Theo báo cáo của Quốc hội, Hà Nội và TPHCM đã không còn phân khúc căn hộ chung cư có giá phù hợp với thu nhập của đa số người dân.
Giá chung cư tăng rất cao
Theo báo cáo của Quốc hội, giai đoạn 2022-2023, thị trường bất động sản suy giảm, hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn do những tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2015-2021 được bộc lộ dưới áp lực dịch Covid-19.
Do vậy, nguồn cung bất động sản hạn chế hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. Đặc biệt, giá bất động sản tăng vọt so với mức tăng thu nhập đa số người dân.
Đáng lưu ý, tại Hà Nội và TPHCM đã không còn phân khúc căn hộ chung cư có giá phù hợp với thu nhập của đa số người dân. Cụ thể, theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, phân khúc căn hộ chung cư trung cấp và cao cấp chiếm đa số.
Trong năm 2022, giá căn hộ chung cư tăng rất cao, lượng giao dịch thấp, chỉ chiếm khoảng 10% lượng sản phẩm chào bán ra thị trường. Bên cạnh đó, giá nhà ở riêng lẻ vẫn duy trì ở mức cao và gần như không có giao dịch.
Theo báo cáo của UBND TPHCM, lượng giao dịch bất động sản giảm sút mạnh, giá bất động sản tăng không kiểm soát, mất cân đối giữa giá cả và giá trị.
Qua quá trình làm việc với Đoàn giám sát, Hiệp hội Bất động sản TPHCM cung cấp số liệu thống kê cho thấy từ năm 2021 trên địa bàn thành phố không còn phân khúc căn hộ bình dân, giá dưới 25 triệu đồng/m2.
Báo cáo của Quốc hội chỉ rõ, số lượng lớn dự án bất động sản nhà ở gặp vướng mắc, chậm tiến độ, chậm triển khai, bị đình trệ, trong khi nguồn lực mà doanh nghiệp đã đầu tư vào các dự án là rất lớn, gây lãng phí về đất đai và nguồn vốn và làm gia tăng khó khăn và tăng chi phí cho chủ đầu tư, tăng giá bán sản phẩm.
Đặc biệt, bất động sản du lịch, lưu trú (condotel, officetel) gần như "đóng băng" và vẫn tiếp tục gặp vướng mắc trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Lượng giao dịch từ nửa cuối năm 2022 đến cuối năm 2023 có xu hướng chững lại và giảm.
Nhà ở xã hội giá quá cao
Theo Báo cáo của Chính phủ, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn cả nước có khoảng 800 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 567.042 căn. Trong đó, 373 dự án với quy mô 193.920 căn đã hoàn thành. 129 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô 114.934 căn. Ngoài ra, số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 298 dự án với quy mô 258.188 căn.
Thực tế, xuất hiện tình trạng dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao và thiếu sản phẩm nhà ở xã hội và nhà ở giá thấp phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân.
Đặc biệt, báo cáo của Quốc hội chỉ rõ giá nhà ở xã hội bình quân còn quá cao so với thu nhập của đối tượng thụ hưởng. Công tác quản lý nhà nước về nhà ở xã hội vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập.
Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các chương trình tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội còn thấp, quy trình, thủ tục cho vay thông qua Ngân hàng chính sách xã hội còn phức tạp, trùng lặp.
Mức cho vay tối đa đối với đối tượng chính sách xã hội thấp, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Việc triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chậm được giải ngân, điều kiện, thủ tục phức tạp, lãi suất còn cao...
Theo dantri.com.vn