Thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử: Tăng tiện ích cho người dân, doanh nghiệp

Thứ 2, 26.08.2024 | 09:18:13
488 lượt xem

Những năm qua, UBND tỉnh đã quan tâm triển khai thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử. Trong đó, chú trọng đưa các TTHC thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Qua đó, đã nhận được những đánh giá tích cực từ phía người dân, góp phần nâng cao chất lượng cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh.

Là đơn vị tiếp nhận và trả kết quả lớn nhất của tỉnh, hiện nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh đang thực hiện giải quyết 1.294 TTHC của 19 cơ quan, đơn vị (16 sở, ban, ngành và 3 cơ quan ngành dọc). Trung bình mỗi năm, trung tâm tiếp nhận, trả kết quả hơn 100.000 hồ sơ TTHC, bên cạnh đó, mỗi ngày, trung tâm có hàng trăm lượt người dân đến giao dịch các thủ tục. Vì vậy, việc đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử được trung tâm xác định là giải pháp quan trọng.

 Không riêng tại Trung tâm PVHCC tỉnh, những năm qua, việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử đã được các cơ quan, đơn vị hành chính triển khai mạnh mẽ trong toàn tỉnh với nhiều giải pháp thiết thực và đạt kết quả quan trọng. Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận hơn 1,4 triệu hồ sơ TTHC, trong đó có hơn 830.500 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến (chiếm trên 59%); 100% hồ sơ TTHC này đã được tiếp nhận, xử lý đúng quy định và trả đúng hạn.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân tra cứu thủ tục hành chính trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh

Kết quả này góp phần không nhỏ vào quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh nói chung và tạo chuyển biến tích cực đối với kết quả chỉ số thành phần “xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” nói riêng. Minh chứng là năm 2023, chỉ số thành phần “xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” của Lạng Sơn đạt 85%, tăng 16,95% và tăng 33 bậc so với năm 2022...

Điều quan trọng hơn cả đó chính là việc tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả trên môi trường điện tử đã và đang mang lại nhiều tiện tích cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

Chị Đào Thị Thanh Thủy, đường Lê Đại Hành, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Đầu năm 2024, tôi làm thủ tục đăng ký thuế lần đầu. Thay vì phải đến Trung tâm PVHCC tỉnh, tôi chỉ cần vào hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh để thực hiện thủ tục. Trong hệ thống đã được tích hợp DVCTT, các biểu mẫu đã có sẵn và có thông tin hướng dẫn tỉ mỉ cách thức kê khai, tôi chỉ việc tải về, điền và ấn thao tác nộp. Điều này tạo chủ động rất nhiều cho người dân thay vì phải mất thời gian, công sức đi lại làm thủ tục như trước.

Có được những kết quả trên là do cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản, kế hoạch triển khai công tác kiểm soát, cải cách TTHC, trong đó có nội dung về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, đồng thời đã quan tâm các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ...

 Cụ thể xác định con người là yếu tố then chốt tác động lớn đến kết quả quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị bố trí đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo về chuyên môn, nghiệp vụ, vững công nghệ thông tin để tiếp nhận và trả kết quả TTHC qua DVCTT cho người dân.

Trung bình, mỗi năm đội ngũ này được tham gia 2 lớp tập huấn do các cơ quan của tỉnh, huyện tổ chức. Hiện toàn tỉnh có hơn 500 công chức làm việc tại bộ phận “một cửa” các cấp, thì 100% đều đạt chuẩn về trình độ và chuyên môn. Đội ngũ này cũng đảm nhiệm vai trò tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nộp hồ sơ qua DVCTT.

Chị Vy Thị Hoàng Linh, Công chức bộ phận “một cửa” Sở Nội vụ thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm PVHCC tỉnh chia sẻ: Hằng năm, tôi đều được tham gia 2 hội nghị tập huấn nghiệp vụ do Văn phòng UBND tỉnh và Trung tâm PVHCC tỉnh tổ chức. Tại đây, tôi đã được cập nhật nhiều kiến thức về các văn bản quy định, quy trình thực hiện tiếp nhận hồ sơ TTHC qua DVCTT; cách thức tạo tài khoản nộp hồ sơ trực tuyến... Nhờ đó, các hồ sơ do tôi tiếp nhận trực tuyến đều đảm bảo đúng quy định; 100% người dân đều đánh giá mức độ hài lòng và rất hài lòng khi thực hiện TTHC.

Bên cạnh việc bố trí nhân lực, UBND tỉnh cũng chú trọng trang bị đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc thực hiện TTHC trên môi trường mạng. Hiện nay, 100% cơ quan, đơn vị có kết nối Internet tốc độ cao và hệ thống mạng LAN được xây dựng hoàn thiện. Các thiết bị phụ trợ như máy in, máy photo, máy quét, thiết bị mạng được trang bị cơ bản; 100% cơ quan, đơn vị toàn tỉnh được trang bị đầy đủ máy tính.

Cùng với đó, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) được duy trì hoạt động ổn định, kết nối thành công đến 42 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, trong đó có 24 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành trung ương (cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đăng ký doanh nghiệp; bảo hiểm; lý lịch tư pháp trực tuyến).

Đặc biệt, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh vận hành hiệu quả, triển khai đồng bộ, thống nhất đến 228 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo sự thống nhất về cơ sở dữ liệu trong thực hiện TTHC giúp thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp.

Công chức Bộ phận "một cửa" UBND huyện Văn Quan hướng dẫn người dân thực hiện TTHC trên môi trường điện tử 

Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của trung ương, hằng năm, UBND tỉnh cũng yêu cầu cơ quan chuyên môn rà soát, lựa chọn các TTHC phù hợp, thành phần hồ sơ không phức tạp để thực hiện tiếp nhận trên DVCTT. Hiện nay, hệ thống của tỉnh cung cấp 1.811 DVCTT (bao gồm cả DVCTT của Công ty Điện lực), trong đó 1.080 DVCTT toàn trình và 452 DVCTT một phần; tích hợp 1.654 dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Công tác tuyên truyền về thực hiện TTHC trên môi trường mạng cũng được các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hiện với nhiều hình thức như lồng ghép nội dung tại các cuộc họp ở cơ quan; qua trang thông tin điện tử; sóng truyền thanh, truyền hình; trang thông tin điện tử; lồng ghép trong các cuộc họp của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể; cấp phát tờ rơi... Qua đó, nhận thức của cán bộ, công chức và người dân về tầm quan trọng cũng như quy trình tiếp nhận hồ sơ qua mạng được ngày càng nâng lên.

Ông Nguyễn Trọng Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Thời gian tới, để việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử đạt kết quả hơn nữa, chúng tôi tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường thực hiện TTHC qua DVCTT, trong đó, đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền nâng cao tỷ lệ người dân nộp hồ sơ trực tuyến. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ thường xuyên phối hợp với Viễn thông Lạng Sơn nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC.

Theo Nghị định số 45 ngày 8/4/2000 của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân tiến hành toàn bộ hoặc một số bước thực hiện TTHC, thủ tục giải quyết công việc bằng phương tiện điện tử thông qua các DVCTT. Thực hiện TTHC trên môi trường điện tử giúp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Các TTHC trở nên minh bạch hơn do thông tin được lưu trữ trên hệ thống điện tử, đảm bảo tính toàn vẹn và không thể bị thay đổi; giúp đơn giản hóa trình tự các bước và công việc thực hiện của cán bộ, công chức, viên chức, góp phần tăng năng suất lao động.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/day-manh-thuc-hien-tthc-tren-moi-truong-dien-tu-giai-phap-toi-uu-giam-phien-ha-cho-nguoi-dan-5019151.html

  • Từ khóa