Nâng cao hiệu lực công tác Đảng, công tác chính trị trong đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội

Thứ 3, 12.01.2021 | 00:00:00
846 lượt xem

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng Quân đội về chính trị, tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ,CTCT) bảo đảm Quân đội luôn tận trung với Đảng, tận hiếu với dân.

Theo Người: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”. Người cũng khẳng định: “Phải tăng cường công tác chính trị, luôn luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta”. Theo đó, để nâng cao hiệu quả CTĐ,CTCT, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, vai trò của đội ngũ cán bộ chính trị là rất quan trọng. Trường Sĩ quan Chính trị là trung tâm đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội cho toàn quân, do đó, hoạt động CTĐ,CTCT ở Nhà trường phải đạt được mục tiêu “kép” là vừa trực tiếp xây dựng Đảng bộ Nhà trường vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, góp phần xây dựng Nhà trường vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, vừa tạo môi trường thực tiễn, bài học mô phạm bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất, năng lực, kỹ năng, tay nghề tiến hành CTĐ,CTCT cho học viên.

Nâng cao hiệu lực công tác Đảng, công tác chính trị trong đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội
 Câu lạc bộ Văn học nghệ thuật phối hợp tổ chức giao lưu văn nghệ.

Quán triệt sâu sắc tinh thần đó, từ ngày thành lập (14-1-1976) đến nay, Trường Sĩ quan Chính trị đã bám sát quan điểm, đường lối của Đảng, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, chỉ thị, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị và yêu cầu, nhiệm vụ của Nhà trường, tích cực, chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc, toàn diện các mặt hoạt động CTĐ,CTCT, đặc biệt là trong đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội. Nhờ đó, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhà trường luôn giữ vững định hướng chính trị trong giáo dục, đào tạo; đội ngũ cán bộ chính trị đào tạo tại nhà trường qua các thời kỳ luôn hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, phương pháp, tác phong công tác tốt qua đó, khẳng định vị thế, uy tín của một cơ sở đào tạo trọng điểm của Quân đội.

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực, Biển Đông dự báo tiếp tục có những diễn biến mau lẹ, phức tạp, khó lường. Ở trong nước, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, đẩy mạnh các hoạt động chống phá nhằm thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội; nhiệm vụ xây dựng Quân đội có bước phát triển mới. Đặc biệt, chủ trương phấn đấu từ năm 2030, xây dựng Quân đội hiện đại, làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc mà Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đề ra đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao về phẩm chất, năng lực đối với đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội. Điều đó đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, toàn diện nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động CTĐ,CTCT trong đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Trong đó, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Nâng cao hiệu lực công tác Đảng, công tác chính trị trong đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội
Sinh hoạt Câu lạc bộ tiếng Anh.

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp, đề cao trách nhiệm của cán bộ chủ trì, trước hết là đội ngũ cán bộ chính trị nhằm đổi mới, nâng cao hiệu lực CTĐ,CTCT trong đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội.

Các cấp ủy, tổ chức đảng trong Nhà trường cần nắm vững mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, nhất là quán triệt chủ trương xây dựng Quân đội hiện đại từ năm 2030 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI và vận dụng, cụ thể hóa nội dung đột phá của Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Nhà trường lần thứ X về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Từ đó, xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo đúng đắn, sáng tạo, khoa học, phù hợp với thực tiễn từng cơ quan, khoa, đơn vị. Hoạt động của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp phải thực sự tiêu biểu, mẫu mực, mô phạm, là thực tiễn bồi dưỡng năng lực công tác tổ chức xây dựng đảng cho học viên. Nâng cao chất lượng công tác phát triển Đảng, gắn quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên với bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, kỹ năng công tác của Bí thư chi bộ tương lai. Đồng thời, phát huy vai trò, đề cao trách nhiệm của cán bộ chủ trì các cấp, trước hết là đội ngũ cán bộ chính trị trong đổi mới, nâng cao hiệu lực CTĐ,CTCT. Đây là lực lượng trực tiếp tiến hành các hoạt động CTĐ,CTCT, do đó, mỗi cán bộ không chỉ là những tấm gương sáng về đạo đức, trí tuệ, nhân cách; mẫu mực trong lời nói và hành động mà còn phải sáng tạo trong đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp và có tính mô phạm cao trong tổ chức thực hiện các hoạt động CTĐ,CTCT, thực sự là hình mẫu để học viên học tập.

    Nâng cao hiệu lực công tác Đảng, công tác chính trị trong đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội
Trường Sĩ quan Chính trị đẩy mạnh hoạt động phối hợp đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.


Hai là, bám sát tình hình thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành CTĐ,CTCT.

Cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp và các tổ chức, các lực lượng cần quán triệt sâu sắc mục tiêu đào tạo, chương trình, nội dung, tiến trình đào tạo từng năm học để xác định và tiến hành hoạt động CTĐ,CTCT phù hợp với đối tượng. Thường xuyên cập nhật thực tiễn hoạt động CTĐ,CTCT ở đơn vị cơ sở gắn với nghiên cứu đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành CTĐ,CTCT ở Nhà trường. Bám sát bộ tiêu chí đánh giá năng lực thực hành của học viên theo tiến trình đào tạo để xây dựng kế hoạch, chương trình CTĐ,CTCT cho phù hợp. Một mặt thực hiện tốt nền nếp, chế độ hoạt động CTĐ,CTCT, mặt khác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa CTĐ,CTCT thiết thực bồi dưỡng năng lực thực hành, kỹ năng công tác và các kỹ năng mềm cho người học. Hoạt động ngoại khóa phải bám sát tiến trình huấn luyện môn CTĐ,CTCT, mặt khác phải đồng bộ với thực tiễn hoạt động CTĐ,CTCT tại đơn vị. Hoạt động ngoại khóa góp phần hình thành kỹ năng, thực tiễn hoạt động CTĐ,CTCT trực tiếp củng cố, hoàn thiện kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm cho người học. Trong tiến hành hoạt động CTĐ,CTCT, Cơ quan Chính trị và các đơn vị quản lý học viên cần tăng cường nội dung, hình thức đưa học viên vào thực tiễn hoạt động. Chú trọng bồi dưỡng hạt nhân nòng cốt, xây dựng các mô hình hoạt động để lôi cuốn đông đảo học viên tham gia. Mỗi học viên phải vừa là đối tượng, vừa là chủ thể hoạt động CTĐ,CTCT ở đơn vị, coi trọng và không ngừng phát huy vai trò chủ thể hoạt động của người học.   

Nâng cao hiệu lực công tác Đảng, công tác chính trị trong đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội

Đồng diễn nghệ thuật chào mừng khai giảng năm học mới. 

Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng trong tổ chức hoạt động CTĐ,CTCT.

Hiệu lực, hiệu quả CTĐ,CTCT trong đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội ở Trường Sĩ quan Chính trị phụ thuộc vào sự tác động của nhiều yếu tố, nhiều lực lượng. Vì vậy, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng trong tổ chức hoạt động CTĐ,CTCT. Trước hết, đối với Phòng Chính trị, là cơ quan tham mưu, giúp Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tiến hành các hoạt động CTĐ,CTCT nói chung, CTĐ,CTCT trong đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội nói riêng, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện tốt các hoạt động CTĐ,CTCT; tăng cường hoạt động ngoại khóa nhằm bồi dưỡng năng lực thực hành CTĐ,CTCT cho học viên, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ các đơn vị trong quá trình thực hiện kế hoạch. Đồng thời, bồi dưỡng kinh nghiệm, năng lực tiến hành CTĐ,CTCT cho đội ngũ cán bộ các cấp. Với các khoa giáo viên, nhất là Khoa CTĐ,CTCT cần kết hợp giữa trang bị kiến thức cơ bản, toàn diện, chuyên sâu về chuyên ngành với rèn luyện, bồi dưỡng kỹ năng, tay nghề CTĐ,CTCT cho học viên. Với các tổ chức quần chúng, đặc biệt là tổ chức đoàn cần tích cực, chủ động sáng tạo ra các phong trào hành động cách mạng, quan tâm đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành sao cho mọi hoạt động, mọi phong trào ngày càng thiết thực, gần gũi với đời sống học viên, thu hút mọi học viên tham gia. Thông qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động CTĐ,CTCT và bồi dưỡng tay nghề cho học viên.

Bốn là, phát huy tính tích cực, tự giác của học viên trong tham gia các hoạt động CTĐ,CTCT nhằm tự bồi dưỡng năng lực thực hành.

Học viên đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội ở Trường Sĩ quan Chính trị không chỉ là đối tượng mà còn là chủ thể tiến hành các hoạt động CTĐ,CTCT. Vì vậy, sự tích cực, tự giác của học viên một mặt góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động CTĐ,CTCT, mặt khác, thông qua hoạt động đó mà tự rèn luyện, bồi dưỡng năng lực thực hành CTĐ,CTCT cho bản thân, biến yêu cầu khách quan thành nỗ lực chủ quan tự học tập, rèn luyện, bồi dưỡng, hoàn thiện bản thân. Để phát huy tính tính cực, tự giác của học viên, trước hết, cần giáo dục, nâng cao nhận thức của họ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động CTĐ,CTCT trong quá trình đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội; tiêu chí năng lực thực hành theo từng năm học; yêu cầu về phẩm chất, năng lực của cán bộ chính trị cấp phân đội ở đơn vị cơ sở. Từ đó, xây dựng động cơ, thái độ học tập, rèn luyện đúng đắn cho học viên. Đồng thời, đa dạng hóa nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành các hoạt động CTĐ,CTCT, tạo sức hút để đông đảo học viên tham gia. Lấy kết quả tham gia các hoạt động CTĐ,CTCT và sự trưởng thành, tiến bộ về năng lực thực hành để đánh giá, nhận xét học viên.

                        Nâng cao hiệu lực công tác Đảng, công tác chính trị trong đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội

Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm TCCT trao đổi với các đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Sĩ quan Chính trị lần thứ X. 

Năm là, thường xuyên tiến hành sơ, tổng kết; bảo đảm tốt trang bị, vật tư CTĐ,CTCT trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo.

Việc tiến hành sơ kết, tổng kết phải bảo đảm tính khách quan, đánh giá đúng điểm mạnh, điểm yếu, chỉ ra nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức và rút ra bài học kinh nghiệm tổ chức hoạt động CTĐ,CTCT trong đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích tốt, đồng thời, nghiêm khắc rút kinh nghiệm, uốn nắn, nhắc nhở với những trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.

Thường xuyên quan tâm, bảo đảm tốt đời sống văn hóa, tinh thần cho bộ đội theo Thông tư số 138/2020/TT-BQP ngày 10 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất phục vụ hoạt động ngoại khóa phù hợp với từng đối tượng, theo từng năm học... Đẩy mạnh các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, giao lưu, kết nghĩa… gắn với hoạt động của các câu lạc bộ, tạo sân chơi lành mạnh cho học viên tham gia. Thông qua đó, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm, bồi dưỡng kỹ năng, hoàn thiện phẩm chất, năng lực cần thiết của người cán bộ chính trị cấp phân đội, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, khẳng định vị thế, uy tín của Nhà trường.


Theo Qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nang-cao-hieu-luc-cong-tac-dang-cong-tac-chinh-tri-trong-dao-tao-can-bo-chinh-tri-cap-phan-doi-648940

  • Từ khóa