Chiến lược nào điều trị ca bệnh nặng và bảo vệ người dễ mắc Covid -19?

Thứ 5, 19.03.2020 | 09:05:33
589 lượt xem

Bộ Y tế thực hiện hàng loạt chiến lược để điều trị những ca bệnh nặng, dễ biến chứng và đang diễn biến rất khó lường.

Theo Bộ Y tế, 80% bệnh nhân mắc Covid-19 có thể tự khỏi bệnh. Tuy nhiên, bệnh này lại dễ gây biến chứng cho người cao tuổi và những trường hợp mắc bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn. Thực tế cũng cho thấy những ca bệnh nặng ở Việt Nam đều là trường hợp người già và có bệnh nền. 

Trong khi đó, Covid-19 đang có những diễn biến khó lường, tiềm ẩn nguy cơ lây lan diện rộng khi nước ta đã ghi nhận ca bệnh dương tính sau hơn 10 ngày cách ly y tế với 3 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính. Vậy Bộ Y tế có chiến lược gì để điều trị những ca bệnh nặng? Làm thế nào để hạn chế tối đa virus gây bệnh lây lan sang những trường hợp nếu mắc, nguy cơ tử vong cao? 

chien luoc nao dieu tri ca benh nang va bao ve nguoi de mac covid -19? hinh 1
Bộ Y tế đang nỗ lực thực hiện các biện pháp để điều trị những ca bệnh Covid-19 nặng.

Thông qua hệ thống camera, mỗi ngày, Bộ Y tế tiến hành hội chẩn trực tuyến ít nhất một lần đối với từng ca bệnh Covid-19 đang điều trị tại nhiều bệnh viện trong cả nước. Gần đây một số bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trở nặng nên việc hội chẩn từ xa giữa các chuyên gia đầu ngành truyền nhiễm, hồi sức tích cực và hô hấp với các y bác sĩ điều trị trực tiếp được thực hiện với tần suất cao hơn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị Covid-19 cho biết, trong số 3 ca bệnh nặng tại Bệnh viện viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, có bệnh nhân người Anh 69 tuổi có diễn tiến của bệnh rất nặng.

“Có 3 ca nặng, có trường hợp diễn biến rất nặng. Một trong những chiến lược là ngay từ đầu phát hiện sớm, cách ly sớm, điều trị khỏi, giảm tối thiểu người bệnh nặng và tử vong'', ông Khuê cho hay.

Trước đó, khi có ca bệnh trở nặng phải thở máy, Tiểu ban điều trị của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống bệnh Covid-19 đã điều động nhóm bác sĩ giỏi do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, trưởng khoa Hồi sức Tích cực Bệnh viện Bạch Mai trực tiếp sang hỗ trợ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết thêm:“Chúng tôi đã cử đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Bạch Mai, các chuyên gia giỏi về lọc thận, lọc máu đã đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tập trung cứu chữa 3 bệnh nhân này, cố gắng không để các trường hợp này nặng thêm hoặc tử vong”.

Theo các chuyên gia y tế công cộng, nếu không kiềm chế được dịch bệnh thì hàng trăm nghìn người mắc bệnh nền đang sống trong các gia đình ở nước ta đứng trước nguy cơ tử vong vì Covid-19. Từ thực tế xuất hiện những ca bệnh nặng, phải thở máy đã khiến nhiều người cao tuổi, sức khỏe yếu cảm thấy lo lắng.

"Người già như chúng tôi đây rất lo lắng, không may mà mắc bệnh Covid-19 thì rất khổ. Chúng tôi không dám đến những nơi đông người, hạn chế đi ra ngoài, đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng thường xuyên", người dân cho biết.

Nếu như việc lấy mẫu xét nghiệm ngay tại các sân bay và tiến hành cách ly y tế đối với hành khách đến từ vùng dịch là bảo vệ “vòng ngoài” thì các bệnh viện hiện nay đều tổ chức bảo vệ “vòng trong”, hạn chế tối đa virus gây bệnh Covid-19 xâm nhập. 

Giáo sư Lương Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E và Tiến sĩ Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương chia sẻ: "Bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện là những người có sức khỏe giảm sút, nếu mắc Covid-19 nữa thì rất dễ trở nặng. Vì vậy việc dự phòng cho người bệnh là hết sức quan trọng. Chúng tôi khai thác tiền sử của bệnh nhân ngay từ phòng khám để cách ly ngay, tránh lây lan. Phải đảm bảo sự an toàn cho những người bệnh, người nhà người bệnh không bị mắc Sars-nCoV-2, phát hiện kịp thời ca bệnh nghi ngờ để không lây truyền chéo, ngay tại cửa phòng khám chúng tôi đã tiến hành đo thân nhiệt. Nếu bị sốt sẽ chuyển tới 2 phòng khám cách ly”.

Trước diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, “các lớp bảo vệ” chống dịch bệnh này xâm nhập bệnh viện đã được Bộ Y tế triển khai ngay từ đầu mùa dịch.

“Ngay từ đầu mùa dịch, chúng tôi đã xây dựng tải liệu và tiến hành tập huấn cho tất cả các bệnh viện trên toàn quốc với 700 đầu cầu về phác đồ điều trị chuẩn, các hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám chữa bệnh, các quy trình từ người bảo vệ đến các khoa nội trú tim mạch, tiểu đường…”, ông Khuê nhấn mạnh.

Một trong những biện pháp của Bộ Y tế đang được đánh giá cao, tránh được tình trạng “thất thủ” tại các bệnh viện, đó là điều trị Covid-19 ngay tại cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện, hạn chế thấp nhất việc đưa trường hợp mắc bệnh này về những bệnh viện đa khoa lớn để tránh xảy ra lây nhiễm chéo, lây lan diện rộng, gây tử vong nhiều như đã xảy ra tại một số nước trên thế giới./.


Văn Hải/VOV.VN

https://vov.vn/tin-24h/chien-luoc-nao-dieu-tri-ca-benh-nang-va-bao-ve-nguoi-de-mac-covid-19-1023645.vov

  • Từ khóa