Sau một thời gian tạm dừng do ảnh hưởng của bão, lũ, ngày 18-11, các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế, Công an, Bộ đội Biên phòng đã huy động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện chuyên dụng cơ động vào Thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) để tiếp tục tìm kiếm 12 công nhân còn mất tích.
Sáng 18-11, tại Rào Trăng 3 trời hửng nắng. Những ngày đầu của đợt tìm kiếm thứ ba này, lực lượng làm nhiệm vụ sẽ ngăn đập, nắn dòng chảy của sông, sau đó khoanh vùng và tổ chức tìm kiếm các công nhân mất tích. Do địa hình hiểm trở, thời gian các công nhân bị vùi lấp đã hơn một tháng, số lượng đất đá sạt lở quá lớn nên lực lượng tìm kiếm vừa sử dụng máy múc, vừa sử dụng cuốc, xẻng để nạo vét, đắp bờ, ngăn dòng. Hơn 200 cán bộ, chiến sĩ lực lượng quân đội, công an, biên phòng và các lực lượng khác tập kết các nguyên vật liệu ngăn sông, xẻ núi để tìm kiếm các nạn nhân dưới dòng sông.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Trưởng ban điều hành Thủy điện Rào Trăng 3, cho biết: “Trong kế hoạch triển khai đắp đập nắn dòng, bây giờ khó khăn nhất là sông sâu, rộng, nước chảy xiết, khối lượng đất đào đắp tương đối lớn cho nên làm ngày một ngày hai không thể nào hoàn thành được. Công ty sẽ phối hợp với các lực lượng tổ chức tìm kiếm cả ngày lẫn đêm làm sao để tìm được anh em càng sớm càng tốt”.
Các cán bộ, chiến sĩ tập trung nắn dòng chảy để tìm kiếm các công nhân mất tích. |
Buổi chiều, từ lúc 13 giờ, các lực lượng tập trung tập kết toàn bộ rọ đá xuống dòng sông để ngày 19-11 bắt đầu đắp đập nắn dòng. Đây là vị trí được cho là có khả năng cao nhất các nạn nhân bị vùi lấp, vì vậy, công tác nắn dòng được các lực lượng triển khai với tinh thần trách nhiệm cao, phấn đấu trong hai ngày tới việc ngăn đập, nắn dòng sẽ hoàn tất và chuyển sang giai đoạn tìm kiếm các nạn nhân.
Trung tá Phan Thắng, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết: “Hiện nay, khó khăn nhất trong việc tổ chức tìm kiếm là lưu tốc của dòng chảy trên sông Rào Trăng rất lớn, khoảng 15 đến 20m3/giây. Trước lúc anh em cơ động về Sở chỉ huy tiền phương để tránh cơn bão số 13 đã đào và nắn được dòng chảy khoảng 60% khối lượng công việc, thế nhưng hiện tại, khối lượng đất đá đã bồi lấp tương đối lớn. Chính vì vậy, hiện chúng tôi đã tập trung phương tiện, nhân lực để nắn lại dòng chảy; tập kết vật liệu nhằm bảo đảm cho đắp đê nắn dòng về phía thượng lưu”.
Tại hiện trường vụ sạt lở, dấu tích của một trận lở núi kinh hoàng: Gần như một nửa quả núi, ước tính hàng trăm nghìn mét khối đất đá ập xuống, để lại một màu nâu đỏ ám ảnh. Cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng phải vượt qua bùn đất, núi đá nham nhở, cheo leo, khuân vác từng hòn đá đan thành rọ, kết làm bờ đê ngăn dòng chảy.
Đại úy Vương Đình Tuệ, Phó đại đội trưởng Đại đội 10, Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn Công binh 414 trực tiếp tham gia tìm kiếm các công nhân tại Rào Trăng 3 nói: “Ngày hôm nay, lực lượng công binh của tỉnh Thừa Thiên Huế dùng các tấm lưới thép đan thành rọ đá để nắn dòng chảy. Riêng lực lượng công binh đảm nhiệm khảo sát địa hình đánh dấu các khu vực nguy hiểm để phục vụ công tác tìm kiếm bảo đảm an toàn”.
Đến cuối giờ chiều, sương mù phủ xuống Rào Trăng 3. Nơi đây, trong nhiều ngày qua đang thử thách lòng can đảm, sự kiên trì vượt qua mọi khó khăn thử thách của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ LLVT và nhiều lực lượng khác quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ tìm kiếm 12 công nhân còn mất tích.
Hoa Lê - Đình Thăng - Trần Tình/Qdnd.vn