Các bệnh viện quân đội nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép

Thứ 4, 09.06.2021 | 08:37:34
690 lượt xem

Dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường ở nhiều địa phương. Với trách nhiệm, quyết tâm cao, các bệnh viện quân đội đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ kép: Tham gia phòng, chống dịch (PCD) và duy trì hiệu quả công tác khám, chữa bệnh (KCB).

Áp lực lên “thành trì” chống dịch

Bệnh viện vừa là “thành trì” chống dịch, vừa là nơi KCB; nếu có nhân viên y tế, bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân nhiễm Covid-19 thì cả khoa, thậm chí cả bệnh viện bị phong tỏa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động PCD và công tác KCB. Thực tế một số bệnh viện đã có dịch Covid-19 xâm nhập, phải phong tỏa thời gian khá dài, kéo theo nhiều hệ lụy.

Các bệnh viện quân đội nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép
 Các y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 354 chuẩn bị thuốc để tiêm cho bệnh nhân. Ảnh: ĐÌNH NĂNG

Theo Đại tá, PGS, TS Lê Hữu Song, Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội (TƯQĐ) 108: Dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp. Vấn đề khó khăn là hơn 80% bệnh nhân nhiễm virus SARS CoV-2 không có triệu chứng và có thể lây qua đường không khí nên rất dễ lây lan trong cộng đồng và khó kiểm soát. Mỗi ngày, Bệnh viện TƯQĐ 108 tiếp nhận hàng nghìn người đến khám và điều trị nên công việc sàng lọc rất áp lực. Với sự nỗ lực cao, cán bộ, nhân viên Bệnh viện TƯQĐ 108 quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ kép. Đặc biệt là những trường hợp cần được cấp cứu kịp thời như: Ghép gan cấp cứu, can thiệp tim mạch, đột quỵ...

Ở các bệnh viện hiện nay, vấn đề rất quan trọng là ngăn chặn dịch Covid-19 từ cộng đồng xâm nhập vào và từ bệnh viện lây lan ra cộng đồng. Tìm hiểu tại Bệnh viện TƯQĐ 108; Bệnh viện Quân y (BVQY) 103 và Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y); BVQY 354 và BVQY 105 (Tổng cục Hậu cần); Viện Y học Phòng không-Không quân (PK-KQ)... chúng tôi nhận thấy việc kiểm soát không để “lọt” dịch được thực hiện rất khoa học, chặt chẽ. Người đến KCB được sàng lọc nhiều lớp. Tại chốt khám sàng lọc ban đầu có máy tầm nhiệt tự động, nước rửa tay sát khuẩn; nhân viên trực kiểm soát chặt chẽ người ra vào 24/24 giờ. Nếu bệnh nhân phải nhập viện điều trị, bệnh viện tiếp tục phân luồng, kiểm tra lại toàn bộ yếu tố dịch tễ, triệu chứng lâm sàng trước khi thực hiện thủ tục nhập viện. Đối với cán bộ, nhân viên y tế, yêu cầu chấp hành và thực hiện nghiêm quy định về PCD theo khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế; mang mặc phòng hộ đúng quy định; các bộ phận, các khoa làm việc độc lập, hạn chế tiếp xúc; các cuộc họp, giao ban được chuyển sang hình thức trực tuyến...

"Hiện đa số cán bộ, nhân viên các bệnh viện đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 theo chính sách ưu tiên của Nhà nước dành cho lực lượng làm nhiệm vụ PCD ở tuyến đầu. Liệu việc này có dẫn đến sự chủ quan trong phòng dịch của các thầy thuốc?". Trước câu hỏi của chúng tôi, Đại tá Ngọc Bình, Phó giám đốc Viện Y học PK-KQ cho biết: “Vaccine chỉ thực sự hiệu quả khi số người được tiêm đủ để đạt miễn dịch cộng đồng. Chúng tôi yêu cầu cán bộ, nhân viên dù được tiêm vaccine nhưng tuyệt đối không chủ quan, lơ là mà vẫn phải thực hiện nghiêm các quy định PCD. Còn khoảng 5% cán bộ, nhân viên do hệ thống miễn dịch chưa bảo đảm nên chưa tiêm vaccine, chúng tôi phân công những trường hợp này làm các nhiệm vụ hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân”.

Nỗ lực, sáng tạo ứng phó với dịch 

Đợt dịch thứ tư này, theo chỉ đạo của thủ trưởng Bộ Quốc phòng, nhiều bệnh viện quân đội tiếp tục cử đội ngũ y, bác sĩ cùng các trang thiết bị hiện đại tăng cường về các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang tham gia dập dịch. Lực lượng này làm việc với cường độ rất cao để giúp các địa phương vùng tâm dịch lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị kịp thời bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện dã chiến...

Các bệnh viện quân đội nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép
Nhân viên Bệnh viện Quân y 354 lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân. Ảnh: ĐÌNH NĂNG

Thượng tá Hà Duy Dương, Phó giám đốc BVQY 354 cho biết: "Bệnh viện đã cử 52 y, bác sĩ tăng cường lên tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh. Quân số, phương tiện phân tán, trong khi nhiệm vụ PCD và KCB tại bệnh viện nặng nề hơn vì phải thêm lực lượng làm nhiệm vụ sàng lọc, phân luồng bệnh nhân; các y, bác sĩ phải trực tiếp chăm sóc bệnh nhân vì bệnh viện hạn chế tối đa người nhà vào chăm sóc...".

Để ứng phó với dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các bệnh viện quân đội đã nâng cấp độ PCD lên cấp độ 5 (cấp độ cao nhất); lắp đặt thêm hệ thống camera giám sát, máy đo thân nhiệt, buồng lấy mẫu xét nghiệm không tiếp xúc... Đặc biệt, Bệnh viện TƯQĐ 108 đã đưa vào sử dụng “buồng áp lực âm di động” (cáng áp lực âm), giúp giảm khả năng lây lan của virus; BVQY 103 xây dựng và triển khai “bệnh án điện tử”, áp dụng cả trong điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 2 ở Bắc Giang; BVQY 354 tăng cường khám bệnh trên ứng dụng VOV Bacsi24 với hơn 80 bác sĩ tham gia... Thượng tá Hà Duy Dương chia sẻ: “Thời gian qua, lượng người khám, tư vấn sức khỏe trên ứng dụng VOV Bacsi24 tăng 30%. Tất cả 19 khoa của bệnh viện đều tham gia khám online. Đây là một cách phòng dịch rất hiệu quả, giảm lượng bệnh nhân đến KCB tại bệnh viện”.

Dù đối mặt với nhiều nhiệm vụ khó khăn, phức tạp nhưng đội ngũ y, bác sĩ ở các bệnh viện quân đội đã phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nỗ lực phấn đấu, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ kép: Vừa KCB hiệu quả, vừa xung kích, tích cực góp phần dập dịch Covid-19.


CHÍ HÒA/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/cac-benh-vien-quan-doi-no-luc-thuc-hien-nhiem-vu-kep-661883

  • Từ khóa