Theo kết luận điều tra, cựu giám đốc CDC Hà Nội - Nguyễn Nhật Cảm được các bị can thống nhất "chung chi" 15%, trong vụ nâng khống máy Realtime PCR xét nghiệm Covid-19.
Trục lợi trong dịch Covid-19
Bản Kết luận điều tra số 56/CSKT-P10 của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an mới được ban hành đã nêu rõ về thủ đoạn mua bán lòng vòng, nâng khống giá máy Realtime PCR xét nghiệm Covid-19 từ 2,3 tỷ đồng lên 7 tỷ đồng. Nhóm bị can gồm: Nguyễn Nhật Cảm (cựu giám đốc CDC Hà Nội), Nguyễn Vũ Hà Thanh (Trưởng phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội); Đào Thế Vinh (Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam); Nguyễn Trần Duy (Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành) và 6 bị can khác.
Kết quả điều tra xác định: Ngày 14/2, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định về bổ sung kinh phí mua sắm máy móc, trang thiết bị phòng chống dịch Covid-19, trong đó bổ sung dự toán cho Sở Y tế Hà Nội hơn 214 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách cấp cho thành phố năm 2020.
Cựu giám đốc CDC Hà Nội - Nguyễn Nhật Cảm (giữa) và đồng phạm.
Sở Y tế Hà Nội giao CDC Hà Nội nguồn kinh phí bổ sung 31 tỷ đồng để mua sắm máy móc, thiết bị phòng Covid-19. Giá dự toán của gói thầu số 15 (gồm các loại máy Realtime PCR xét nghiệm Covid-19, máy chiết tách DNA/RNA, tủ lạnh âm...) là 9,5 tỷ đồng.
Theo quy định của Luật Đầu thầu, CDC Hà Nội phải lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của bị can Nguyễn Nhật Cảm, CDC Hà Nội đã không thực hiện theo quy định mà chỉ định thầu. Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm ấn định nhà thầu là Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (gọi tắt là MST), với mức giá trúng thầu được chỉ định là 9,5 tỷ đồng.
Sau đó, bị can Cảm cùng đồng phạm tiến hành mua bán lòng vòng, mỗi lần mua bán lại tăng giá thành lên để trục lợi. Các bị can thống nhất "chung chi" cho Nguyễn Nhật Cảm 15% và Đào Thế Vinh (giám đốc MST) 1,5% số tiền của hệ thống trên.
Mua bán lòng vòng 5 lần để hợp thức hóa mức giá 7 tỷ đồng
Cụ thể, thủ đoạn của các bị can để nâng khống giá tiền như sau: Công ty Phương Đông nhập khẩu máy xét nghiệm Realtime PCR với giá 2,3 tỷ đồng (gồm cả thuế), sau đó bán cho công ty Hưng Long (do bà Nguyễn Hải Yến, vợ của Đào Thế Vinh làm giám đốc) với giá 3,7 tỷ đồng.
Đào Thế Vinh nhờ bà Bùi Thị Hồng Hà (giám đốc công ty KĐ) ký hợp đồng mua lại của Hưng Long với giá 4,6 tỷ đồng. Công ty MST do Đào Thế Vinh làm giám đốc mua lại của KĐ với giá 6,6 tỷ đồng. Cuối cùng, công ty MST bán lại cho CDC Hà Nội giá 7 tỷ đồng.
Một bộ máy xét nghiệm Realtime PCR dùng để xét nghiệm Covid-19.
Hành vi của các bị cáo được xác định gây thiệt hại cho Nhà nước 5,4 tỷ đồng. Theo cơ quan điều tra, CDC Hà Nội đã căn cứ vào mức giá đề xuất của công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành để mua hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19. Tuy nhiên, kết quả điều tra cũng xác định CDC Hà Nội đã thuê công ty Nhân Thành để lập khống chứng thư thẩm định giá, với giá ấn định (7 tỷ đồng) là không khách quan, dấu hiệu gian lận.
Cơ quan điều tra nhận định, các bị can đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thu hồi được toàn bộ số tiền 5,4 tỷ đồng do gia đình các bị cáo tự nguyện nộp khác phục hậu quả./.
Võ Nam/VOV.VN