Là địa bàn có khí hậu khắc nghiệt, thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, thời tiết hanh khô, nhiệt độ cao nhất có thời điểm lên đến 39 độ C nên rất dễ xảy ra cháy, nổ. Nhờ thường xuyên nâng cao ý thức phòng, chống cháy nổ cho cán bộ, chiến sĩ và làm tốt công tác bảo quản, bảo dưỡng theo quy định phòng, chống cháy nổ nên Ban CHQS thành phố Tam Kỳ luôn an toàn tuyệt đối.
Keng, keng, keng… tiếng kẻng báo động có sự cố cháy, nổ xảy ra vang lên dồn dập cùng với khẩu lệnh phát tình huống của trực ban nội vụ. Ngay lập tức, mọi quân nhân nhanh chóng ra khỏi nơi làm việc, cơ động xử trí tình huống. Ai vào việc nấy, người xô, người bình cứu hỏa, người cầm vỉ dập lửa, người vòi nước, người cuốc, người xẻng… tỏa ra, lao đến khu vực nhà kho, nơi để vật chất của đơn vị. Các bộ phận phối hợp nhịp nhàng, chỉ trong thời gian ngắn, quân trang đã được vận chuyển ra chỗ an toàn, đám cháy tức khắc được dập tắt, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Đó là một buổi luyện tập phương án phòng, chống cháy nổ tại Ban CHQS thành phố Tam Kỳ mới đây mà chúng tôi ghi nhận được.
Thiếu tướng Cao Phi Hùng, Phó tư lệnh Quân khu 5 kiểm tra phương án phòng, chống cháy nổ tại Ban CHQS thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) |
Để bảo đảm luôn tuyệt đối an toàn trong công tác phòng, chống cháy nổ, đơn vị đã thường xuyên quản lý chặt chẽ, sử dụng an toàn các chất gây cháy, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị dụng cụ, chất sinh lửa, sinh nhiệt; bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy; thường xuyên, định kỳ kiểm tra phát hiện các sơ hở, thiếu sót về phòng cháy và có biện pháp khắc phục kịp thời. Đồng thời, chú trọng luyện tập thuần thục các phương án phòng, chống cháy nổ đã được phê duyệt. Đặc biệt, luôn quán triệt phương châm “bốn tại chỗ” trong công tác phòng chống, cháy nổ, đó là: Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ: Huy động tổng lực người, phương tiện, dụng cụ chữa cháy; Phương tiện tại chỗ: Sự chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện phục vụ cho công tác cứu người, cứu tài sản; nguồn nước và các vật liệu chữa cháy (cát, nước, bình chữa cháy, xe chữa cháy…); Vật tư và hậu cần tại chỗ: Là sự chuẩn bị sẵn sàng nguồn kinh phí; các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Định kỳ kiểm tra vật chất phòng, chống cháy nổ tại Ban CHQS thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam). |
Trung tá Trần Anh Tuấn, Phó chỉ huy trưởng - TMT Ban CHQS thành phố Tam Kỳ, cho biết: “Để chủ động không để xảy ra cháy nổ trong mùa nắng nóng, đơn vị đã thường xuyên giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ luôn nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng cháy, tuyệt đối không để xảy ra cháy do lỗi chủ quan; tổ chức canh trực 24/24 giờ hằng ngày tại cơ quan; chủ động sửa chữa, thay thế các trang thiết bị xuống cấp. Nhờ đó, đơn vị luôn bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và tài sản”.
Thiệt hại to lớn về người và tài sản trong các vụ hỏa hoạn gần đây nhất ở Bình Dương, Quảng Ngãi và Nghệ An cho thấy tầm quan trọng của công tác phòng, chống cháy nổ trong mùa nắng nóng. Để không xảy ra hậu quả đáng tiếc, cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cấp ủy, chỉ huy các cấp và ý thức trách nhiệm cao trong mỗi quân nhân. Trong đó, chú trọng lấy phòng là chính. Không để “mất bò mới lo làm chuồng”.
PHAN XUÂN ĐỊNH/qdnd.vn