Kịch bản lừa đảo của nhóm mạo danh nhân viên ngân hàng ở TPHCM

Thứ 3, 12.11.2024 | 14:43:51
195 lượt xem

Người phụ nữ thuê nhóm giả làm nhân viên ngân hàng, gọi điện thoại cho những người có nhu cầu vay vốn để lừa đảo hàng trăm triệu đồng.

Ngày 11/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Chánh, TPHCM, đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Ngọc Diệp (SN 1983), Phạm Văn Khánh Phi (SN 2006), Nguyễn Trọng Nghĩa (SN 2003), Lê Thị Mỹ Tiên (SN 2007), Trần Thị Diễm Hương (SN 2002, cùng ngụ huyện Bình Chánh) và Phạm Thị Kim Loan (SN 2003, quê Bình Dương) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Kịch bản lừa đảo của nhóm mạo danh nhân viên ngân hàng ở TPHCM - 1

Lê Ngọc Diệp bị cáo buộc cầm đầu nhóm giả nhân viên ngân hàng để lừa đảo (Ảnh: Công an cung cấp).

Trước đó, Công an huyện Bình Chánh nhận trình báo của các nạn nhân về việc bị nhóm người tự xưng là nhân viên ngân hàng, gọi điện thoại mời chào các gói vay tín dụng rồi "vẽ" ra các chi phí làm hồ sơ, phí bảo hiểm để lừa tiền.

Vào cuộc điều tra, Công an huyện Bình Chánh tìm ra "sào huyệt" của nhóm này tại một căn hộ ở xã Phong Phú. Qua kiểm tra, cảnh sát phát hiện Loan có mặt trong căn hộ nên bắt khẩn cấp, đồng thời thu giữ 6 điện thoại bàn cùng nhiều tài liệu, hợp đồng vay vốn, danh sách thông tin cá nhân của các khách hàng ở nhiều tỉnh, thành.

Loan khai cùng một số người khác được Diệp thuê làm việc. Ngay sau đó, Diệp, Phi, Nghĩa, Tiên, Hương, cùng một số người khác bị cảnh sát triệu tập.

Bị can Diệp thừa nhận tham gia vào hội nhóm chia sẻ dữ liệu miễn phí trên mạng xã hội. Khi thấy có thành viên chia sẻ danh sách thông tin khách hàng có nhu cầu vay vốn của ngân hàng, công ty tài chính, Diệp tải về máy.

Nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng, Diệp thuê căn hộ ở xã Phong Phú làm "căn cứ", mua 7 điện thoại bàn và 2 điện thoại di động, chuẩn bị kịch bản và thuê các nhân viên thực hiện lừa đảo.

Theo chỉ đạo của Diệp, các bị can Nghĩa, Hương, Tiên, Phi gọi đến số có trên danh bạ, mạo danh nhân viên ngân hàng, mời chào vay vốn. Sau khi khách hàng sập bẫy, Loan đóng vai cán bộ thẩm định, gọi điện cho nạn nhân thông báo hồ sơ đã được duyệt.

Đồng thời, Loan cho số tài khoản để nạn nhân chuyển tiền đóng bảo hiểm, phí hồ sơ. Trường hợp khách hàng không có tài khoản ngân hàng để chuyển khoản, Loan hướng dẫn họ chuyển tiền qua bưu điện, hệ thống thu hộ khác.

Cuối tháng, Diệp tính lương, thưởng hoa hồng cho nhân viên dựa trên doanh thu đã lừa đảo được. Bước đầu, Công an huyện Bình Chánh xác định có gần 100 người bị nhóm này lừa đảo bằng thủ đoạn trên, với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng trăm triệu đồng.

Nhà chức trách kêu gọi ai là nạn nhân bị nhóm này lừa, liên hệ Công an huyện Bình Chánh để phối hợp điều tra.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/phap-luat/kich-ban-lua-dao-cua-nhom-mao-danh-nhan-vien-ngan-hang-o-tphcm-20241111202608851.htm

  • Từ khóa