Sau 3 tháng huấn luyện, những chiến sĩ mới thuộc Sư đoàn 309 (Quân đoàn 4) đã có bước trưởng thành vượt bậc. Kết quả đó có công sức không nhỏ của đội ngũ cán bộ đơn vị luôn sâu sát bám nắm và chủ động giải quyết tốt tư tưởng bộ đội tạo sự đoàn kết, thống nhất trong đơn vị.
Sau khẩu lệnh tập hợp của chỉ huy đơn vị, các chiến sĩ thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 31 (Sư đoàn 309) nhanh chóng cơ động vào đội hình, mang đeo vũ khí, trang bị gọn gàng, sẵn sàng cơ động ra bãi tập. Không còn chiến sĩ tác phong chậm như những ngày mới nhập ngũ. Ngay cả những chiến sĩ thời gian đầu có biểu hiện tư tưởng, thường xuyên bị nhắc nhở, giờ cũng nhanh nhẹn, khẩn trương, tích cực thực hiện nhiệm vụ. Trung úy Lê Văn Nhựt Đức, Chính trị viên Đại đội 5, chia sẻ: “Thời gian qua, nhiều chiến sĩ trong đơn vị đã được giáo dục, động viên, giúp đỡ tận tình bằng lời nói, hành động cụ thể; cán bộ cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ để giáo dục bộ đội tiến bộ”.
Cán bộ Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 31, Sư đoàn 309) luôn bám sát, hướng dẫn bộ đội tỉ mỉ trong huấn luyện trên bãi tập. |
Điển hình như Binh nhất Trần Minh Hiếu, chiến sĩ Đại đội 5, có hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt. Bố bỏ đi từ khi Hiếu chưa chào đời, mẹ một mình tần tảo nuôi con khôn lớn. Tốt nghiệp THPT, Hiếu nhận lệnh nhập ngũ. Thương mẹ khuya sớm một mình, mấy tuần đầu trong môi trường quân ngũ, Hiếu dao động tư tưởng. Qua tìm hiểu, nắm bắt tình hình, chỉ huy đơn vị trao đổi, phân công cán bộ kèm cặp, động viên, giúp đỡ Hiếu vượt qua khó khăn, phấn đấu học tập, công tác tốt. Người trực tiếp kèm cặp Hiếu là Chính trị viên Lê Văn Nhựt Đức. Với sự gần gũi, ân cần, anh đã kể những câu chuyện có thực về hoàn cảnh éo le của một số chiến sĩ mà mình từng quản lý, rồi định hướng tư tưởng và phối hợp với người thân của Hiếu cùng động viên, giúp Hiếu tiến bộ. Đến nay, Hiếu đã tiến bộ vượt bậc; kết quả kiểm tra chính trị, quân sự đều đạt khá, giỏi, được tập thể ghi nhận, chỉ huy đơn vị biểu dương.
Ở Đại đội 7, Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 31), chiến sĩ Phạm Tiến Nghĩa khi mới nhập ngũ suốt ngày buồn bã, không tập trung học tập, rèn luyện, bởi “nhớ vợ, thương con”. Áp lực từ cường độ học, rèn và tình cảm, trách nhiệm của trụ cột gia đình khiến Nghĩa nản chí, thoái thác nhiệm vụ. Nhưng rồi, chính sự sâu sát, ân cần, sẻ chia và tấm gương mẫu mực của chỉ huy đơn vị đã giúp Nghĩa thêm nghị lực, vượt lên chính mình. Binh nhì Phạm Tiến Nghĩa tâm sự: “Chứng kiến sự tận tụy và tinh thần hy sinh việc riêng, bám sát đơn vị mọi lúc, mọi nơi của các anh cán bộ, tôi thấy mình thật nhỏ nhoi, ích kỷ. Noi gương các anh, tôi thay đổi suy nghĩ, điều chỉnh hành vi và thấy mình “lớn” lên nhiều cả trong nhận thức và hành động”.
Sự trưởng thành của chiến sĩ Sư đoàn 309 được thể hiện rõ nét qua từng lời nói, hành động, cử chỉ, tác phong... Cùng với đó kiến thức chính trị, quân sự được nâng cao; có nhiều kỹ năng mềm trong đời sống, sinh hoạt thường ngày. Theo Đại tá Trần Lê Dũng, Chính ủy Sư đoàn 309: Đảng ủy sư đoàn xác định cán bộ là khâu then chốt quyết định kết quả quản lý, huấn luyện bộ đội. Do đó, trong nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ hằng năm, Đảng ủy sư đoàn coi trọng công tác giáo dục, xây dựng ý chí quyết tâm cho đội ngũ cán bộ đơn vị, nhất là cán bộ trực tiếp tham gia huấn luyện; tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng nắm, phân loại và giải quyết tư tưởng bộ đội; đồng thời giao nhiệm vụ cho cơ quan chính trị soạn thảo những tình huống tư tưởng chủ yếu và biện pháp xử lý thống nhất trong sư đoàn làm cẩm nang cho cán bộ vận dụng sáng tạo tại đơn vị. “Trong mọi trường hợp, cán bộ phải sâu sát, tỉ mỉ, làm mẫu, nêu gương, tận tình hướng dẫn bộ đội thực hiện nhiệm vụ để luôn kịp thời, chủ động trong mọi tình huống”, Đại tá Trần Lê Dũng nhấn mạnh.
Với đối tượng chiến sĩ mới, ngay từ khi nhập ngũ, cơ quan chính trị sư đoàn hướng dẫn các đơn vị triển khai cho bộ đội viết tâm sự tập trung vào một số nội dung như: Hoàn cảnh gia đình, nghề nghiệp trước khi nhập ngũ, mối quan hệ bạn bè, sở trường, sở đoản, sở thích, hình thức tham gia mạng xã hội, mong ước tương lai... Đây là cơ sở ban đầu giúp cán bộ phân loại, nắm tư tưởng, tình cảm, trình độ, nguyện vọng của chiến sĩ để có biện pháp định hướng, quản lý phù hợp. Đại tá Nguyễn Trọng Hường, Phó chính ủy sư đoàn chia sẻ: “Trong lễ tuyên thệ chiến sĩ mới vừa qua, do dịch Covid-19 nên gia đình chiến sĩ không lên dự được. Nhiều phụ huynh gọi điện cảm ơn chỉ huy đơn vị đã giáo dục, huấn luyện con em họ tiến bộ, trưởng thành. Đó là động lực để đội ngũ cán bộ tiếp tục bám sát đơn vị kịp thời giáo dục, quản lý, huấn luyện bộ đội ngày càng trưởng thành, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện”.
Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH - PHAN RẢNH/qdnd.vn