Tài nguyên bản địa - tiềm năng để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Thứ 6, 26.04.2024 | 14:26:34
657 lượt xem

Địa bàn tỉnh Lạng Sơn không chỉ có tài nguyên phong phú, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc mà còn có nhiều sản vật nổi tiếng, đây chính là tiềm năng thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với tài nguyên bản địa. Từ nguồn tài nguyên bản địa, nhiều tập thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã khởi nghiệp thành công, nâng cao thu nhập và tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương.

Nhóm học sinh Trường Tiểu học và THCS Lê Quý Đôn, thành phố Lạng Sơn giới thiệu công dụng của dầu gội men ngải cứu với giám khảo Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn năm 2023 

Bà Bế Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Nguồn tài nguyên bản địa trên địa bàn tỉnh rất đa dạng, phong phú, nếu biết tận dụng đây sẽ là nền tảng để các cá nhân, nhóm khởi nghiệp có thể triển khai các dự án, ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã đẩy mạnh công tác tuyền truyền về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giới thiệu về các mô hình khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa đến người dân trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình tham gia các hoạt động về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các ngành, đơn vị, chúng tôi định hướng cho các đơn vị liên quan tuyên truyền, hướng dẫn đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên nghiên cứu và đề xuất ý tưởng khởi nghiệp dựa trên tài nguyên bản địa. Sở cũng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành với các cá nhân, nhóm khởi nghiệp hiện thực hóa ý tưởng, phát triển mô hình, mở rộng sản xuất…

Theo đó, hằng năm, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp, lồng ghép triển khai công tác này nhằm khuyến khích các tầng lớp nhân dân nghiên cứu, đề xuất, hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp; chủ trì tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh. Những ý tưởng dự án đạt giải sẽ được sở hỗ trợ phát triển, tham gia các sự kiện quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Năm 2022, sở đã xây dựng và đưa vào vận hành khu làm việc chung khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm tạo cơ hội cho các cá nhân, nhóm khởi nghiệp tìm kiếm thông tin, cơ hội kết nối, quảng bá sản phẩm; kết nối chuyên gia đào tạo nâng cao năng lực hỗ trợ cho các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; kết nối các doanh nghiệp, vận động nguồn hỗ trợ về tri thức, thị trường, trang thiết bị cho các tập thể, cá nhân, nhóm khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh…

Đối với tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Sở Giáo dục và Đào tạo, công tác tuyên truyền, hướng dẫn được triển khai bằng những hoạt động thiết thực như tập huấn trang bị phương pháp tư duy sáng tạo và kiến thức kỹ năng khởi nghiệp; mời chuyên gia thông tin về tình hình thị trường, tiềm năng phát triển cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh; trực tiếp tư vấn cho chủ thể mô hình khởi nghiệp; phối hợp kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ quảng bá, tìm thị trường cho sản phẩm khởi nghiệp; tập huấn cho các tác giả có ý tưởng khởi nghiệp xây dựng chiến lược, ứng dụng mô hình vào thực tiễn sản xuất. Hằng năm, các đơn vị này đều tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp, ngày hội khởi nghiệp để lựa chọn những ý tưởng, dự án có tính khả thi tham gia cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ, thời gian qua, nhiều cá nhân trên địa bàn tỉnh đã khởi nghiệp thành công từ tài nguyên bản địa mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho bản thân, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như mô hình chế biến các loại nước sốt có hương vị mắc mật và sản phẩn heo khô mác mật ăn liền của anh Dương Hữu Điện, xã Chiêu Vũ, huyện Bắc Sơn cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 5 lao động tại địa phương với thu nhập từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng; mô hình sản xuất hồng vành khuyên treo gió của chị Vương Thị Thương, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương thời điểm chính vụ chế biến, bao tiêu sản phẩm của 2 hợp tác xã và 10 hộ dân trồng hồng…

Chị Tạ Thị Hoa, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn sản xuất dầu gội thảo mộc 

Chị Nông Thị Linh, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định chia sẻ: Bí xanh thơm và bánh nướng là những sản phẩm đặc sản, truyền thống của huyện Tràng Định. Nhận thấy bí thơm chủ yếu chỉ được chế biến thành những món ăn hằng ngày nên khả năng tiêu thụ không cao nhất là thời điểm chính vụ, do đó người trồng thường bị thương lái ép giá. Chính vì vậy, tôi đã nghiên cứu và chế biến bí thơm thành nhân bánh nướng với độ ngọt vừa phải. Năm 2021, khi có mặt trên thị trường sản phẩm đã được rất nhiều người đón nhận. Nhờ đó, mùa trung thu các năm 2021, 2022, 2023 mỗi ngày cơ sở sản xuất của tôi cho ra lò hơn 1.600 chiếc bánh mà không đủ bán, góp phần tạo việc làm cho 10 lao động trên địa bàn huyện.

Từ năm 2022 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã tổ chức hơn 3.000 hoạt động tập huấn, hội thảo, diễn đàn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho hơn 17.000 lượt hội viên, đoàn viên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Sở Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ đã tổ chức hơn 10 cuộc thi, hội thi, ngày hội về khởi nghiệp với hơn 500 ý tưởng, dự án tham gia.

Theo số liệu thống kê từ Ban tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh, từ năm 2022 đến nay, đã có 88 ý tưởng, dự án tham gia cuộc thi, trong đó phần lớn là các dự án khởi nghiệp dựa trên tài nguyên bản địa. Đặc biệt hầu hết các dự án đều đã và đang được triển khai trong thực tiễn và mang lại hiệu quả nhất định về kinh tế, xã hội. Với các nguồn tài nguyên bản địa phong phú, đa dạng của tỉnh, nếu biết ứng dụng, phát triển sẽ tạo ra những sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, xã hội, đồng thời góp phần quảng bá, nâng cao giá trị của các tài nguyên bản địa.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/tai-nguyen-ban-dia-tiem-nang-de-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-5006750.html

  • Từ khóa