Thời gian qua Trung đoàn 1 (Sư đoàn 9, Quân đoàn 4) đã có nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo trong huấn luyện và giáo dục, rèn luyện bộ đội. Một trong những mô hình mới, hiện đang thu hút sự quan tâm của cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị, chính là mô hình “Giáo dục truyền thống bằng thơ”, đây là một trong những cách làm độc đáo, sáng tạo cần nhân rộng, mang lại hiệu quả cao và sự chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ.
Chúng tôi có dịp đến tham quan một buổi học tập giáo dục truyền thống của Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 1, Sư đoàn 9) do đồng chí Đại úy Đặng Quang Thuấn, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1 đang lên lớp giảng bài giáo dục truyền thống đơn vị cho đối tượng là chiến sĩ năm thứ nhất. Một cảm giác gần gũi, chan hòa như trong một gia đình khi được chứng kiến sự say mê, hứng thú, hăng hái tham gia phát biểu ý kiến thảo luận của chiến sĩ trong buổi học.
Điều đặc biệt, gây ấn tượng hơn là buổi học ấy lại được thực hiện bằng những vần thơ khái quát về truyền thống của quân đoàn, sư đoàn và đơn vị. Bị lôi cuốn theo từng vần thơ hay, những dấu mốc lịch sử của đơn vị, chúng tôi càng thấy rõ hơn hiệu quả và nét mới, độc đáo trong áp dụng mô hình mới này. Đại úy Đặng Quang Thuấn cho biết: “Từ khi mô hình “giáo dục truyền thống đơn vị bằng thơ” được áp dụng giúp người cán bộ tham gia giảng dạy rất thuận lợi trong truyền đạt, bởi những chiến công, thành tích và ý nghĩa của từng trận đánh ấy đã được khái quát, cô đọng, súc tích qua những vần thơ do chính cán bộ trong đơn vị tự sáng tác giúp bộ đội dễ hiểu, dễ nhớ. Đa số các đồng chí chiến sĩ đều cảm thấy thích thú, háo hức, chờ đợi mỗi khi đến giờ học tập chính trị như thế này”.
Một buổi học tập “giáo dục truyền thống đơn vị bằng thơ” của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1 (Sư đoàn 9, Quân đoàn 4) |
Những buổi sinh hoạt giáo dục chính trị ở Sư đoàn 9, Quân đoàn 4, giờ đây hứng thú hơn rất nhiều, đặc biệt với các chiến sĩ mới bởi không đơn thuần là những bài giảng truyền thống đọc, chép mà được truyền thể một cách mềm mại hơn qua những vần thơ do chính đội ngũ cán bộ đơn vị sáng tác. Dự buổi giáo dục truyền thống của đơn vị, được nghe bài thơ “Trang sử vàng Sư đoàn Bộ binh 9” do đồng chí Binh nhất Lý Trọng Nhân, chiến sĩ Đại đội 11, Tiểu đoàn 3 với chất giọng mộc mạc, bình dị xen lẫn âm điệu Nam bộ ngọt ngào của đồng chí càng làm cho người nghe xúc động bởi những câu thơ khái quát về truyền thống Sư đoàn:
“Đáp lời kêu gọi thiêng liêng
Chống Mỹ xâm lược, giữ yên nước nhà,
Của Đảng của Bác Hồ ta,
1965 năm ấy mở ra sử vàng
Mùng 2 tháng 9 còn vang,
Sư đoàn Bộ binh 9 huy hoàng sinh ra”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết sáng kiến này là của đồng chí Thiếu tá Lê Văn Dũng, Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 1 (Sư đoàn 9, Quân đoàn 4). Ý tưởng độc đáo xây dựng nên mô hình trên được anh ấp ủ suốt 5 năm qua, khi còn là chính trị viên đại đội, là người trực tiếp giảng dạy chính trị, giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ của mình. Anh chia sẻ: “Xuất phát từ thực tiễn do thời gian giáo dục truyền thống đơn vị theo chương trình giáo dục chính trị cơ bản rất ít vì phải đan xen thực hiện nhiều nhiệm vụ. Trong khi đó, nội dung truyền thống của đơn vị rất dài, có nhiều sự kiện nên rất khó ghi nhớ, chủ yếu là tranh thủ những thời gian sinh hoạt ngoài giờ hành chính để học. Vì vậy, để bản thân tôi cũng như mỗi cán bộ, chiến sĩ dễ dàng ghi nhớ những nét tiêu biểu nhất của truyền thống đơn vị cũng như những nhiệm vụ chủ yếu, trung tâm nhất của Quân đội của đơn vị, tôi đã nghiên cứu, tóm tắt khái quát nhất những nét tiêu biểu truyền thống vẻ vang của Sư đoàn, Quân đoàn, những nhiệm vụ của đơn vị bằng những lời thơ để mỗi cán bộ, chiến sĩ dễ ghi nhớ”.
Mô hình “giáo dục truyền thống đơn vị bằng thơ” đang được Trung đoàn 1 (Sư đoàn 9, Quân đoàn 4) phát huy đạt hiệu quả. |
Sau khi trình bày ý tưởng sáng kiến trên, được Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn nhất trí và thông qua chỉ huy các cấp, Thiếu tá Lê Văn Dũng đã tổng hợp những bài thơ của mình về truyền thống Quân đoàn 4, truyền thống Sư đoàn 9, những bài thơ về nhận thức nhiệm vụ của Quân đội, đơn vị thành một cuốn sổ tay, in ấn nhỏ gọn. Cuốn sổ tay có tên là “Sổ tay giáo dục truyền thống Sư đoàn 9 và Quân đoàn 4”, gồm 3 bài thơ, trung bình mỗi bài kết cấu với 7 khổ thơ, theo dạng tự do, viết theo giai đoạn lịch sử của đơn vị từ khi thành lập đến nay. Nhờ đó, giúp cho người học dễ cảm nhận, dễ thuộc, dễ ghi nhớ là cơ sở để động viên tính tích cực, hăng hái, trách nhiệm trong giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ là nền tảng để đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...
Kết thúc một giờ học tập chính trị đầy ắp những tiếng cười và những tràng pháo tay giòn giã, Trung sĩ Lê Văn Linh, chiến sĩ Đại đội 9 (Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1) không giấu nổi niềm hào hứng, tâm sự: “Với mỗi người chiến sĩ chúng tôi, có cảm nhận đây là sáng kiến rất hay, rất thực tiễn, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi về tinh thần của bộ đội. Thông qua đây cán bộ giảng dạy đã khai thác được hiểu biết của người học mà người học vẫn cảm thấy hứng thú, tích cực. Vì vậy chúng tôi cảm thấy rất thích thú, phấn khởi, thêm yêu và tự hào về truyền thống của đơn vị mình hơn. Tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới mô hình này sẽ đem lại nhiều hiệu quả hơn nữa trong việc giáo dục, tuyên truyền truyền thống vẻ vang của đơn vị, xây dựng nhân cách người quân nhân cách mạng, đáp ứng mọi yêu cầu được giao”.
Đánh giá về hiệu quả mô hình này, Đại tá Võ Phước Vỹ, Chính ủy Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 cho biết: “Thời gian qua, mô hình này đã được đơn vị áp dụng, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, gắn sát với thực tiễn đơn vị. Ưu việt của mô hình này, chính là việc giúp cán bộ, chiến sĩ dễ nhớ, dễ hiểu và dễ thực hiện. Trong những năm tới, trên cơ sở tính thực tiễn và hiệu quả của mô hình, chúng tôi sẽ nhân rộng và thực hiện mô hình này tại các đơn vị trong sư đoàn; tạo thành phong trào rộng khắp, thiết thực với mục đích cuối cùng để nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về truyền thống của dân tộc, quân đội và đơn vị, lấy đó làm động lực phấn đấu trong huấn luyện, rèn luyện”.
Đào Hiệp - Hoàng Cầm/Vnexpress.net