Chuyện về những "chiến binh diệt khuẩn"

Thứ 6, 21.08.2020 | 09:40:20
537 lượt xem

Để kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi sự lây lan của dịch Covid-19, từ cuối tháng 7 đến nay, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Phòng hóa 78 (Bộ Tham mưu Quân khu 5) với nhiều phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng, hiện đại thường xuyên có mặt tại các “điểm nóng”, phối hợp cùng lực lượng chức năng và đơn vị bạn phun hóa chất, tiêu độc, khử trùng, làm sạch môi trường.

Hình ảnh bộ đội hóa học hằng ngày trên các trục đường trở nên quen thuộc, gần gũi, thân thương đối với hàng triệu người dân vùng tâm dịch TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Chuyện về những
Tiểu đoàn Phòng hóa 78 tham gia phun khử khuẩn trên địa bàn huyện Đại Lộc (Quảng Nam).

Từng tham gia phun khử khuẩn xuyên đêm tại Bệnh viện C, Bệnh viện Đa khoa và rất nhiều khu vực, địa điểm trên địa bàn TP Đà Nẵng, song chuyến xuất quân lên thực hiện nhiệm vụ tại huyện Đại Lộc (Quảng Nam) thực sự là kỷ niệm khó quên với cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Phòng hóa 78. Mở cuốn sổ ghi chép, đánh dấu chi tiết, cụ thể đường đi, lối lại, vị trí cấp nước, dừng chân từng khu vực, Đại úy Nguyễn Văn Hồng, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Phòng hóa 78, cho biết: “Theo kế hoạch hiệp đồng với cơ quan chức năng của địa phương, ngày hôm nay chúng tôi sẽ tiêu độc, khử trùng tại 4 khu dân cư, 2 khu cách ly y tế tập trung, 1 khu chợ, 1 bệnh viện và toàn bộ khuôn viên doanh trại Ban CHQS huyện Đại Lộc. Trong đó, 3 khu vực nằm ở trung tâm thị trấn, còn 4 khu vực khác nằm rải rác ở các xã, khiến việc cơ động của đơn vị gặp không ít khó khăn. Bởi theo quy định, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại khu vực này, chúng tôi phải vệ sinh, khử trùng toàn bộ lực lượng, phương tiện rồi mới cơ động sang khu vực khác, tránh nguy cơ lây lan, tán phát dịch bệnh trên đường hành quân. Mỗi lần cơ động, ngoài bộ phận chỉ huy, các kíp xe tiêu tẩy, xe tiếp nước, còn có lực lượng bảo đảm gồm: Chiến sĩ quân y, thợ sửa chữa ô tô, thợ sửa chữa khí tài để kịp thời ứng phó với các tình huống có thể xảy ra”.

Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam, do các trục đường nội bộ có bề ngang hẹp, nhiều nắp hố ga và cành cây, dây điện chắn ngang khiến chiếc xe chở máy phun hóa chất chuyên dụng cỡ lớn Sanijet C921 di chuyển rất chậm chạp. Không chút do dự, Trung úy Nguyễn Văn Mẫn, Trung đội trưởng Trung đội 4 (Đại đội Tiêu tẩy 2), lệnh cho kíp xe dừng lại, phối hợp cùng đơn vị bạn khẩn trương đưa máy phun từ thùng xe xuống đất, đặt lên giá đỡ, dùng sức người đẩy quanh các khu vực để tiêu độc, khử trùng, làm sạch kỹ càng toàn bộ khuôn viên bệnh viện. Làm việc quần quật từ 7 giờ đến 22 giờ, chẳng kịp nghỉ ngơi, bộ đội tiếp tục hành quân gần 70km vào huyện Thăng Bình để sáng hôm sau tiến hành phun khử khuẩn.

Chuyện về những
Lãnh đạo Quân khu 5 động viên, giao nhiệm vụ tham gia phòng, chống dịch cho Tiểu đoàn Phòng hóa 78.

Phút giải lao, sau chiếc mặt nạ MV-5, Trung sĩ Lê Thanh Tùng, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1, chỉ huy xe tiêu tẩy chuyên dụng ARS-14 nói với chúng tôi: “Trước khi cơ động, để bảo đảm thời gian, chúng tôi chủ động lấy nước và pha sẵn dung dịch đầy hết các xe, song do diện tích phun khử khuẩn quá lớn, chỉ trong buổi sáng, mỗi kíp xe vẫn phải tiếp nước thêm hai lần nữa. Vừa cầm cán phun, vừa tập trung quan sát khắc phục các vật cản trên đường cơ động, hai cánh tay tôi mỏi nhừ, song vì nhiệm vụ, mọi người vẫn động viên nhau cố gắng”.

Đang tỉ mỉ lau chùi hai chiếc gương chiếu hậu, Thượng úy QNCN Võ Hoàng Phước, lái xe Trung đội 5, quay sang góp vui: “Địa bàn mới lạ, đường cơ động nhỏ hẹp, nhiều chướng ngại vật, trong khi xe tiêu tẩy khá to lại có nhiều trang thiết bị máy móc phía sau, kính chắn gió, gương chiếu hậu liên tục bị hơi sương hóa chất che mờ, bám dính, còn lái xe vẫn phải mặc đồ bảo hộ, đeo mặt nạ phòng độc khiến tầm nhìn, khả năng thao tác, phản xạ của chúng tôi giảm đi đáng kể. Trời nắng nóng thế này, ngồi trên ca bin chẳng khác nào ngồi cạnh cái bếp than, mồ hôi muối đọng đầy mặt nạ, quần áo, tóc tai ướt sũng. Để bảo đảm an toàn, ngoài trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết của người lái xe, chúng tôi luôn tích cực rèn luyện nâng cao bản lĩnh, tâm lý và duy trì thể lực, sức khỏe thật tốt”.

Binh nhì Mai Thanh Tuấn, chiến sĩ Tiểu đội 2 (Trung đội 4), mới về nhận công tác tại đơn vị được hơn một tháng nhưng đã 6 lần trực tiếp tham gia phun khử khuẩn. Dáng người cao to, nhanh nhẹn, lại vui tính, nhiệt tình, xông xáo, luôn sẵn lòng hỗ trợ, giúp đỡ đồng đội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, anh được mọi người gọi vui là “kiện tướng diệt khuẩn”. Kể về công việc của mình, Tuấn cho biết: “Có đêm chúng tôi về đến đơn vị đã gần 2 giờ sáng. Cổ họng đắng ngắt mùi hóa chất, buồn ngủ lắm nhưng vẫn tranh thủ tiêu tẩy phương tiện, giặt giũ, bảo quản trang bị và tắm rửa thật kỹ rồi mới leo lên giường. Hôm nọ bố tôi gọi điện, bảo mọi người trong quê xem thời sự, rất xúc động, tự hào khi biết tin đơn vị của con em mình đang ngày ngày dập dịch tại các "điểm nóng". Nghe vậy thôi mà tôi vui quá, bao mệt nhọc như tan biến cả, tự nhủ phải quyết tâm, cố gắng nhiều hơn nữa để chung tay cùng đồng đội đánh lui dịch bệnh”.

Ghi nhận những đóng góp tích cực của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Phòng hóa 78 trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Trung tướng Nguyễn Long Cáng, Tư lệnh Quân khu 5 trực tiếp đến thăm hỏi, động viên, trao bằng khen và tặng quà khích lệ, động viên tinh thần bộ đội. Đây thực sự là nguồn cổ vũ rất lớn lao để những “chiến binh diệt khuẩn” luôn hăng hái, xông pha nơi tuyến đầu chống dịch.


Bài và ảnh: VIỆT HÙNG/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chuyen-ve-nhung-chien-binh-diet-khuan-632257

  • Từ khóa