Việc ra đời Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Theo Thiếu tướng Đỗ Quang Thành, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, thời gian tới, để thực thi Luật có hiệu quả và làm tốt công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia cần nêu cao trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị.
Thiếu tướng Đỗ Quang Thành. |
Phóng viên (PV): Luật Biên phòng Việt Nam (sau đây gọi tắt là Luật) mới đây đã được Quốc hội thông qua. Việc ra đời Luật có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Đỗ Quang Thành: Có thể khẳng định, việc ra đời Luật là rất cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Thứ nhất, ý nghĩa về mặt chính trị. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia nhưng chưa được thể chế hóa thành pháp luật như: “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đặc biệt là Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”. Việc ban hành Luật thể hiện quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế kịp thời ý chí của Đảng, nguyện vọng của nhân dân trong hoạt động bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Thứ hai, việc ra đời Luật đã bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý một cách đầy đủ, có giá trị pháp lý cao nhất về lĩnh vực biên phòng, bao gồm các chính sách của Nhà nước về biên phòng; xác định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng (BĐBP); bảo đảm biên phòng và chế độ, chính sách đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng...
Thứ ba, Luật có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, ổn định lâu dài, nhất là trong việc thiết lập, phát triển quan hệ biên giới; đàm phán, giải quyết các vấn đề, vụ việc về biên giới, cửa khẩu; tuần tra biên giới; phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật...
Thứ tư, Luật thể hiện tư tưởng xuyên suốt rằng biên phòng là trách nhiệm của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang làm nòng cốt, trong đó BĐBP làm nòng cốt, chuyên trách.
Thứ năm, nước ta có đường biên giới đất liền hơn 5.000km, bờ biển dài 3.260km, trong khi đó tình hình biên giới, lãnh thổ tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hỏi bản lĩnh chính trị, pháp luật, nghiệp vụ rất cao trong công tác này. Việc ban hành Luật có giá trị rất lớn về mặt tinh thần, tạo sự yên tâm, phấn khởi, động viên toàn bộ cán bộ, chiến sĩ BĐBP và các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ở khu vực biên giới, cửa khẩu trong quá trình tổ chức, thực hiện nhiệm vụ biên phòng, bảo vệ biên giới quốc gia, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu trong điều kiện hiện nay.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Mường Pồn (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên) kiên cường bám chốt ngăn chặn dịch bệnh Covid-19. Ảnh: PHẠM KIÊN |
PV: Thời gian tới, cần làm thế nào để triển khai, thực thi Luật có hiệu quả, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Đỗ Quang Thành: Tôi cho rằng, phải kịp thời và làm ngay một số việc sau đây để triển khai, thực thi Luật có hiệu quả.
Đầu tiên, để quy định Luật kịp thời đi vào cuộc sống một cách đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả thì Bộ tư lệnh BĐBP phải chủ động soạn thảo, tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành hoặc đề xuất Chính phủ ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các nội dung do Luật giao.
Cần đẩy mạnh việc quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, về Luật một cách đồng bộ, toàn diện, đến tận từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt ở khu vực biên giới.
Cùng với đó, cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp, các ngành, các địa phương trong xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; tập trung củng cố cơ sở chính trị ở khu vực biên giới vững mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân, hợp tác quốc tế về biên phòng trong triển khai thực hiện các hiệp định, quy chế biên giới, thỏa thuận hợp tác biên phòng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.
PV: An ninh biên giới có vai trò đặc biệt quan trọng, điều đó đặt ra yêu cầu với lực lượng BĐBP như thế nào, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Đỗ Quang Thành: Biên giới quốc gia có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, cả về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. An ninh biên giới là một bộ phận của an ninh quốc gia, gắn liền với độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Làm tốt công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, tức là bảo vệ tốt “phên dậu” của Tổ quốc, sẽ góp phần quan trọng vào bảo đảm sự ổn định, phát triển chung cho cả nước. Trong thời bình, là đấu tranh chống mọi vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phòng chống “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, các hoạt động xâm phạm an ninh, trật tự của các loại đối tượng. Trong thời chiến, là kịp thời phát hiện chống hoạt động xung đột vũ trang, gián điệp biệt kích, hoạt động phi vũ trang... Đảng ta cũng đã xác định biên giới quốc gia của nước CHXHCN Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, phải được quản lý, bảo vệ vững chắc trong mọi tình huống, mọi điều kiện.
Hiện nay, tuy tình hình chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới cơ bản ổn định, nhưng vẫn đang tiềm ẩn nhiều nhân tố, diễn biến phức tạp. Trước bối cảnh, tình hình đó, yêu cầu đặt ra đối với lực lượng BĐBP là rất cao và theo tôi cần tập trung vào một số nhiệm vụ:
Trước hết, cần chăm lo xây dựng BĐBP thực sự vững mạnh về chính trị, tinh gọn về tổ chức, tinh thông về nghiệp vụ, đủ sức làm nòng cốt, chuyên trách trong xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. BĐBP phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, kết hợp với đề cao cảnh giác trước các âm mưu, hoạt động của các loại đối tượng; kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và công tác nắm tình hình, thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình.
Cùng với đó phải triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp để quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và chú ý phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trong thực hiện nhiệm vụ. Làm tốt vai trò chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với phương thức, thủ đoạn hoạt động của thế lực thù địch, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý. Kiểm soát và giải quyết các sự kiện biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật và thực hiện hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng.
PV: Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Theo đồng chí giải pháp giải quyết những vấn đề biên giới là gì?
Thiếu tướng Đỗ Quang Thành: Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Ở đây, tôi xin tập trung vào một số giải pháp chủ yếu để giải quyết những vấn đề biên giới hiện nay.
Đối với Bộ Quốc phòng, cần chủ trì phối hợp với các bộ, ngành chức năng trong việc hướng dẫn UBND cấp tỉnh nơi có biên giới thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về biên phòng, biên giới quốc gia; chỉ đạo các lực lượng thuộc quyền, mà nòng cốt là BĐBP chủ trì phối hợp với các lực lượng thực hiện tốt các quy định của Luật và các quy chế khu vực biên giới đất liền, khu vực biên giới biển đã ký kết với các nước có chung đường biên giới. Tăng cường hợp tác quốc tế về công tác biên phòng, kết hợp chủ động tiến hành đối ngoại biên phòng để phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giải quyết các vụ việc, tình huống xảy ra để xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng.
Đối với Bộ Công an, ngoài việc chủ trì xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân, nền biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới và quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh theo thẩm quyền cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, chính quyền địa phương nơi có biên giới quốc gia làm tốt công tác bảo đảm, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thực thi pháp luật và xử lý các tình huống quân sự, quốc phòng ở khu vực biên giới một cách có hiệu quả nhất.
Đối với Bộ Ngoại giao, cần chú ý phát huy vai trò chủ trì giúp Chính phủ xác định biên giới quốc gia, xác định phạm vi chủ quyền và các quyền của nước ta trên đất liền, trên biển, trên không và các hải đảo, thềm lục địa của Việt Nam; thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động đối ngoại biên phòng; hướng dẫn nghiệp vụ đối ngoại biên phòng cho các lực lượng nòng cốt thực thi nhiệm vụ biên phòng; đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp tỉnh nơi có biên giới quốc gia thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về biên giới quốc gia.
Các bộ, ngành, cơ quan khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao thực hiện quản lý Nhà nước về biên phòng.
Cấp ủy, HĐND, UBND các địa phương nơi có biên giới quốc gia quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định của Luật, nhất là công tác quản lý Nhà nước về biên phòng, biên giới quốc gia; quyết định và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, biện pháp, huy động các nguồn lực bảo đảm thực thi nhiệm vụ biên phòng, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, bảo đảm ngân sách và các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật để thực thi có hiệu quả nhiệm vụ biên phòng ở địa phương.
Đối với mỗi công dân, tùy thuộc vào vị trí công tác, điều kiện của mình, có trách nhiệm tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng thực hiện nhiệm vụ. Riêng đối với công dân ở khu vực biên giới có thêm trách nhiệm là tham gia xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân và các phong trào bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
DƯƠNG THU/QDND.VN