Sau khẩu lệnh của Thiếu úy Nguyễn Trung Đức, Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Pháo binh 434 (Quân đoàn 4): “Thực hiện tiêu chuẩn 27, chiếm lĩnh trận địa làm công tác chuẩn bị chiến đấu”, chiến sĩ khẩu đội 1 nhanh chóng triển khai đưa pháo vào chiếm lĩnh trận địa.
Những bước chân thoăn thoắt, cánh tay rắn chắc của các pháo thủ nhuần nhuyễn với từng động tác chiếm lĩnh, triển khai pháo. Chưa đầy 30 phút, khẩu đội đã hoàn thành công tác chiếm lĩnh trận địa, khẩu pháo 130mm sẵn sàng ở vị trí chiến đấu.
Với pháo 130mm, mỗi đầu đạn nặng 33,4kg, ống phóng nặng 28,6kg, hay mỗi quả đạn pháo BM21 lên đến 100kg đều là một thử thách không nhỏ đối với các pháo thủ trong quá trình thao tác. Binh nhất Lê Thanh Dũng, pháo thủ số 4, thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 1 vẫn chưa quên những lần đầu thực hiện thao tác chuyển đạn. Ở tuổi 19, chàng trai quê ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long dù hoàn thành nhiệm vụ nhưng cánh tay luôn rã rời sau những buổi huấn luyện đầu tiên. Vậy mà bước sang năm huấn luyện thứ 2, Dũng tự tin thực hiện tốt việc chuyển 40 đến 60 lượt đạn pháo 130mm trong một buổi huấn luyện. Dũng khẳng định: “Nếu nhiệm vụ yêu cầu, tôi có thể chuyển liên tục được 100 quả đạn”.
Chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 1 luyện tập nâng cao thể lực. |
Cũng giống như Lê Thanh Dũng, các chiến sĩ của đơn vị dễ dàng làm tốt việc của từng vị trí pháo thủ và có thể sẵn sàng hoán đổi nhiệm vụ cho nhau. Thượng tá Phạm Đức Hiền, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, cho biết: “Huấn luyện thể lực luôn là một trong những tiêu chí để đơn vị đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các tập thể, cá nhân. Để bộ đội luôn có thể lực tốt, bảo đảm sức khỏe hoàn thành mọi nhiệm vụ, hằng năm trước khi ra quân huấn luyện, lữ đoàn đều chỉ đạo cơ quan tham mưu điều tra, đánh giá về sức khỏe cán bộ, chiến sĩ, nhất là chiến sĩ mới, qua đó phân loại đối tượng để có kế hoạch, phương pháp, biện pháp huấn luyện thể lực phù hợp. Trong từng nội dung cụ thể có thể thành lập các tổ giáo viên huấn luyện chuyên biệt đối với từng loại đối tượng”. Chính vì vậy, phong trào huấn luyện, rèn luyện thể lực ở Lữ đoàn Pháo binh 434 luôn đi vào nền nếp, có chất lượng và hiệu quả cao. Ngoài các khu huấn luyện thể lực tổng hợp, lữ đoàn đã đầu tư thêm các bãi tập nhằm nâng cao sức bền, sự dẻo dai như bãi tập tạ, xà đơn, xà kép. Cùng với các môn thể thao truyền thống, các môn bổ trợ tốt đối với người chiến sĩ pháo binh như đẩy gậy, kéo co cũng luôn được cán bộ, chiến sĩ hăng hái tham gia, tạo thành phong trào thể thao sôi nổi, rộng khắp tại đơn vị.
Là cán bộ trực tiếp tại cơ sở, Đại úy Đặng Văn Toàn, Đại đội trưởng Đại đội 3, tiểu đoàn 1 cho rằng: “Để mỗi cán bộ, chiến sĩ pháo binh thực sự là “chân đồng vai sắt” thì đơn vị không chỉ hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện thể lực theo nội dung, giáo án huấn luyện mà còn luôn tăng cường các hoạt động thể dục thể thao, đẩy mạnh tự tập, tự rèn”. Chính vì vậy, như Binh nhất Lê Thanh Dũng sau gần hai năm nhập ngũ đã tự đúc tạ nặng 70kg để luyện tập hằng ngày. Nói về hiệu quả của huấn luyện, rèn luyện thể lực, Đại úy Đặng Văn Toàn cho biết thêm: “Sức khỏe tốt, thể lực dẻo dai, bền bỉ giúp bộ đội nâng cao bản lĩnh, vượt mọi khó khăn trong mọi tình huống, hoàn cảnh và là một trong những cơ sở để đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Thực hiện tốt công tác huấn luyện, rèn luyện thể lực, năm 2020, quân số tham gia huấn luyện của Lữ đoàn Pháo binh 434 đạt 99,7%, kiểm tra huấn luyện thể lực cấp phân đội có 85% khá, giỏi (trong đó giỏi đạt 24,3%). Đó chính là một trong những yếu tố để lữ đoàn hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện năm 2020 với kết quả 100% đạt yêu cầu, trong đó có 81,4% khá, giỏi; hoàn thành diễn tập chiến thuật các cấp đạt khá, bắn đạt thật đạt giỏi, xứng đáng với truyền thống “Chân đồng vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng”.
Xuân Cường/Qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/ren-chan-dong-vai-sat-646474