Những năm qua, ngành văn hoá thể thao và du lịch (VHTT&DL) và các đơn vị liên quan đã tích cực xây dựng và nhân rộng những đội, câu lạc bộ (CLB) văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân và khơi dậy tình yêu văn hoá dân tộc trong cộng đồng.
CLB văn hóa dân gian các dân tộc Tày, Nùng xã Điềm He, huyện Văn Quan do Sở VHTT&DL phối hợp với UBND huyện Văn Quan mở lớp truyền dạy và thành lập vào tháng 7/2023. CLB hiện có 75 thành viên từ 5 đến 75 tuổi. Được sự hỗ trợ, động viên của cấp ủy, chính quyền địa phương và tình yêu với dân ca, đến nay, toàn bộ thành viên CLB đều hát và biểu diễn thành thạo một số điệu dân ca truyền thống. Bà Hoàng Thị Chuyền, 71 tuổi, thành viên CLB cho biết: Tham gia CLB không chỉ giúp chúng tôi có được tinh thần thoải mái mà còn thỏa niềm đam mê với các làn điệu dân ca dân tộc. Sau một thời gian tham gia CLB, tôi và các thành viên khác đã biết hát then, đàn tính và tự tin biểu diễn tại một số sự kiện trên địa bàn.
Các thành viên Câu lạc bộ Điếp Sli Then, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc trong một buổi sinh hoạt
Ngoài CLB trên, từ năm 2020 đến nay, huyện Văn Quan đã thành lập mới được thêm hơn 20 CLB văn nghệ, văn hoá truyền thống, nâng tổng số CLB của toàn huyện lên 45, thu hút trên 850 người tham gia, tăng hơn 400 người so với năm 2020.
Còn tại huyện Cao Lộc, được sự hỗ trợ của Sở VHTT&DL về việc thành lập các CLB văn hoá truyền thống, từ năm 2020 đến nay, huyện thành lập được 4 CLB mẫu về múa sư tử, thêu dệt thổ cẩm, hát Sli với hơn 100 học viên tham gia. Bà Hà Thị Trinh, Phó Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Cao Lộc cho biết: Sau khi phối hợp nhân rộng các CLB, phòng tiếp tục phối hợp với UBND các xã, thị trấn thành lập được thêm 20 CLB văn hóa, văn nghệ quần chúng, nâng tổng số CLB văn hóa, văn nghệ trên địa bàn huyện lên hơn 50, tăng 40% so với năm 2020.
Cùng với Văn Quan, Cao Lộc, việc xây dựng và nhấn rộng các đội, CLB văn hóa truyền thống cũng diễn ra sôi nổi, hiệu quả tại các huyện, thành phố còn lại, góp phần nâng cao số lượng, chất lượng các đội, CLB này trong toàn tỉnh. Cụ thể từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã có gần 100 đội, CLB văn hóa truyền thống được thành lập, nâng tổng số lên hơn 200 đội, CLB văn hóa truyền thống với hơn 2.000 hội viên sinh hoạt. Trung bình mỗi CLB có từ 15 - 30 người tham gia.
Có được những kết quả trên là sự nỗ lực của các cấp, ngành liên quan trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc. Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Chúng tôi xác định, để bảo tồn di sản văn hóa (DSVH) các dân tộc, trước tiên cần thực hiện bảo tồn từ yếu tố con người - chủ thể của di sản. Do đó, ngành thường xuyên tổ chức các lớp truyền dạy về DSVH phi vật thể như: dân ca, dân vũ, nghề thêu, dệt, múa sư tử mèo… cho người dân thuộc nhiều lứa tuổi tại cơ sở (từ năm 2020 đến nay, ngành VHTT&DL đã phối hợp tổ chức các lớp truyền dạy, hướng dẫn thành lập gần 30 CLB sinh hoạt văn hóa truyền thống). Đồng thời, hỗ trợ cơ sở vật chất cho người dân tại các lớp học, từ đó hình thành nên các mô hình mẫu trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá truyền thống, từ đó tiếp tục nhân rộng và phát triển tại cơ sở.
Đi đôi với truyền dạy, ngành VHTT&DL cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tạo ra không gian văn hóa giúp thành viên các đội, CLB được tham gia trình diễn các tiết mục mang đậm bản sắc dân tộc tại các sự kiện diễn ra trên địa bàn. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2020 đến nay, các mô hình đội, CLB văn hóa truyền thống đã tham gia biểu diễn trên 200 hội nghị, sự kiện và các hoạt động du lịch, lễ hội do các cấp tổ chức, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy sự phát triển của mô hình các CLB.
Từ hiệu quả của việc nhân rộng các đội, CLB văn hóa truyền thống, nhiều di sản văn hoá ở Lạng Sơn đã và đang trở thành động lực cho phát triển du lịch. Theo thống kê từ Sở VHTT&DL, năm 2023, Lạng Sơn đã đón hơn 3,9 triệu lượt khách, (tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2022); thu nhập từ lĩnh vực du lịch ước đạt trên 3,1 nghìn tỷ đồng. Riêng 3 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách đến Lạng Sơn đạt trên 1,5 triệu lượt (tăng 12,7% so với cùng kỳ 2023), doanh thu ước đạt trên 1.000 tỷ đồng...
Thông qua việc xây dựng và nhân rộng các đội, CLB văn hoá truyền thống đã và đang góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, đồng thời nâng cao ý thức của các tầng lớp nhân dân trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống trong cuộc sống hiện đại ngày nay.
Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã có gần 100 đội, CLB văn hóa truyền thống được thành lập, nâng tổng số lên hơn 200 đội, CLB văn hóa truyền thống với hơn 2.000 hội viên sinh hoạt. Trung bình mỗi CLB có từ 15 - 30 người tham gia. |
Theo baolangson.vn
https://baolangson.vn/nhan-rong-cac-doi-cau-lac-bo-van-hoa-truyen-thong-5008982.html