Đào tạo và nghiên cứu phát triển khoa học chỉ huy, quản lý kỹ thuật quân sự

Thứ 4, 16.12.2020 | 09:06:45
465 lượt xem

Đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành kỹ thuật quân sự, ngày 22-12-1980, Ban Chuyên đề chỉ huy kỹ thuật (tiền thân của Khoa Chỉ huy-Tham mưu kỹ thuật (CHTMKT), Học viện Kỹ thuật quân sự (KTQS) ngày nay) được thành lập.

Ngay từ những năm đầu, cán bộ, giảng viên Ban Chuyên đề chỉ huy kỹ thuật đã tập trung nghiên cứu, bám sát thực tế công tác kỹ thuật của quân đội để biên soạn tài liệu, bài giảng, tổ chức giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật toàn quân tại Học viện KTQS. Sau đó, Khoa CHTMKT được xây dựng trên cơ sở Ban Chuyên đề chỉ huy kỹ thuật, nhằm đào tạo cán bộ chỉ huy, quản lý kỹ thuật (CHQLKT) trình độ sau đại học, có năng lực CHQLKT toàn diện, góp phần làm chủ trong quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT), nhất là các loại VKTBKT mới, hiện đại.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, chỉ huy khoa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Một mặt, khoa đề nghị trên lựa chọn cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn tốt từ các cơ quan, đơn vị toàn quân bổ sung về khoa; mặt khác, khoa chủ động tự đào tạo, đưa giảng viên đi thực tế ở đơn vị; nghiên cứu công tác bảo đảm kỹ thuật ở cơ sở để giảng viên tích lũy kinh nghiệm, cập nhật kiến thức, phục vụ biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy. Đến nay, đội ngũ cán bộ, giảng viên của khoa có bước phát triển mạnh về cả số lượng và chất lượng, với hơn 90% có trình độ sau đại học, tỷ lệ giảng viên là giáo sư, phó giáo sư chiếm 13,04%.

Đào tạo và nghiên cứu phát triển khoa học chỉ huy, quản lý kỹ thuật quân sự

Khoa Chỉ huy-Tham mưu kỹ thuật tổ chức diễn tập chỉ huy-cơ quan kỹ thuật một bên hai cấp trên bản đồ năm 2020. Ảnh: KHOA BẢY

Những năm gần đây, Khoa CHTMKT được Học viện KTQS, các cơ quan Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, bảo đảm không chỉ đào tạo cán bộ CHQLKT theo chức danh, mà còn được giao nhiệm vụ đào tạo cao học, nghiên cứu sinh chuyên ngành CHQLKT; đồng thời đào tạo cán bộ CHQLKT cho Bộ Công an, Quân đội nhân dân Lào và tham gia đào tạo nguồn nhân lực quản lý phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của khoa đã rất chủ động, tích cực tham gia các hoạt động huấn luyện kỹ thuật, như: Biên soạn tài liệu huấn luyện, giám khảo hội thi, hội thao, tập huấn cán bộ và diễn tập CHTMKT... do Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Kỹ thuật, ngành kỹ thuật các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng tổ chức. Khoa tổ chức nghiên cứu, xây dựng đầu bài thi chủ nhiệm kỹ thuật toàn quân; xây dựng ngân hàng tập bài, đề thi CHTMKT; đồng thời tham gia tổ chức diễn tập cuối khóa cho học viên tại Học viện KTQS. Hằng năm, khoa tổ chức đào tạo từ 60 đến 70 chủ nhiệm kỹ thuật cấp trung đoàn, sư đoàn; 130 cán bộ kỹ thuật cấp chiến thuật, chiến dịch và hàng chục chủ nhiệm kho cấp chiến dịch, chiến lược.

Cùng với hoạt động đào tạo, Khoa CHTMKT đã chủ trì và tham gia nhiều chương trình, đề tài khoa học cấp Nhà nước, Bộ Quốc phòng, cấp ngành và cấp cơ sở. Kết quả nghiên cứu khoa học góp phần bổ sung, hoàn thiện lý luận tổ chức công tác kỹ thuật quân đội trong thời bình, tổ chức bảo đảm kỹ thuật trong chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, trong tác chiến. Số đề tài cấp Bộ Quốc phòng do cán bộ, giảng viên của khoa chủ trì thực hiện ngày càng tăng. Khoa đã có nhiều công trình, đề tài, chuyên đề khoa học trình bày tại các hội nghị khoa học cấp bộ, ngành và viết các bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành, bước đầu đã có một số bài báo đăng trên tạp chí quốc tế.

Thành tích 40 năm xây dựng và trưởng thành của Khoa CHTMKT đã khẳng định vai trò trung tâm đào tạo cán bộ CHQLKT, trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự, góp phần quan trọng vào sự phát triển của Học viện KTQS anh hùng và góp phần xây dựng ngành kỹ thuật quân đội.

Trong thời gian tới, trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Khoa CHTMKT chủ động quán triệt, thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương và đảng bộ các cấp; tiếp tục tham mưu với Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện KTQS về đổi mới tổ chức, xây dựng chương trình đào tạo, hoàn thiện nội dung các học phần cho các đối tượng đào tạo của khoa. Đồng thời, khoa bám sát quy hoạch cán bộ, nhân viên kỹ thuật và hệ thống chức danh cán bộ, nhân viên kỹ thuật trong quân đội để xây dựng học thuật; thường xuyên nắm bắt thực tiễn công tác kỹ thuật đơn vị, nhất là ở các đơn vị được xây dựng hiện đại để xác định đúng các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng CHTM, QLKT. Khoa tiếp tục nghiên cứu nội dung đào tạo cho đối tượng kỹ sư quân sự phù hợp, theo hướng sát với thực tiễn; đổi mới công tác tổ chức thực tập chức trách CHQLKT tại đơn vị và diễn tập cuối khóa, nhằm trang bị cho học viên kiến thức, kỹ năng tốt nhất về tổ chức công tác kỹ thuật chuyên ngành trước khi tốt nghiệp. Đồng thời, khoa chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, các đơn vị để đổi mới chương trình đào tạo cán bộ CHQLKT, bảo đảm sát với quy hoạch, nhu cầu sử dụng của các đơn vị. Trong đào tạo cao học và nghiên cứu sinh chuyên ngành CHQLKT, khoa tăng cường duy trì tốt mối quan hệ liên kết, hợp tác với các cơ quan cấp chiến lược, các đơn vị cấp chiến dịch, doanh nghiệp quốc phòng, tổ chức khoa học, công nghệ trong toàn quân để tạo nguồn nghiên cứu sinh có chất lượng cao. Bên cạnh đó, khoa đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ, hợp tác nghiên cứu trong và ngoài quân đội, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm phát triển lý luận CHQLKT, hiện đại hóa công nghệ QLKT, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa quân đội.


QDND.VN

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/dao-tao-va-nghien-cuu-phat-trien-khoa-hoc-chi-huy-quan-ly-ky-thuat-quan-su-646637

  • Từ khóa