hòa Bình, Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện cho biết: Hằng năm, chúng tôi đã thường xuyên rà soát, lựa chọn các TTHC phù hợp để tham mưu lãnh đạo UBND huyện ban hành quyết định phê duyệt danh mục các TTHC thực hiện theo cơ chế “4 tại chỗ”. Đơn cử như đối với thủ tục "cấp bản sao trích lục hộ tịch" hồ sơ được giải quyết luôn trong ngày, người dân sẽ đến bộ phận "một cửa" huyện nộp hồ sơ trực tiếp hoặc có thể nộp trực tuyến qua dịch vụ công, công chức tiếp nhận sẽ có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu thông tin. Nếu hồ sơ hợp lệ thì chuyển đến Phòng Tư pháp huyện thẩm định, giải quyết, sau đó hồ sơ sẽ được đóng dấu và chuyển kết quả cho người dân. Như vậy có cho thấy, việc giải quyết TTHC theo cơ chế “4 tại chỗ” trên địa bàn huyện khá thuận lợi, bởi các phòng chuyên môn cơ bản tập trung ở một chỗ, gần với bộ phận "một cửa".
Tương tự, UBND thành phố Lạng Sơn cũng thường xuyên đẩy mạnh giải quyết TTHC theo cơ chế này. Hiện tại, UBND thành phố có 128/251 TTHC được thực hiện theo cơ chế “4 tại chỗ”, chiếm 50,9%, vượt 0,9% so với yêu cầu tại Quyết định 985/QĐ-TTg. Nhờ thực hiện tốt cơ chế này, từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ phận “một cửa” UBND thành phố đã tiếp nhận 7.428 hồ sơ TTHC, đã giải quyết 7.303 hồ sơ, trong đó có 7.262 hồ sơ đã giải quyết trước và đúng hạn, đạt 99,43%; 99% cá nhân, tổ chức đánh giá hài lòng khi thực hiện TTHC tại đây.
Anh Nguyễn Quang Hưng, đường Ngô Quyền, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn phấn khởi nói: Gần đây, tôi có đến bộ phận “một cửa” thành phố chứng thực một số giấy tờ, cán bộ đã tiếp nhận và giải quyết rất nhanh. Sau khi kiểm tra đầy đủ thành phần hồ sơ, chỉ mất hơn 5 phút chờ đợi, tôi đã có kết quả trên tay, không phải đi lại nhiều nơi, mất thời gian như trước.
Không riêng huyện Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn, thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện còn lại trong tỉnh đã nỗ lực triển khai thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC theo cơ chế “4 tại chỗ”, góp phần tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian đi lại cho người dân. Theo đó, hằng năm, UBND cấp huyện đã xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm soát, cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, trong đó, chú trọng giải quyết trong ngày đối với các TTHC đơn giản.
Đặc biệt, để thực hiện hiệu quả cách giải quyết này thì yếu tố con người, cơ sở vật chất là rất quan trọng. Tuy nhiên hiện nay, số lượng biên chế làm việc tại UBND cấp huyện ít, công việc chuyên môn lại nhiều nên không thể bố trí nhân lực ngồi thường xuyên tại bộ phận “một cửa”, khắc phục điều này, UBND các huyện, thành phố đã bố trí bộ phận “một cửa” trong khuôn viên trụ sở (Tràng Định, Văn Quan, Bình Gia, Hữu Lũng, thành phố Lạng Sơn) hoặc gần nơi làm việc của các phòng chuyên môn (Văn Lãng, Cao Lộc, Bắc Sơn, Chi Lăng, Lộc Bình, Đình Lập); cân đối ngân sách sửa chữa, nâng cấp trụ sở với diện tích đạt từ 80 m2 trở lên, hiện nay, bộ phận “một cửa” cấp huyện đều đạt trên 100 m2 trở lên, đơn cử như bộ phận “một cửa” UBND huyện Lộc Bình có diện tích 260 m2. Theo đó, UBND cấp huyện đã bố trí mỗi lĩnh vực một ekip 3 hoặc 4 người, trong đó có cả lãnh đạo phòng chuyên môn để thực hiện giải quyết TTHC theo cơ chế “4 tại chỗ”.
Nhờ đó, tính đến nay, 11/11 huyện, thành phố thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC theo cơ chế “4 tại chỗ”, đều đạt 50% trở lên. Với phương thức này, hồ sơ TTHC nộp đến sẽ được UBND cấp huyện tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả ngay tại bộ phận một cửa. Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, UBND cấp huyện đã tiếp nhận 53.862 hồ sơ TTHC, đã giải quyết 53.072 hồ sơ, trong đó có 52.864 hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn, đạt 99,6%.
Ông Bùi Đức Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh cho biết: Việc thực hiện cơ chế “4 tại chỗ” tại cấp huyện đã từng bước đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo đảm các TTHC được giải quyết thuận tiện, nhanh chóng, giảm chi phí, thời gian của công dân, tổ chức. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ công chức tiếp nhận và trả kết quả TTHC. Đồng thời, tại các cuộc kiểm tra kiểm soát TTHC hằng năm, sẽ đẩy mạnh kiểm tra nội dung thực hiện “4 tại chỗ” nhằm phát hiện khó khăn, vướng mặc để kịp thời điều chỉnh.
Như vậy, việc thực hiện giải quyết TTHC theo cơ chế “4 tại chỗ” đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng công tác cải cách TTHC nói riêng và cải cách hành chính nói chung tại UBND cấp huyện. Qua đó, tạo sự hài lòng cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, xây dựng nền hành chính vì dân, lấy người dân làm trung tâm.
Theo baolangson.vn