Kết hợp lối đánh du kích và đánh tiêu diệt trong Chiến dịch Việt Bắc

Chủ nhật, 01.11.2020 | 15:09:07
741 lượt xem

Chiến dịch tiến công Việt Bắc của quân Pháp (chiến dịch Operation Léa), nhằm "tóm gọn cơ quan đầu não kháng chiến" và đập tan lực lượng Việt Minh, bắt đầu vào ngày 7-10-1947. Trong chiến dịch này, địch huy động khoảng 12.000 quân với trang bị vũ khí, phương tiện hiện đại, tiến công theo hai hướng trên bộ và đường sông.

Theo kế hoạch tác chiến của địch, bước một: Các đơn vị quân dù thiện chiến sẽ đổ bộ xuống Bắc Kạn, nơi chúng nghi là có các cơ quan đầu não của ta. Đồng thời, với hai gọng kìm lớn từ hai hướng đông và tây, địch tiến hành vây chặt toàn bộ vùng rừng núi Việt Bắc. Ở hướng đông, địch dùng cơ giới theo Đường số 4 thọc một mũi từ Lạng Sơn lên Cao Bằng, nhằm phong tỏa toàn bộ khu vực biên giới giữa ta và Trung Quốc. Sau đó, cho một bộ phận theo Đường số 3 tiến xuống Bắc Kạn để hỗ trợ cho quân dù, một bộ phận tiến vào Đại Thị là hợp điểm với cánh quân phía tây. Trên hướng tây, thủy đội xuất phát từ Hà Nội, qua Việt Trì theo sông Hồng lên Tuyên Quang và sông Lô, sau đó tiến theo sông Gâm lên Đại Thị. Bước hai: Tiến hành càn quét toàn bộ khu Việt Bắc để chụp bắt các cơ quan lãnh đạo kháng chiến, tiêu diệt lực lượng vũ trang và phá tan căn cứ kháng chiến của ta.

Trong tuần đầu tiên, khi địch tiến công lên Việt Bắc, hoạt động tác chiến của ta chủ yếu do lực lượng tại chỗ tiến hành. Tuy kết quả còn hạn chế, nhưng đã làm chậm được tốc độ tiến công của địch. Sau khi nắm được kế hoạch cuộc hành quân của địch, Bộ Tổng chỉ huy đã xây dựng kế hoạch tác chiến. Theo đó, toàn bộ chiến trường Việt Bắc được chia thành 3 mặt trận: Mặt trận Đường số 3 từ Bắc Kạn đến Cao Bằng do Trung đoàn 165 của bộ và Trung đoàn 72 Chiến khu 1 đảm nhiệm; Mặt trận Đường số 4 trên địa bàn hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn do Trung đoàn 74 Cao Bằng và Trung đoàn 28 Lạng Sơn đảm nhiệm; Mặt trận Đường số 2 do Trung đoàn 147 của bộ và lực lượng của Chiến khu 10 đảm nhiệm. 

Kết hợp lối đánh du kích và đánh tiêu diệt trong Chiến dịch Việt Bắc

Trung đoàn 147 hành quân chuẩn bị đánh địch trong Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947. Ảnh tư liệu

Để đánh địch hiệu quả, các trung đoàn đều phân tán 1-2 tiểu đoàn thành đại đội độc lập cùng dân quân, du kích đánh địch tại chỗ, bám sát và liên tục đánh địch cả nơi chúng trú quân cũng như trên đường chúng cơ động. Các tiểu đoàn tập trung của các trung đoàn, được tăng cường các đơn vị hỏa lực của bộ, lấy đánh địch trên đường bộ, đường sông khi chúng hành quân là chính nhằm tiêu diệt lực lượng địch.

Với cách đánh như trên, ta liên tục tiêu hao quân địch, đồng thời tạo được nhiều trận đánh tiêu diệt như trận phục kích ở Bông Lau, trên Đường số 4, đêm 29 rạng ngày 30-10-1947, tiêu diệt một đoàn xe 28 chiếc, diệt và bắt hàng trăm quân địch; thu nhiều vũ khí trang bị của chúng. Trận phục kích tàu địch trên sông Lô (Đoan Hùng, Phú Thọ) ngày 23-10, đánh chìm 2 tàu, đánh bị thương 2 tàu khác. Trận phục kích tàu địch trên ngã ba sông Lô, sông Gâm đánh chìm một số tàu địch...

Kết hợp lối đánh du kích rộng rãi với đánh tiêu diệt từng đơn vị địch và phá hoại đường sá, ta đã làm thất bại kế hoạch bao vây Việt Bắc của địch. Cả hai cánh quân của địch ở phía đông và phía tây không thực hiện được cuộc hội quân ở Đại Thị. Ngày 23-10, khi cánh quân phía đông đến Đại Thị thì cánh quân phía tây đang bị ta đánh mạnh trên đất Phú Thọ và Tuyên Quang. Khi cánh quân phía tây đến được Đại Thị ngày 26-10, thì cánh quân phía đông đã rút khỏi Đại Thị mấy ngày trước đó.

Do bị tổn thất nặng nề về quân số và vũ khí trang bị, không diệt được đơn vị chủ lực nào của lực lượng vũ trang ta, không chụp bắt được cơ quan lãnh đạo kháng chiến, trong khi việc tiếp tế lương thực, đạn dược gặp nhiều khó khăn, bộ chỉ huy quân Pháp phải kết thúc kế hoạch bước 1 sớm, để chuyển sang bước 2 là tiến hành lùng sục sâu vào căn cứ địa Việt Bắc. Do bị ta chặn đánh liên tục, tinh thần quân địch giảm sút nghiêm trọng, nên chúng chỉ lùng sục hai bên đường rồi từng bước lui quân và chấm dứt cuộc hành quân. Ngày 10-12-1947, phần lớn lực lượng địch đã trở về vị trí xuất phát, trừ một số lực lượng để lại chiếm một số vị trí trên Đường số 3 và Đường số 4 đoạn từ Bắc Kạn qua Cao Bằng và Lạng Sơn.

Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy ở chiến trường chính, Bộ Tổng chỉ huy còn chỉ đạo các chiến trường trên toàn quốc đẩy mạnh các hoạt động tác chiến phối hợp với chiến trường Việt Bắc. Các chiến trường không chỉ kìm chân địch, không cho chúng tăng viện cho chiến trường chính, mà còn cải thiện thế trận có lợi cho chiến trường chính.

Thắng lợi của Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947 là kết quả của sự lãnh đạo và đường lối kháng chiến đúng đắn của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là cách tổ chức sử dụng lực lượng phân tán tiến công địch để vừa phát triển được thế trận chiến tranh nhân dân, vừa tạo điều kiện cho các đơn vị lớn của bộ đội chủ lực có địa bàn đứng chân và hoạt động sau này. Thắng lợi của Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947 càng củng cố quyết tâm kháng chiến, tăng cường đoàn kết quân dân, hăng hái tiến lên phát triển mọi mặt cả quân sự, chính trị, lực lượng và thế trận chiến tranh nhân dân, chủ động bước vào giai đoạn mới của cuộc kháng chiến.


QDND.VN

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/ket-hop-loi-danh-du-kich-va-danh-tieu-diet-trong-chien-dich-viet-bac-642588

  • Từ khóa