Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là cuộc tọa đàm do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, sáng 21-8.
Dự và phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được xác định là giải pháp để Đảng, Nhà nước, nhân dân ta thực hiện được các mục tiêu phát triển đất nước đã được Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định đến năm 2030; đến năm 2045 và mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hùng cường - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại tọa đàm Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. |
"Đây không chỉ là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, mà cần phải có sự tham gia của mọi chủ thể trong xã hội với yêu cầu là năm 2030, thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi tổ chức, cá nhân và hoàn thành các mục tiêu tổng quát đã được nghị quyết của Đảng xác định", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nói.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, để có Nhà nước pháp quyền trên thực tế thì tinh thần pháp trị cần phải được thẩm thấu trong tổ chức và hoạt động của mọi tổ chức, cá nhân, đó là: Xã hội pháp quyền, chính quyền pháp quyền, tổ chức pháp quyền, công dân pháp quyền. Để làm được điều đó cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
PGS, TS Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh quan điểm: Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân phải luôn đặt trong tổng thể công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và phải coi là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị; xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.
Quang cảnh tọa đàm. |
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, cần đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Còn PGS, TS Tào Thị Quyên, Phó viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra yêu cầu tất yếu phải đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Quá trình này đòi hỏi sự tham gia từ phía Đảng, Nhà nước, các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp… đồng lòng giải quyết các vấn đề chung của xã hội, hướng đến hoàn thành mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển vào năm 2045.
Theo qdnd.vn