Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) vừa tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra một số trường quân sự (TQS) thuộc các quân khu, quân đoàn. Cùng với ghi nhận những thành tích đạt được trong công tác giáo dục-đào tạo (GD-ĐT), xây dựng chính quy tại các TQS, các đoàn kiểm tra đã chỉ rõ những vấn đề cần khắc phục để các TQS đáp ứng tốt hơn với yêu cầu nhiệm vụ.
Điều chỉnh, đổi mới nội dung đào tạo
Qua kiểm tra thực tế tại các TQS: Quân đoàn 2, Quân đoàn 3, Quân khu 2, Quân khu 3, đoàn công tác BTTM đánh giá, trong 3 năm (từ tháng 9-2017 đến tháng 9-2020), mặc dù còn nhiều khó khăn, song nhìn chung, đảng ủy, ban giám hiệu các trường đã quán triệt và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, một số nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Chương trình, nội dung đào tạo được xây dựng, bổ sung, điều chỉnh kịp thời, đúng quy định, phù hợp với từng đối tượng đào tạo, sát thực tế đơn vị; hệ thống quản lý, điều hành thống nhất; chất lượng đội ngũ nhà giáo được nâng lên...
TQS Quân đoàn 2 có chức năng, nhiệm vụ quản lý, GD-ĐT hạ sĩ quan chỉ huy, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, sĩ quan dự bị... Hằng năm, sau khi có mệnh lệnh công tác quân sự, quốc phòng của Tư lệnh Quân đoàn 2, nhà trường xây dựng chương trình, kế hoạch huấn luyện (HL) các đối tượng; tổ chức xây dựng chương trình, kế hoạch HL khóa học, lịch HL từng tháng cho từng đối tượng; các khoa giáo viên xây dựng kế hoạch phân công giáo viên giảng dạy; giáo viên chuẩn bị giáo án, bài giảng thông qua theo phân cấp. Hệ thống sổ sách quản lý công tác giảng dạy ở các khoa được thống nhất chung theo quy định của Cục Nhà trường (BTTM) và quân đoàn. Trên cơ sở chương trình khung, căn cứ đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ của các đơn vị, kết quả khảo sát chất lượng sau đào tạo các đối tượng học viên, rút kinh nghiệm công tác HL, diễn tập... nhà trường đã kịp thời cập nhật, bổ sung, điều chỉnh từ 10 đến 15% nội dung cho phù hợp; rà soát, cắt bỏ những nội dung trùng lặp, dàn đều, bảo đảm sự liên thông giữa các khối kiến thức và bậc học. Trong đó chú trọng tăng nội dung HL thực hành, HL đêm sát với địa hình, cách đánh và tình hình thực tế của quân đoàn. Từ năm 2017, TQS Quân đoàn 2 đã xây dựng mới 19 chương trình chi tiết, điều chỉnh 63 chương trình đào tạo phù hợp các đối tượng...
Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu kiểm tra mô hình, đồ dùng huấn luyện tại Trường Quân sự Quân đoàn 2. |
Đối với TQS Quân đoàn 3, tổ chức quản lý, đào tạo 4 đối tượng với 23 chuyên ngành; lưu lượng thường xuyên từ 1.000 đến 1.300 học viên quân sự; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho hơn 2.000 sinh viên. Từ năm 2017 đến nay, nhà trường đã xây dựng mới, điều chỉnh, bổ sung 89 chương trình đào tạo chi tiết đúng quy định, theo hướng giảm lý thuyết, tăng thực hành, tăng cường HL đêm, hành quân rèn luyện, dã ngoại, diễn tập sát thực tế HL ở đơn vị.
TQS Quân khu 2 và TQS Quân khu 3 cũng có những giải pháp thiết thực tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT. Ở TQS Quân khu 2, quy chế GD-ĐT được xây dựng sát thực tế, phù hợp với Điều lệ công tác nhà trường, quy chế quản lý học viên trong các nhà trường quân đội. Cùng với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng kế hoạch quản lý, điều hành HL, đào tạo, nhà trường cũng kịp thời điều chỉnh, bổ sung chương trình, nội dung đào tạo phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là tác động của dịch Covid-19. Trong 3 năm qua, TQS Quân khu 2 đã kịp thời điều chỉnh, bổ sung 115 chương trình đào tạo chi tiết đúng quy định, bảo đảm tỷ lệ các khối kiến thức, tăng cường HL đêm, dã ngoại, diễn tập đúng chương trình, sát thực tế đơn vị. TQS Quân khu 3 hằng năm cũng xây dựng từ 13 đến 19 bộ chương trình đào tạo, bổ túc, bồi dưỡng cho 13 đến 15 đối tượng, với 34 đến 38 chuyên ngành bảo đảm sát với thực tiễn của LLVT quân khu...
Tiếp tục nâng chất lượng giáo dục-đào tạo
Qua kiểm tra các TQS quân khu, quân đoàn, các đoàn kiểm tra của BTTM đã chỉ ra những điểm còn tồn tại, hạn chế, như: Công tác kiểm tra HL, dự giờ giảng của ban giám hiệu, các cơ quan đối với giáo viên còn ít; việc lưu giữ kết quả kiểm tra, quản lý điều hành HL, đào tạo có nội dung chưa đầy đủ, thống nhất. Giáo viên khi trình bày bài giảng điện tử có nội dung chưa linh hoạt; vận dụng kiến thức thực tiễn vào bài giảng chưa nhiều, chưa bao quát hết đội hình lớp học trong quá trình luyện tập; công tác phối hợp giảng bài và sử dụng phương tiện dạy học chưa thật nhuần nhuyễn, sự tương tác với học viên còn hạn chế. Công tác tham mưu, đề xuất của các cơ quan về nhiệm vụ GD-ĐT có nội dung chưa sát, chưa có nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả. Công tác phối hợp hiệp đồng giữa các cơ quan, khoa, đơn vị có lúc, có nội dung chưa chặt chẽ; việc kiểm tra theo chức năng của cơ quan, chỉ huy đơn vị chưa thường xuyên, thiếu chủ động... Đoàn công tác BTTM cũng đã ghi nhận những kiến nghị của các TQS để nghiên cứu tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, thủ trưởng BTTM chỉ đạo, triển khai thực hiện phù hợp điều kiện thực tế.
Thủ trưởng BTTM yêu cầu đảng ủy, ban giám hiệu các nhà trường quân đội trong thời gian tới tiếp tục quán triệt thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 30-5-2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Kết luận số 60-KL/QUTW ngày 18-1-2019 của Quân ủy Trung ương về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW về nâng cao chất lượng HL giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo; vận dụng tốt 3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp trong HL, đào tạo; chú trọng rèn luyện kỹ năng thực hành, quản lý, chỉ huy bộ đội, duy trì luyện tập, gắn HL với rèn luyện kỷ luật cho học viên. Các TQS quân khu, quân đoàn thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ; tổng kết, truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn; xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật và bảo đảm an toàn, xây dựng nhà trường chính quy, vững mạnh toàn diện, mẫu mực, tiêu biểu; tăng cường bổ sung, củng cố doanh trại, hệ thống thao trường bãi tập đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ HL, đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả quản lý vũ khí trang bị kỹ thuật.
Các nhà trường quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực thực hành HL, khả năng truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn, trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; có nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ nhà giáo có trình độ sau đại học; khuyến khích cán bộ, giáo viên tham gia nghiên cứu khoa học, đạt chuẩn chức danh, danh hiệu nhà giáo. Chú trọng việc tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng công tác của học viên tốt nghiệp ra trường được điều động về các đơn vị công tác; thực hiện tốt việc lấy ý kiến người học về chương trình, nội dung, hình thức, phương pháp HL, đào tạo, trên cơ sở đó nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung, xây dựng quy trình đào tạo phù hợp, tổ chức thực hiện thống nhất, góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới.
Bài và ảnh: NGÔ DUY ĐÔNG/qdnd.vn