Dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp giảm, số người nhận trợ cấp thất nghiệp tăng.
Theo thống kê của Trung tâm dịch vụ Hà Nội, từ tháng 1 đến giữa tháng 3, có khoảng gần 10.000 lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, nửa đầu tháng 3 có gần 3.000 người, tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những lĩnh vực ngành nghề có số lượng đăng ký thất nghiệp gia tăng như du lịch, vận tải, chế biến, dệt may, da giày, siêu thị, trung tâm vui chơi giải trí, dịch vụ khách sạn lưu trú, ăn uống....
Nhiều lao động lâm vào tình trạng thất nghiệp trong mùa dịch Covid-19. (Ảnh minh họa) |
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, cũng trong khoảng từ tháng 1/2020 đến đầu tháng 3/2020, có khoảng 670 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động với 7.150 vị trí việc làm, giảm 36,7% so với cùng kỳ năm 2019. Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu ở các ngành kinh doanh, cơ khí điện tử, kế toán, văn phòng, nhân viên kỹ thuật...
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu nhà hàng, khách sạn chỉ đạt 9.300 tỷ đồng, giảm 8,1% so với cùng kỳ. Tỷ lệ hủy tour, hủy phòng của đoàn khách đối với doanh nghiệp tương đối cao. Do đó, so với những tháng trước, ông Thành cho biết, doanh nghiệp không đăng ký tuyển dụng ở mảng du lịch, nhà hàng, lưu trú, vận tải...
Theo ông Vũ Quang Thành, dịch bệnh đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường lao động. Từ sau Tết nguyên đán 2020, thực hiện chỉ đạo của Bộ LĐ-TB-XH, Trung tâm đã tạm dừng tổ chức các phiên giao dịch việc làm, chuyển sang cung cấp thông tin thị trường lao động. Để tăng cường kết nối thị trường lao động, Trung tâm chỉ đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ phối hợp với những đơn vị thu thập nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, mong muốn tìm việc của người lao động theo vị trí ngành nghề. Đồng thời cung cấp cho người lao động các vị trí việc làm gắn với trình độ, nguyện vọng của họ.
Sau đó, trung tâm sẽ tập hợp, gửi danh sách ứng viên phù hợp đến các doanh nghiệp, kết nối giữa 2 bên thông qua hình thức phỏng vấn trực tuyến, qua email hoặc gặp trực tiếp.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp và người lao động cài đặt phần mềm phỏng vấn trên máy tính và điện thoại để 2 bên được gặp nhau.
“Trong giai đoạn này, hoạt động trực tuyến đã đem lại tín hiệu rất tốt, được doanh nghiệp và người lao động ủng hộ. Chúng tôi xây dựng dữ liệu cung cầu lao động đồng bộ gắn kết giữa sàn chính với 14 sàn giao dịch vệ tinh đã được trung tâm thực hiện để phân tích và cung cấp thông tin thị trường lao động cho doanh nghiệp và người lao động kịp thời nhất. Trong đó, khâu quan trọng nhất là lọc hồ sơ, tư vấn cho doanh nghiệp và ứng viên những vị trí việc làm phù hợp”, ông Thành cho hay.
Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cũng cho rằng, trong thời gian này, để tìm kiếm những công việc phù hợp, người lao động có thể tự tìm kiếm thông tin doanh nghiệp tuyển dụng từ nhiều nguồn khác nhau. Để tránh rủi ro, người lao động nên thông qua hệ thống sàn của Trung tâm để tìm kiếm công việc phù hợp.
Nên sử dụng quỹ BHTN để đào tạo lại lao động
Bàn về vấn đề lao động thất nghiệp mùa dịch Covid-19, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần có những giải pháp trợ cấp thất nghiệp và cố gắng đào tạo lại lực lượng lao động bị mất việc, hoặc bị ảnh hưởng do dịch bệnh, đồng thời đảm bảo không để người lao động lâm vào tình cảnh khó khăn.
“Bài học từ dịch Covid-19, rõ ràng có hai luồng. Một luồng là bản thân người lao động đang nằm tại vùng có dịch xảy ra, ví dụ như Vĩnh Phúc khi công bố dịch, không thể chuyển vào các khu công nghiệp, nhà máy để làm việc vì thực hiện cách ly. Một luồng là các lao động làm việc trong những doanh nghiệp FDI về quê dịp Tết và quay trở lại thời điểm này, thực hiện cách ly (đối với những người đến từ vùng dịch). Cho nên, doanh nghiệp không chỉ sử dụng lao động hiện tại mà phải có chiến lược thu hút người lao động tại chỗ và ở những vùng không có dịch chuyển vào thay thế”, ông Lợi lưu ý.
Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, hiện Việt Nam đang có khoảng 70.000 tỷ đồng quỹ BHTN, đây không chỉ là nguồn tiền dành cho lao động khi thất nghiệp. Gốc rễ của nguồn quỹ này là để đào tạo và đào tạo lại cho người lao động trở lại thị trường. Do đó, cần sử dụng nguồn quỹ này để đào tạo lại lao động. Chính hoạt động này sẽ giúp doanh nghiệp có sự chủ động về nguồn lao động trước những khủng hoảng, dịch bệnh... Như vậy, quỹ BHTN sẽ giải quyết được vấn đề phòng ngừa thất nghiệp, giúp người lao động luôn có việc làm./.
Box: Theo Luật việc làm, người lao động thất nghiệp nộp đủ hồ sơ sẽ được hưởng trợ cấp với điều kiện tham gia đóng BHXH từ 12-36 tháng, sẽ được hỗ trợ 3 tháng. Mỗi năm tăng thêm sẽ được tăng thêm 1 tháng với mức bình quân 60% của lương tháng tối thiểu./.
Nguyễn Trang/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/hang-nghin-lao-dong-that-nghiep-do-dich-covid19-loay-hoay-tim-viec-1024823.vov