Nhiều chi tiết liên quan đến cách thức sát hại nạn nhân, hay thời điểm Hồ Duy Hải trở về nhà đang có nhiều mâu thuẫn cần làm rõ.
Vắng mặt 2 luật sư trong ngày đầu phiên Giám đốc thẩm
Tại phiên tòa xét xử Giám đốc thẩm vụ án Giết người, Cướp tài sản liên quan Hồ Duy Hải, trong số những người được triệu tập đến phiên tòa, 2 luật sư là Nguyễn Văn Đạt và Nguyễn Văn Hòa (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) vắng mặt. Người cung cấp chứng cứ vụ án là luật sư Trần Hồng Phong có mặt tại phiên xét xử.
Chánh án TAND Tối cao - Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa phiên tòa. |
Chủ tọa phiên tòa, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình hỏi luật sư Phong: Căn cứ vào cơ sở nào để luật sư Phong gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm dù trước đó, luật sư Phong không tham dự hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm vụ án này?
Luật sư Trần Hồng Phong trả lời: Do gia đình Hồ Duy Hải đến trực tiếp văn phòng luật sư nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo. Sau đó, văn phòng luật sư có ký dịch vụ pháp lý để bảo vệ bị cáo Hải. Quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, văn phòng luật sư có gặp gỡ trực tiếp một số người là nhân chứng trong các vụ án, trong đó có anh Đinh Vũ Thường, Lê Phụng Hiếu, Nguyễn Văn Thu.
Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, gia đình Hồ Duy Hải có 3 lá đơn gửi đến các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, đơn tố giác đối tượng Nguyễn Văn Nghị (là người yêu một trong 2 nạn nhân trong vụ án); đơn tố cáo hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án của các cơ quan tố tụng tỉnh Long An.
Tại phiên xét xử giám đốc thẩm, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phân tích rõ thêm về 2 nội dung đã nêu trong kháng nghị.
Các nội dung kháng nghị
Thứ nhất, nội dung kháng nghị nêu mâu thuẫn về thời gian sau khi gây án. Ban đầu Hồ Duy Hải khai về nhà cửa không khóa, vào nhà ngủ không ai biết. Nhưng sau đó, Hải lại khai tự lấy chìa khóa vào nhà. Lại có bản cung, Hải khai khi về nhà mở cửa dắt xe vào nhà, nhờ con dì Út đóng cửa hộ.
Về nội dung kháng nghị thứ hai cho rằng: Có sự mâu thuẫn lớn giữa kết quả khám nghiệm hiện trường với lời khai nhận tội của bị cáo Hồ Duy Hải về các vấn đề: Đêm 13/1/2008, Bưu điện Cầu Voi có mất nước hay không? Vì trước đó, Hải khai sau khi thực hiện hành vi thì vào nhà tắm, mở nước rửa tay và vết máu trên dao.
Toàn cảnh phiên xét xử Giám đốc thẩm. |
Hải lại nhiều lần thay đổi lời khai về cách thức sát hại nạn nhân. Có bản khai cho rằng thực hiện hành vi hiếp dâm trước khi sát hại. Lại có bản khai cho rằng: Chưa thực hiện được hành vi hiếp dâm do nạn nhân kháng cự.
Hải có nhiều lời khai về việc đập đầu, mặt nạn nhân H. vào chậu rửa mặt. Nhưng kết quả khám nghiệm không thể hiện các dấu vết ở chậu rửa mặt.
Giải thích về vấn đề này, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho rằng những lời khai này không nhất quán về hành động của Hồ Duy Hải sau vụ án, do đó Viện Kiểm sát đã kháng nghị làm rõ.
Về vấn đề này, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao có câu hỏi với điều tra viên của vụ án là ông Lê Thành Trung: Tại sao trong biên bản khám nghiệm hiện trường lại thể hiện không để lại dấu vết trên bồn rửa mặt?
Theo điều tra viên Lê Thành Trung, trong giai đoạn đầu, do bị can Hồ Duy Hải sợ bị mức án cao nên khai thiếu tình tiết và thừa tình tiết để kéo dài thời gian điều tra. Đến các bản hỏi cung ngày 27/6, 7/7, 11/7/2008 có điều tra viên và kiểm sát viên tham gia, bị can Hải đã khai toàn bộ tình tiết sự thật.
Ngoài các nội dung kháng nghị trên, VKSND Tối cao cho rằng: Cơ quan tiến hành tố tụng mắc một số thiếu sót như: Bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa ra một số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án... Do đó, VKSND Tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán hủy các bản án sơ thẩm và phúc thẩm của vụ án này, để tiến hành điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.
Trước quan điểm của VKSND Tối cao, Chủ tọa phiên tòa, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, sẽ xem xét đánh giá đầy đủ, khách quan, chính xác từng vấn đề. Phiên Giám đốc thẩm vụ án này dự kiến sẽ diễn ra trong 3 ngày./.
Võ Nam/VOV.VN