Thắng lợi oanh liệt của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đánh dấu bước phát triển đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trong đó, điểm nổi bật mang tính bước ngoặt trước khi chiến dịch diễn ra là quyết định chuyển phương châm tác chiến kịp thời, từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.
Sau khi bộ đội chủ lực ta tiêu diệt địch ở Lai Châu giữa tháng 12-1953 và hình thành thế bao vây ở Điện Biên Phủ, quân Pháp ở đây chưa được tăng cường lực lượng, thế đứng chưa vững, hệ thống công sự phòng ngự của chúng chưa được xây dựng kiên cố. Trước tình thế “lâm thời phòng ngự” của địch, ta xác định đây là thời cơ tiêu diệt địch theo phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Theo đó, ta có thể tập trung ưu thế binh lực, hỏa lực, nhằm vào chỗ sơ hở nhất ở bên sườn của địch, trong đó đột phá chủ yếu từ phía tây, đồng thời từ phía đông tổ chức mũi giáp công phối hợp tiến công, tiêu diệt từng bộ phận quan trọng sinh lực địch, tạo thế chia cắt, cô lập từng cứ điểm, làm chuyển biến thế trận, tiến tới đánh thẳng vào trung tâm Mường Thanh và dự kiến đêm 20-1-1954 sẽ nổ súng. Với cách đánh này, thời gian diễn ra chiến dịch sẽ được rút ngắn, công tác bảo đảm cũng thuận lợi hơn.
Trận địa pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu |
Tuy nhiên, trong quá trình ta chuẩn bị, địch cũng tăng cường lực lượng. Đến đầu năm 1954, Pháp tập trung lên Điện Biên Phủ hơn 16.000 quân, với hàng chục tiểu đoàn, đại đội bộ binh, pháo binh, công binh, xe tăng và 1 phi đội máy bay thường trực, cùng nhiều vũ khí hiện đại. Hệ thống công sự của địch được xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm kiên cố. Trong khi đó, đối với ta, việc làm đường và kéo pháo vào trận địa gặp nhiều khó khăn nên pháo binh chưa kịp chiếm lĩnh trận địa, bộ đội ta dù đã thực hành tiến công các căn cứ phòng ngự của quân Pháp (đánh công kiên) nhưng đây là lần đầu tiên ta tiến công vào một tập đoàn cứ điểm không còn ở trạng thái “phòng ngự lâm thời” mà đã được củng cố vững chắc.
Quá trình ta chuẩn bị, do pháo vào trận địa chậm nên ngày nổ súng được quyết định lùi lại thêm 5 ngày, đến 17 giờ ngày 25-1 và sau đó chuyển sang ngày 26-1. Thế nhưng, bộ chỉ huy chiến dịch nhận thấy nếu đánh theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” thì khó bảo đảm “chắc thắng”. Trên cơ sở phân tích so sánh tương quan lực lượng, đánh giá khả năng của ta và địch tại Điện Biên Phủ, đặc biệt là thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với tập thể đảng ủy và bộ chỉ huy chiến dịch bàn bạc, thống nhất quyết định thay đổi phương châm tác chiến, chuyển từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” để tận dụng thời gian chuyển hóa lực lượng, phá tan âm mưu phòng ngự vững chắc của địch. Khi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo về với nội dung chuyển từ phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị thống nhất cho rằng: Quyết định thay đổi phương châm như vậy là hoàn toàn có cơ sở, rất đúng đắn, kịp thời, đáp ứng tình hình giữa ta và địch đã có sự thay đổi tại mặt trận.
Theo phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc”, đảng ủy và bộ chỉ huy chiến dịch đề ra nhiều mặt công tác, trong đó phải kéo pháo ra, sau đó lại kéo vào tập kết ở 6 trận địa, phân tán trên các điểm cao tạo thành một vòng cung 30km bao quanh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đồng thời, bộ đội ta xây dựng hệ thống trận địa tiến công và bao vây tập đoàn cứ điểm trên tất cả các hướng đông, tây, nam, bắc. Bảo đảm hậu cần cho chiến dịch được tăng lên 2-3 lần. Đến đầu tháng 3-1954, công tác chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cơ bản hoàn thành, thế trận chiến dịch đã triển khai xong, bộ đội ta sẵn sàng nổ súng đúng ngày quy định.
Quán triệt và thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã diễn ra làm 3 đợt. Đợt 1 (từ ngày 13 đến 17-3), ta tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập (15-3), bao vây bức hàng cụm cứ điểm Bản Kéo (16-3). Đợt 2 (từ ngày 30-3 đến 30-4), ta tiến công đánh chiếm được một phần dãy điểm cao phía đông gồm các cứ điểm E, D1, D2, C1 và các cứ điểm 106, 311; bao vây, tiến công, cắt đôi sân bay Mường Thanh; tổ chức nhiều hình thức tác chiến trên chiến trường. Đợt 3 (từ ngày 1 đến 7-5), ta tiến công đánh chiếm các cứ điểm phía đông (C1, C2, A1), tiêu diệt một số cứ điểm phía tây (311A, 311B, 310, 208), uy hiếp trực tiếp sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm. 15 giờ ngày 7-5, ta mở đợt tổng công kích vào sân bay Mường Thanh và sở chỉ huy địch, bắt tướng De Castries cùng ban tham mưu tập đoàn cứ điểm, kết thúc chiến dịch toàn thắng.
Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu bước phát triển đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong đó, điểm nổi bật trước khi diễn ra chiến dịch là thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là sự thay đổi táo bạo theo phương châm chiến lược “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”, trở thành nguyên tắc chỉ đạo cao nhất, đem lại niềm tin, nguồn sức mạnh chính trị, tinh thần to lớn cho quân và dân ta, bảo đảm chiến dịch đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Theo Qdnd.vn