Vẫn còn hạn chế, bất cập trong phòng, chống thiên tai

Chủ nhật, 09.06.2024 | 15:35:35
831 lượt xem

Những năm gần đây, công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) có nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, vẫn còn không ít hạn chế, bất cập được các đại biểu nêu tại Hội nghị toàn quốc về công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 vừa được tổ chức. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đã có cuộc trao đổi với phóng viên các cơ quan báo chí xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Bên cạnh những kết quả tích cực, đâu là những bất cập mà chúng ta cần phải khắc phục, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, vì đã dự báo rất sát diễn biến của thiên tai nên chúng ta có sự chủ động hơn trong công tác ứng phó. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như các địa phương đã chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai. Do đó, chúng ta đã hạn chế được số người chết, bị thương, thiệt hại về kinh tế. Chúng ta dự báo dài hạn trước việc xảy ra hạn hán ở các khu vực nên đã chủ động hơn trong công tác ứng phó.

Vẫn còn hạn chế, bất cập trong phòng, chống thiên tai
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp. 

Tuy nhiên, những hạn chế, bất cập trong công tác PCTT vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Hạ tầng có khả năng chống chịu thiên tai vẫn đang ở mức thấp. Có những điều chúng ta đã nhìn thấy, có thể đầu tư để khắc phục nhưng vẫn để xảy ra. Số người chết trong bão lũ không nhiều nhưng người chết sau bão lũ vẫn nhiều. Nước ngọt cho người dân chúng ta đã thấy, biết những hộ dân thiếu nước ở thời điểm nào, khu vực nào, có danh sách nhưng vẫn để xảy ra thiếu nước ở một số địa phương. Thậm chí, dù có bể chứa nước nhưng đến mùa khô lại cạn. Rõ ràng, chúng ta cần phải chủ động hơn trong PCTT, để từ đó ứng phó, khắc phục, giảm bớt thiệt hại.

PV: Công tác PCTT có điểm gì cần quan tâm từ nay đến cuối năm 2024, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Dự báo, năm 2024 sẽ có khoảng 12-13 cơn bão trên Biển Đông; đặc biệt có những cơn bão sẽ hình thành ngay trên Biển Đông và di chuyển rất nhanh vào đất liền nước ta như trong năm 2020, nhưng cũng có những cơn bão chỉ trong vòng một ngày đã đổ bộ vào đất liền. Tiếp đến, sẽ có những đợt mưa tập trung khá lớn, chủ yếu diễn ra cuối năm (tháng 11 và 12-2024) gây sạt lở, lũ quét ở miền núi, ngập úng rất nặng ở Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ - đây là những nhận định chúng ta cần phải lưu ý.

Để bảo đảm công tác PCTT năm 2024 hiệu quả hơn, những chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm các bộ, ngành, địa phương cần triển khai cụ thể. Cùng với đó, công tác dự báo mưa cũng cần đầu tư thêm để dự báo chính xác hơn. Dự báo mưa hiện nay chưa được chính xác lắm nên công tác vận hành hồ chứa ở các địa phương gặp khó khăn. Chúng ta dự báo mưa chính xác thì vận hành hồ chứa sẽ tốt hơn. Mùa mưa lũ, chúng ta tích được nước nhiều nhất có thể mà vẫn bảo đảm an toàn hồ chứa; vừa để phát điện, vừa bảo đảm nước cho sản xuất nông nghiệp trong mùa khô.

PV: Vậy mỗi địa phương cần phải làm gì để ứng phó, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Dự báo cuối năm 2024, thời tiết sẽ chuyển pha La Nina (từ nóng sang lạnh), tác động của thời tiết sẽ tương tự năm 2020 và dự báo khốc liệt hơn năm 2023. Do đó, cần đề phòng sẽ có những đợt mưa lớn gây ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc và Nghệ An, Thanh Hóa. Hiện nay, yếu tố cực đoan của thời tiết ngày càng tăng và cực đoan đến mức chúng ta khó có thể dự báo chính xác thời điểm xảy ra, điều này rất nguy hiểm.

Vẫn còn hạn chế, bất cập trong phòng, chống thiên tai
Cây cầu bắc qua suối nối hai thôn Suối Vui và Bản Thăng (xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) giúp người dân đi lại an toàn mùa mưa lũ. Ảnh: NGHINH XUÂN 

Vì thế, đối với miền núi phía Bắc, Tây Thanh Hóa, Tây Nghệ An, cần tập trung rà soát các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Chủ động quan trắc, đánh giá tình hình để sơ tán người dân và khơi thông dòng chảy các con suối. Đối với các địa phương Bắc Trung Bộ, nhất là Nam Trung Bộ, dự báo sẽ có những đợt lũ lụt tương tự năm 2020, nguy cơ kéo dài, ngập sâu hơn trước. Vì vậy, các địa phương ở khu vực này cần chủ động phòng tránh.

Chúng tôi cũng đề nghị cơ quan dự báo khí tượng thủy văn cần phải nói rõ lượng mưa, mức độ ngập lụt khi dự báo đối với các địa phương miền Trung để người dân chủ động phòng tránh kịp thời. Tây Nguyên cũng sẽ có những đợt mưa lớn nên cần phải có các giải pháp bảo đảm an toàn hồ chứa, bởi phần lớn các hồ chứa này đều đã xây dựng từ lâu.

PV: Vẫn biết dự báo chính xác thời điểm mưa, lượng mưa là vô cùng khó. Chúng ta cần có giải pháp gì để dự báo mưa ngày càng chính xác hơn, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Muốn dự báo chính xác, chúng ta cần phải có nhiều điểm, trạm quan trắc. Để có nhiều điểm, trạm quan trắc thì phải đầu tư nguồn lực của Nhà nước lẫn xã hội hóa. Tiếp đến cần nhiều hơn các thiết bị quan trắc hiện đại: Vệ tinh, ra-đa thời tiết. Mặt khác, để dự báo chính xác thì chúng ta cần phải có nhiều dữ liệu thông tin đầu vào, hiện chúng ta hơi ít. Đây chính là khó khăn, thách thức cho công tác dự báo mưa của chúng ta hiện nay.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/van-con-han-che-bat-cap-trong-phong-chong-thien-tai-780324

  • Từ khóa