“Đi trước đón đầu” trong công tác kỹ thuật

Chủ nhật, 13.09.2020 | 07:37:23
595 lượt xem

Làm thế nào để duy trì tốt hệ số kỹ thuật của một lượng lớn vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) thường xuyên được sử dụng với cường độ cao và qua nhiều năm sử dụng, tăng hạn? Đó là câu hỏi luôn thách thức đội ngũ cán bộ, nhân viên trong thực hiện công tác kỹ thuật (CTKT) tại Trường Sĩ quan Không quân (SQKQ).

Theo Trung tá Trần Văn Khoan, Chủ nhiệm Kỹ thuật, Trường SQKQ: Hằng năm, nhà trường tổ chức huấn luyện bay với cường độ cao, bình quân hơn 6.000 giờ bay, tương đương với hơn 7.000 giờ hoạt động của động cơ. Vì thế, nhiệm vụ quản lý, khai thác và sử dụng VKTBKT đòi hỏi mỗi cán bộ, nhân viên kỹ thuật phải tuân thủ nghiêm ngặt, chặt chẽ theo đúng quy trình, hướng dẫn của trên, nhất là quy định thống nhất sử dụng các loại kỹ thuật hàng không do nhà máy chế tạo quy định. Cùng với đó, ngành kỹ thuật nhà trường cũng tích cực chỉ đạo các đơn vị đề ra nhiều chủ trương, biện pháp thực hiện CTKT, trong đó bổ sung các dạng CTKT trong 4 giai đoạn chuẩn bị bay và đẩy mạnh các biện pháp “đi trước đón đầu”. 

“Đi trước đón đầu” trong công tác kỹ thuật

Nhân viên kỹ thuật Trung đoàn 910 kiểm tra, bảo đảm công tác kỹ thuật trước ngày bay.

Tìm hiểu thực tế về công tác bảo đảm kỹ thuật tại Trung đoàn 910 đúng ngày chuẩn bị bay, chúng tôi thấy Đại úy QNCN Phạm Tuấn Hưng, Kỹ thuật trưởng máy bay động cơ, Phi đội 2 đang chui vào đường tiến khí của máy bay để làm công tác kiểm tra. Sau khoảng 10 phút, Đại úy QNCN Phạm Tuấn Hưng tiếp tục kiểm tra vòng kín khoang động cơ rồi mới quay ra đăng ký sổ chuẩn bị bay. Anh cho biết: “Trong ngày chuẩn bị bay, chúng tôi phải vào đường tiến khí, kiểm tra các lá nén, lá tua-bin trong phạm vi nhìn thấy được; đồng thời, tổ chức kiểm tra hệ thống bơm dầu đỏ, giá chống rung động cơ, kiểm tra tăng áp thùng dầu đỏ, thùng dầu cánh...”. 

Cùng với làm tốt CTKT, 5 năm qua, toàn ngành kỹ thuật Trường SQKQ đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng 6 đề tài khoa học cấp Bộ Tổng Tham mưu, 42 đề tài sáng kiến, cải tiến cấp cơ sở; 26 nhiệm vụ ngành và biên soạn hàng chục giáo trình, tài liệu phục vụ công tác huấn luyện, nghiên cứu khoa học... Nhiều sáng kiến, cải tiến ra đời đã giải quyết một phần khó khăn trong công tác quản lý, khai thác sử dụng VKTBKT, góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật và nâng cao độ tin cậy của kỹ thuật hàng không, như: Thiết kế, lắp đặt bàn kiểm tra van điện khí ЭK-48 trên máy bay Iak-52; cải tiến mạch ổn dòng máy ngắm ASP-3NMY-39 trên máy bay L-39; thiết kế, chế tạo thiết bị hiển thị âm thanh các tín hiệu vô tuyến điện tử trên máy bay trực thăng Mi-8...

Trung tá Trần Văn Khoan cho biết: “Những năm tới, nhiệm vụ của ngành kỹ thuật khá nặng nề. Bên cạnh công tác bảo đảm kỹ thuật cho nhiệm vụ huấn luyện bay trên các máy bay hiện có, nhà trường phải sẵn sàng tiếp nhận và bảo đảm kỹ thuật cho nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo phi công quân sự, nhân viên kỹ thuật hàng không trên các loại máy bay hiện đại hơn. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, ngành kỹ thuật nhà trường sẽ phát huy kinh nghiệm đã có, đẩy mạnh nghiên cứu, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân viên kỹ thuật, đồng thời tăng cường kiểm tra để kịp thời khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện nền nếp CTKT”.


Bài và ảnh: MAI VĂN ĐÔNG/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/di-truoc-don-dau-trong-cong-tac-ky-thuat-634906

  • Từ khóa