Sáng 5-1, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Sơ kết công tác biệt phái sĩ quan giai đoạn 2018-2020. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị dự và chủ trì hội nghị.
Cùng tham dự có Trung tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam. Đại diện các cơ quan, đơn vị chức năng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, các ban, bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, lãnh đạo các Học viện, các trường đại học trong và ngoài quân đội, trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh sử dụng sĩ quan biệt phái (SQBP), đại diện cho đội ngũ SQBP tham dự hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định tầm quan trọng của công tác SQBP trong tình hình mới. Đội ngũ SQBP là một trong những cầu nối quan trọng giữa Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng với các ban, bộ, ngành Trung ương. Đây là lực lượng tham mưu cho Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, ban, bộ, ngành về các nhiệm vụ khác nhau, trong đó bao gồm 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ trương của Đảng và Nhà nước yêu cầu gắn chặt phát triển kinh tế với củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh trong từng kế hoạch, đề án, đặt ra các yêu cầu nhiệm vụ rất cao đối với đội ngũ SQBP. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, trong thời gian qua, công tác SQBP đã có nhiều đổi mới, đạt kết quả thiết thực.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Theo Báo cáo Sơ kết công tác biệt phái sĩ quan giai đoạn 2018-2020, đội ngũ SQBP có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, trách nhiệm, nhiệt tình trong công tác; trình độ năng lực, phương pháp, tác phong công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, được cơ quan sử dụng SQBP đánh giá cao.
Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ SQBP, báo cáo cho rằng, các đồng chí SQBP ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế và các ban, ngành Trung ương đã thực hiện tốt chức năng tham mưu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, quản lý nhà nước về quốc phòng theo quy định của pháp luật; tham gia xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của từng vùng, miền và trên phạm vi cả nước, gắn phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng và an ninh, đầu tư quy hoạch phát triển vùng lãnh thổ gắn với yêu cầu quốc phòng, an ninh; thực hiện công tác đối ngoại, phân giới cắm mốc; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững chắc, nhất là khu vực biên giới…
Các SQBP thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, các đơn vị quân đội, chính quyền và nhân dân các địa phương và tổ chức MIA của Hoa Kỳ để tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh; đồng thời, tích cực, chủ động đề nghị phía Hoa Kỳ có trách nhiệm với Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, quân nhân mất tin, mất tích; tẩy độc dioxin, rà phá bom, mìn, hỗ trợ nạn nhân chiến tranh đạt hiệu quả thiết thực.
Từ năm 2019 đến 2020, có nhiều tập thể, cá nhân SQBP được khen thưởng; được cấp uỷ, lãnh đạo cơ quan sử dụng SQBP tin tưởng, đánh giá cao và khẳng định sự cần thiết tiếp tục duy trì đội ngũ SQBP trong thời gian tới.
Về phương hướng thực hiện công tác biệt phái sĩ quan (2021-2023) và những năm tiếp theo, báo cáo cho rằng, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị cử và cơ quan sử dụng SQBP, xây dựng đội ngũ SQBP có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, số lượng và cơ cấu hợp lý, kiến thức năng lực toàn diện, chuyên sâu, đạt chuẩn về tiêu chí, tiêu chuẩn quy định, đủ khả năng tham mưu trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về quốc phòng.
Phát biểu kết luận, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, ngoài những kết quả tích cực đạt được, công tác SQBP trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu để giải quyết những bất cập về tổ chức biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất, đào tạo và bồi dưỡng kiến thức mới cho SQBP; quán triệt các quan điểm mới, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng, an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang, các thách thức phi truyền thống, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.
Đồng chí Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, cần phải rà soát những bất cập, khó khăn, kiến nghị của các SQBP để từ đó thống nhất hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo. Trong thời gian tới, cần nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác SQBP, quan trọng nhất là công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao trình độ ngoại ngữ, bồi dưỡng nghiệp vụ, nhằm chuẩn hóa đội ngũ SQBP; chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho đội ngũ SQBP, bao gồm các nguồn nhân lực trẻ ở các trường đại học.
Mỹ Hạnh/Vnexpress.net