“4 cùng” ở Lữ đoàn 71

Thứ 4, 11.11.2020 | 14:49:30
461 lượt xem

Diễn đàn thanh niên do Chi đoàn Đại đội 102, Liên chi đoàn Tiểu đoàn 12, Đoàn cơ sở Lữ đoàn 71 (Quân đoàn 4) tổ chức với chủ đề “Tự hào tiến bước dưới cờ Đảng” diễn ra sôi nổi, ý nghĩa. Thông qua diễn đàn, nhiều ý kiến, nguyện vọng và đề xuất của tuổi trẻ đã giúp cán bộ đơn vị bổ sung, điều chỉnh biện pháp thích hợp để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

Đây là một trong những hoạt động nhằm thực hiện phương châm “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ), do Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 chỉ đạo, triển khai trong toàn quân đoàn. Theo Đại tá, TS Nguyễn Trần Long, Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 4, việc khái quát phương châm “4 cùng” nhằm nâng cao hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở, thường xuyên quan tâm, bám sát đơn vị; nắm chắc tình hình tư tưởng, kỷ luật, đời sống, sinh hoạt, học tập, rèn luyện của bộ đội để quản lý, hướng dẫn, giúp đỡ cấp dưới kịp thời, hiệu quả, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ.

“4 cùng” ở Lữ đoàn 71
Diễn đàn thanh niên, một trong những biện pháp thực hiện “4 cùng” ở Lữ đoàn 71.

Do phương châm “4 cùng” có tính khái quát nên cán bộ cần hiểu đúng và vận dụng linh hoạt, sáng tạo, sát với chức trách, nhiệm vụ, phù hợp với từng bối cảnh cụ thể. Thượng tá Bùi Văn Tân, Phó chính ủy Lữ đoàn 71, cho biết: “Lúc mới thực hiện, một số cán bộ trung đội, đại đội còn hiểu máy móc phương châm “4 cùng” nên rất lúng túng, duy trì thiếu hiệu quả. Chỉ huy lữ đoàn đã chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể nội hàm, mục tiêu của từng nội dung để anh em áp dụng. Hiểu đúng, nhận thức đúng thì làm mới trúng”. Theo lời Thượng tá Bùi Văn Tân, “cùng ăn” không có nghĩa là cán bộ phải ngồi cùng bàn, cùng mâm với chiến sĩ mà cán bộ phải tổ chức, chỉ huy bộ đội xuống nhà ăn trật tự, kiểm tra bộ đội ăn có ngon không, có đủ tiêu chuẩn không, có ăn hết khẩu phần không, thậm chí giáo dục bộ đội hiểu “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” và nét đẹp trong văn hóa ẩm thực vùng, miền...; “cùng ở” không phải là ở cùng phòng, nằm cùng giường mà là ở trong cùng môi trường hoạt động quân sự, hay những lúc huấn luyện dã ngoại, cùng ở trong điều kiện đơn vị còn những khó khăn, thiếu thốn... để cảm thông, động viên bộ đội vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ; “cùng làm” là làm mẫu, làm trước rồi hướng dẫn chiến sĩ làm theo, làm đúng, chứ không phải là làm thay chiến sĩ, hay đứng “chỉ tay năm ngón”; “cùng chia sẻ” đòi hỏi cán bộ phải gần gũi, hòa đồng, lắng nghe để thấu hiểu cấp dưới, từ đó giúp đỡ, động viên cấp dưới khi cần thiết...

Trong “4 cùng”, thì “cùng chia sẻ” là một trong những biện pháp quan trọng để nắm và quản lý tốt tư tưởng bộ đội, tạo nên môi trường sống chan hòa yêu thương, cán-binh gắn bó. Song, muốn chia sẻ được với bộ đội thì cán bộ phải thường xuyên sâu sát đơn vị, xây dựng được uy tín, niềm tin, tình cảm tốt đẹp với chiến sĩ; kết hợp tổ chức các hoạt động vui chơi ngày nghỉ, diễn đàn, tọa đàm dân chủ, cởi mở để chiến sĩ bộc bạch, giãi bày...

Minh chứng cho điều này, Trung úy Hà Văn Cường, Chính trị viên Đại đội 102, kể: Năm ngoái, chiến sĩ Lê Thanh Sang, thuộc Trung đội 2, quê ở huyện Châu Thành (Tiền Giang), gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố mất sớm, mẹ bị bệnh thường xuyên, em gái còn nhỏ phải gánh vác công việc gia đình. Ngày mới nhập ngũ, Sang ít nói, nửa đêm không ngủ, ra hành lang ngồi khóc. Qua kiểm tra quân số ngủ nghỉ, chính trị viên đại đội nắm được sự việc, liền trao đổi trong chỉ huy, tìm hiểu thêm hoàn cảnh gia đình chiến sĩ, rồi gặp gỡ, động viên, nghe Sang tâm sự chuyện nhà. Thấu hiểu nỗi lòng người lính trẻ, chỉ huy đơn vị đã tạo điều kiện cho Sang gọi điện thoại về nhà hỏi thăm sức khỏe của mẹ và căn dặn em gái vào buổi chiều chủ nhật hằng tuần; đồng thời cung cấp số điện thoại của chính trị viên đại đội để mẹ Sang có thể gọi, nói chuyện với con trai vào ngày nghỉ, giờ nghỉ. “Với vai trò “cầu nối” cho hai mẹ con Sang, tôi đã đề nghị gia đình phối hợp động viên Sang yên tâm rèn luyện, công tác. Chỉ vài tuần sau, cậu ấy tiến bộ rõ rệt, phấn chấn tinh thần, tích cực tham gia các hoạt động của đơn vị và được giao nhiệm vụ khẩu đội trưởng. Cuối năm vừa qua, Sang được chỉ huy đại đội khen thưởng”-Trung úy Hà Văn Cường tâm sự.

Hiện tại, phương châm “4 cùng” được Lữ đoàn 71 vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong mọi nhiệm vụ, đặc biệt là huấn luyện, SSCĐ, rèn luyện kỷ luật, tăng gia sản xuất... Tùy theo nhiệm vụ, công việc được giao, cán bộ các cấp chủ động nêu gương, mẫu mực để chiến sĩ học tập, noi theo, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động. Thượng tá Nguyễn Thế Hùng, Chính ủy Lữ đoàn 71, nhấn mạnh: “Với đặc thù bộ đội phòng không đảm nhiệm trực SSCĐ liên tục, Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn chỉ đạo cụ thể hóa “4 cùng” thành nhiều biện pháp, mô hình hiệu quả, trong đó có mô hình “Trên mẫu mực làm trước, dưới tích cực làm theo”. Nhờ đó, đơn vị có nhiều chuyển biến vững chắc, tập thể đoàn kết, đồng lòng; đội ngũ cán bộ, chỉ huy không ngừng tiến bộ, làm tròn chức trách, nhiệm vụ, góp phần xây dựng lữ đoàn nhiều năm liền đạt danh hiệu huấn luyện giỏi, đơn vị vững mạnh toàn diện”.


Bài và ảnh: THÀNH CƯỜNG/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/4-cung-o-lu-doan-71-643513

  • Từ khóa