Tháng 1/2024, tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua 8 cơ chế đặc thù tháo gỡ vướng mắc đối với các chương trình mục tiêu quốc gia nên đã thúc đẩy việc triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, vẫn còn có bất cập, chưa phù hợp thực tế làm cơ quan chức năng, người dân băn khoăn.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chính quyền xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) cấp bò sinh sản cho hộ nghèo và cận nghèo.
Với quyết tâm cao, nỗ lực trong việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia của các cấp, các ngành và với sự đồng lòng của người dân, kết thúc năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đó là góp phần tích cực đưa 118/126 xã (đạt tỷ lệ 93,65%) số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,02%.
Các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang được các cấp, các ngành nỗ lực triển khai; việc kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên để đáp ứng yêu cầu về tiến độ; kịp thời uốn nắn, khắc phục, thậm chí xử lý cán bộ có sai phạm trong quá trình triển khai.
Đồng thời, với 8 cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua, các chương trình mục tiêu quốc gia đang thực sự đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Địa hình hiểm trở, với khoảng 70% là đồng bào dân tộc thiểu số, Văn Lăng là xã khó khăn nhất và là xã cuối cùng của huyện Đồng Hỷ chưa đạt chuẩn nông thôn mới.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Văn Lăng Hoàng Văn Trường cho biết: Năm 2024 huyện đầu tư nhiều nguồn lực, tập trung lồng ghép thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia một cách bài bản để quyết tâm về đích nông thôn mới vào cuối năm nay.
Đến nay, Văn Lăng chỉ còn 2 tiêu chí, gồm tỷ lệ hộ nghèo và thu nhập là chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Để giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống xuống dưới 13% và thu nhập bình quân đạt 45 triệu đồng/người/năm, cấp ủy, chính quyền xã tập trung thực hiện lồng ghép, phối hợp nguồn lực của ba chương trình mục tiêu quốc gia để khai thác lợi thế địa phương là diện tích rừng sản xuất và chè lớn; phát triển chăn nuôi gia súc để tạo sinh kế lâu dài; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm ổn định, trong đó có việc vận động người trong độ tuổi đi làm công nhân và đi làm việc ở nước ngoài.
Với quyết tâm cao, giải pháp căn cơ và mang tính bền vững như thế, đồng chí Hoàng Văn Trường khẳng định: Chúng tôi nhất định sẽ về đích nông thôn mới một cách thực chất vào năm nay. Tuy nhiên, điều mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã trăn trở là chính sách thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn bất cập.
Cụ thể là, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi không quy định Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên là đối tượng thực hiện của tiểu dự án 3, dự án 5. Trên thực tế các đơn vị này được giao nhiệm vụ đào tạo nghề trên địa bàn các huyện vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 sau khi được công nhận chuẩn nông thôn mới là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách áp dụng với các xã khu vực III, khu vực II kể từ ngày có quyết định công nhận.
Trong khi đó, các xã này vẫn rất cần nguồn lực hỗ trợ để hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ, an sinh xã hội, phát triển sản xuất.
Đồng chí Đoàn Thị Hảo, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Trong quá trình giám sát, khảo sát thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chúng tôi thấy có rất nhiều cử tri, đại diện cơ quan chức năng phản ánh về 2 vấn đề được cho là chưa phù hợp với thực tiễn nêu trên và chúng tôi đã tiếp thu, kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét, nghiên cứu và quyết định.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/chinh-sach-thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-con-bat-cap-post813180.html