Xây dựng Học viện Hậu cần xứng đáng là trung tâm đào tạo cán bộ hậu cần, tài chính quân đội

Thứ 3, 15.06.2021 | 14:20:28
902 lượt xem

Lịch sử Học viện Hậu cần (HVHC) từ lớp huấn luyện cán bộ cung cấp đầu tiên đến nay gắn liền với lịch sử phát triển của quân đội và ngành hậu cần quân đội (HCQĐ), vượt nhiều khó khăn, gian khổ, viết nên truyền thống vẻ vang: “Tuyệt đối trung thành, chủ động sáng tạo, đoàn kết chặt chẽ, dạy tốt học tốt, gắn với chiến trường, hướng về đơn vị”.

Đầu năm 1951, lớp huấn luyện cán bộ cung cấp đầu tiên (tiền thân của HVHC) khai giảng với 88 học viên nhằm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm hậu cần (BĐHC) cho quân đội. Ngày 15-6-1951, lớp học vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư động viên. Trong thư, Người viết: “...Công việc cung cấp cũng quan trọng như việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận: Cung cấp đủ súng đạn, đủ cơm áo cho bộ đội thì bộ đội mới đánh thắng trận... Cán bộ cung cấp càng phải làm kiểu mẫu cần, kiệm, liêm, chính...”. Những lời căn dặn của Bác là "kim chỉ nam" cho công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ hậu cần (CBHC) và ngày Bác Hồ gửi thư trở thành Ngày truyền thống của HVHC.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, dù thiếu thốn mọi mặt, song đội ngũ cán bộ, giảng viên (CB, GV) của nhà trường luôn chủ động khắc phục khó khăn, vừa giảng dạy, vừa tự học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ, thực hiện tốt phương châm “Học những vấn đề cần ngay cho công tác, học xong có thể về đơn vị áp dụng được, học và hành phải kết hợp với nhau”. Từ năm 1951 đến 1954, nhà trường hoàn thành 5 khóa huấn luyện, bồi dưỡng 486 cán bộ cung cấp, góp phần BĐHC cho bộ đội chiến đấu và chiến thắng.

Xây dựng Học viện Hậu cần xứng đáng là trung tâm đào tạo cán bộ hậu cần, tài chính quân đội
 
Xây dựng Học viện Hậu cần xứng đáng là trung tâm đào tạo cán bộ hậu cần, tài chính quân đội

Lãnh đạo và cán bộ, giảng viên Học viện Hậu cần tham quan khu trưng bày về truyền thống 70 năm của học viện. Ảnh: BÙI DINH.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhà trường vừa làm nhiệm vụ huấn luyện, vừa SSCĐ và phục vụ chiến đấu với khẩu hiệu: “Lấy nhà trường làm trận địa chống Mỹ, cứu nước”, “Gắn liền nhà trường với chiến trường”. Ngày 7-9-1958, Trường Cán bộ Hậu cần vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và căn dặn: “Vừa phải cố gắng dạy tốt, học tốt, vừa phải chú trọng tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, đúng là trường đào tạo CBHC”. Giai đoạn này, nhà trường đào tạo được 11.317 CBHC các cấp; cử hơn 500 lượt CB, GV đi nghiên cứu chiến trường để bổ sung bài giảng sát thực tế chiến đấu.

Sau ngày đất nước thống nhất, Đảng ủy HVHC tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng đội ngũ CB, GV, đổi mới nội dung, chương trình giáo dục, đào tạo (GD-ĐT), bổ sung cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ CBHC quân đội trong thời bình, sẵn sàng cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Học viện đã nhanh chóng nghiên cứu, hoàn thiện nội dung, mục tiêu đào tạo theo hai cấp đại học và sau đại học; xác định nhiều biện pháp nâng cao chất lượng huấn luyện, nghiên cứu khoa học (NCKH), biên soạn giáo trình, tài liệu gắn với công tác BĐHC trong điều kiện mới. Nhờ đó, học viện đã đào tạo, bồi dưỡng được hàng vạn cán bộ, nhân viên hậu cần, tài chính quân đội có kiến thức cơ bản và năng lực thực tiễn, trong đó có hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ chuyên ngành hậu cần quân sự; cùng với đó là hàng nghìn cử nhân và kỹ sư dân sự; hàng trăm thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành tài chính, ngân hàng, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Những năm gần đây, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ BĐHC, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, HVHC tập trung đột phá đổi mới, thực hiện mục tiêu đào tạo CBHC, tài chính các cấp có phẩm chất, năng lực toàn diện; coi trọng xây dựng đội ngũ CB, GV, coi đây là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ. 10 năm qua, học viện đã đào tạo và gửi đi đào tạo các bậc học hơn 500 lượt CB, GV; tổ chức cho hơn 800 lượt CB, GV đi thực tế đơn vị. Hiện nay, đội ngũ CB, GV được kiện toàn đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, cơ bản đạt các chuẩn theo quy định, có phẩm chất, năng lực tốt, 100% có trình độ đại học trở lên, trong đó 84,21% sau đại học (21,50% tiến sĩ, 8 giáo sư, 67 phó giáo sư). Nhiều nhà giáo đảm nhiệm tốt vai trò nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong quân đội. 

Những năm tới, yêu cầu nhiệm vụ BĐHC, tài chính và xây dựng ngành hậu cần, tài chính quân đội đòi hỏi ngày càng cao, HVHC xác định phải nỗ lực phấn đấu, không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng GD-ĐT; tiếp tục phát huy truyền thống “Tuyệt đối trung thành, chủ động sáng tạo, đoàn kết chặt chẽ, dạy tốt học tốt, gắn với chiến trường, hướng về đơn vị”; tích cực học tập, quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI và các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng (BQP) về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, công tác HCQĐ.

 Với quan điểm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng SSCĐ của đơn vị”, HVHC tập trung đổi mới quy trình, chương trình đào tạo sát thực tế, sự phát triển về lý luận, thực tiễn ngành hậu cần, tài chính quân đội và sự phát triển của nghệ thuật quân sự. Coi trọng đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng huấn luyện thực hành, huấn luyện thể lực, rèn luyện bản lĩnh, phương pháp tác phong công tác, thực hiện tốt phương châm “Nhà trường gắn liền với đơn vị, nhà trường đi trước đơn vị”; hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy chế, quy định trong GD-ĐT gắn với “Dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất”. Tiếp tục quan tâm xây dựng đội ngũ CB, GV đạt chuẩn các quy định của Nhà nước, BQP, chủ động xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ khoa học đầu ngành; triển khai có hiệu quả các chương trình nhiệm vụ NCKH, gắn NCKH với nhiệm vụ GD-ĐT. Tích cực nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tham mưu, đề xuất với Tổng cục Hậu cần, Quân ủy Trung ương, BQP trong hoạch định chủ trương, chính sách BĐHC phù hợp với nhiệm vụ xây dựng quân đội. Từng bước triển khai xây dựng nhà trường thông minh, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào GD-ĐT, NCKH, nhất là trong quản lý, điều hành huấn luyện và đổi mới phương pháp dạy học; tăng cường đầu tư, bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ dạy và học đồng bộ, hiện đại, phù hợp với thực tiễn.

Học viện chú trọng làm tốt công tác thi đua-khen thưởng và tổ chức Phong trào Thi đua Quyết thắng sôi nổi, rộng khắp gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ" thời kỳ mới. Xây dựng Đảng bộ HVHC vững mạnh tiêu biểu gắn với xây dựng học viện vững mạnh toàn diện "mẫu mực, tiêu biểu". Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, chi bộ, phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ chủ trì, vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Phát huy truyền thống 70 năm đơn vị anh hùng có ý nghĩa rất quan trọng trong xây dựng sức mạnh tổng hợp, tạo động lực để HVHC tiếp tục hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, xứng đáng là trung tâm GD-ĐT, NCKH hậu cần, tài chính có uy tín của quân đội và đất nước; đào tạo, bồi dưỡng CBHC, tài chính quân sự có phẩm chất, năng lực toàn diện, góp phần xây dựng ngành HCQĐ chính quy, từng bước hiện đại.


Thiếu tướng NGUYỄN VĂN HÙNG, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện Hậu cần/QDND.VN

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/xay-dung-hoc-vien-hau-can-xung-dang-la-trung-tam-dao-tao-can-bo-hau-can-tai-chinh-quan-doi-662527


  • Từ khóa