Phạt tiền người ép uống rượu bia: Khó chứng minh hành vi vi phạm

Thứ 6, 09.10.2020 | 08:51:13
934 lượt xem

Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định việc ép buộc người khác uống rượu, bia sẽ bị xử phạt 1-3 triệu đồng.

Ngày 15/11 tới đây, Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế sẽ có hiệu lực. Theo đó, sẽ phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với các hành vi: Uống rượu bia tại địa điểm không được uống rượu, bia theo quy định của pháp luật (cơ sở y tế, cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, làm việc); xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống bia.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng đối với các hành vi: Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; Ép buộc người khác uống rượu bia.

Nghị định lần này quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý cấp dưới, nhân viên uống rượu bia. Cụ thể, Điều 34 Nghị định 117 nêu: Phạt tiền từ 3.000.000 đ đến 5.000.000 đ nếu người đứng đầu không thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu bia trong cơ quan, tổ chức; Không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống rượu bia trong địa điểm không được uống rượu, bia thuộc quyền quản lý điều hành…

Trao đổi với PV VOV.VN về vấn đề này, luật sư Hà Trọng Đại (Phó Giám đốc Công ty luật The Light, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: "Chúng ta đã có Nghị định 100/2019/NĐ-CP về phòng chống tác hại của rượu bia, trong đó mức phạt khá nặng, cao nhất lên đến 30.000.000 đ. Nghị định 117 lần này mở rộng thêm phạm vi của Nghị định 100. Nếu Nghị định 100 chủ yếu hướng tới những người uống rượu bia tham gia giao thông thì Nghị định 117 mở rộng thêm các hành vi bị xử phạt như ép người khác uống rượu bia, không tổ chức các biện pháp phòng chống tác hại của rượu bia đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Mức phạt lên đến 5.000.000 đ".

Theo luật sư Hà Trọng Đại, khi các cơ quan chức năng xử lý vi phạm, ra quyết định xử phạt hành chính thì phải căn cứ vào hành vi ép buộc người khác uống rượu bia. Đây là một căn cứ rất khó xác định. 

"Về vấn đề chứng minh "ép buộc" người khác uống rượu bia thì cần phải có chứng cứ trực tiếp. Khi người uống rượu bia đã tham gia giao thông bị xử lý, lúc đó rất khó chứng minh ai là người ép buộc họ uống, không thể chỉ dựa vào lời khai của một người để kết luận ai ép uống rượu bia. Chứng cứ trực tiếp ở đây phải là hình ảnh, video...".

Luật sư Hà Trọng Đại

Luật sư Hà Trọng Đại

Việc tìm ra chứng cứ chứng minh hành vi ép buộc uống rượu bia là rất khó. Bởi trên bàn nhậu sẽ không có nhiều người quay phim để làm bằng chứng, trừ trường hợp cố tình quay phim lại với động cơ khác. 

Ngay cả trong trường hợp lực lượng chức năng phát hiện ngay trên bàn nhậu hành vi ép uống rượu bia, cũng rất khó có ai nhận là người khác ép mình uống. Bởi phần lớn những người đi nhậu cùng nhau đều có mối quan hệ bạn bè, quen biết. Nếu muốn quản lý một cách triệt để thì phải tốn lượng nhân lực lớn để lắp đặt, quản lý các hệ thống camera ở quán nhậu. Chỉ trong trường hợp đó thì mới đủ chứng cứ chứng minh các hành vi ép uống rượu bia. 

"Tuy nhiên, Nghị định 117 cũng có nhiều điểm đảm bảo tính răn đe. Đó là quy định những nhân viên thực hiện hành vi uống rượu bia trong giờ làm việc cũng bị xử lý, dù không tham gia giao thông. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức không cấm việc uống rượu bia tại công sở thì cũng bị xử lý. Tính ưu việt của Nghị định 117 nằm ở chỗ này" - Luật sư Hà Trọng Đại cho biết./.


Võ Nam/VOV.VN

https://vov.vn/phap-luat/phat-tien-nguoi-ep-uong-ruou-bia-kho-chung-minh-hanh-vi-vi-pham-784208.vov

  • Từ khóa