Tỉnh Tiền Giang là một trong những địa phương trên địa bàn Quân khu 9 luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Nổi bật là công tác giáo dục quốc phòng, an ninh (GDQPAN) cho sinh viên, học sinh đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực.
Chúng tôi đến Trường Trường trung học phổ thông (THPT) Nguyễn Đình Chiểu (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) đúng lúc anh Phan Minh Hiền, giáo viên tổ bộ môn GDQPAN đang duy trì cho học sinh lớp 11 tập luyện. “Đi đều bước!”, “Nhìn bên phải, bên trái chào!”. Sau khẩu lệnh của anh, từng tốp học sinh trong bộ “quân phục” gọn gàng đều thực hiện đúng theo “điều lệnh”. "Dẫu cánh tay, bước chân của các em học sinh chưa đều như các chiến sĩ ở trong quân đội huấn luyện, nhưng tôi vẫn cảm nhận được thái độ nghiêm túc của các em khi khoác trên mình bộ “quân phục”. Tuy có những chỗ phải tập đi tập lại nhiều lần mới có thể làm đúng động tác theo yêu cầu, song chúng tôi luôn nỗ lực hết mình để giúp các em có thể nắm vững nội dung môn học", anh Phan Minh Hiền chia sẻ. Được biết, cùng với Trường THPT Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo), THPT và THCS Ngô Văn Nhạc (huyện Cái Bè), thì Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP Mỹ Tho) nhiều năm qua luôn hoàn thành tốt môn học GDQPAN cho học sinh của tỉnh Tiền Giang.
Cán bộ môn GDQPAN tỉnh Tiền Giang uốn nắn từng động tác quân sự cho học sinh. |
Theo Trung tá Nguyễn Văn Cường, Trưởng ban Dân quân, Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang, từ năm 2000 đến nay, môn học GDQPAN được xem là chính khóa, tất cả sinh viên, học sinh đều phải tham gia học tập. Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có 46 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp - dạy nghề và trung học phổ thông, với hơn 45.000 sinh viên, học sinh. Để nâng cao chất lượng môn học này, những năm qua, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch GDQPAN cho sinh viên, học sinh; đồng thời chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao trình độ, kinh nghiệm giảng dạy.
Qua trao đổi với ông Đỗ Duy Bình, Chuyên viên phòng Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Tiền Giang chúng tôi được biết, bên cạnh kiến thức về chuyên ngành, kỹ năng sư phạm, yêu cầu đặt ra đối với các giáo viên môn GDQPAN là phải rèn luyện bản lĩnh, tác phong của một nhà giáo quân sự. Hằng năm, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường lựa chọn những giáo viên đủ tiêu chuẩn đưa đi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao trình độ, năng lực, kinh nghiệm trong giảng dạy. Ngoài tài liệu của Bộ GD&ĐT, thời gian qua, Sở GD&ĐT tỉnh còn đầu tư, mua sắm nhiều trang thiết bị giảng dạy sinh động như: Tranh ảnh minh họa về địa danh, di tích lịch sử, truyền thống LLVT tỉnh; biên soạn giáo án điện tử, xây dựng biểu đồ, sơ đồ minh họa bằng hình ảnh, video clip. Hằng tuần, hằng tháng đều tổ chức rút kinh nghiệm giảng dạy, nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, nhân rộng những kinh nghiệm hay...
Hội thao GDQPAN cho học sinh các Trường THPT ở tỉnh Tiền Giang. |
Chia sẻ về công tác GDQPAN của nhà trường, PGS, TS Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang, cho rằng: “Những năm đầu thành lập, bộ môn Giáo dục thể chất và QPAN trực thuộc Khoa sư phạm. Năm 2015 bộ môn này độc lập, trực thuộc Ban giám hiệu nhà trường, gồm 16 giảng viên. Nhằm khẳng định vị trí, ý nghĩa, vai trò của công tác GDQPAN, chúng tôi thường xuyên phổ biến, quán triệt cho giảng viên, sinh viên bằng nhiều hình thức như trên website, hoặc lồng ghép vào các đợt học chính trị nghiệp vụ của viên chức, tuần sinh hoạt công dân cho học sinh, sinh viên; các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ, giảng viên. Từ đó, giúp cho đội ngũ giảng viên ý thức hơn trong công việc mình đang đảm nhiệm, tích cực, tự giác, đề cao trách nhiệm trong công tác giảng dạy”.
Còn thầy giáo Bùi Văn Thao, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định, thị xã Gò Công, cho biết: “Nhà trường hiện có đầy đủ sách giáo khoa, các loại tranh ảnh, mô hình phục vụ cho học sinh luyện tập. Trong quá trình lên lớp, giảng viên luôn kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành, giảng theo tình huống buộc học sinh phải suy luận nhằm khơi dậy tư duy sáng tạo, nghiên cứu, tìm tòi và khả năng tự học. Những nội dung thực hành thì phải uốn nắn từng động tác, rèn luyện tư thế, tác phong của “người chiến sĩ”, kỹ năng quân sự, tạo sự phấn khởi, hấp dẫn cho học sinh”.
Đại tá Lê Đức Thắng, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang, khẳng định: “Kết quả kiểm tra hằng năm đều có hơn 95% đạt yêu cầu, trong đó có 75% đạt khá, giỏi. Ngoài trang bị những kỹ năng cơ bản về quân sự, kiến thức về QPAN, môn học này còn giúp sinh viên, học sinh nâng cao được ý thức, trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Lưu Quang Đức/Qdnd.vn