Tháng 6-1950, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới (chiến dịch Lê Hồng Phong II), nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, khai thông biên giới, mở đường giao thông với các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN), mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao Tư lệnh kiêm Chính ủy chiến dịch.
Thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng, Chiến dịch Biên giới diễn ra từ ngày 16-9-1950 đến ngày 14-10-1950. Thắng lợi của chiến dịch tạo ra một bước ngoặt chiến lược quan trọng, làm thay đổi cục diện của cuộc chiến tranh, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta sang một giai đoạn mới, giai đoạn ta hoàn toàn nắm quyền chủ động tiến công chiến lược, để lại nhiều bài học quý giá về lãnh đạo, chỉ đạo, nghệ thuật quân sự, trong đó vai trò quyết đoán, tư duy quân sự tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra những quyết định thay đổi lịch sử cuộc kháng chiến.
Trong Chiến dịch Biên giới, ban đầu ta chủ trương chọn cứ điểm Cao Bằng làm điểm mở màn chiến dịch, vì đây là một cứ điểm lớn của Pháp, điểm cuối đường số 4, nếu hạ được Cao Bằng, uy thế sẽ rất vang dội, kết nối giao thông với Trung Quốc, từ đây sẽ thuận tiện giao lưu các nước XHCN. Song, trên cơ sở nghiên cứu, phân tích địa hình, tình hình địch-ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận thấy, địa hình Cao Bằng hiểm trở, 3 mặt có sông bao quanh, mặt sau hiểm trở. Bản thân pháo đài Cao Bằng được xây hết sức kiên cố, địch mạnh hơn ở Đông Khê và Thất Khê, nếu có giải phóng Cao Bằng, địch ở Đông Khê, Thất Khê ít bị uy hiếp, sẽ không tăng viện và ta sẽ không thực hiện được mục tiêu chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch. Vì vậy, Đại tướng không chọn đánh Cao Bằng, mà chọn Đông Khê làm điểm mở màn chiến dịch, thực hiện “đánh điểm, diệt viện”.
Bộ đội Trung đoàn 174 đánh chiếm đồn Đông Khê trong chiến dịch Biên giới 1950. Ảnh tư liệu. |
Phương án này sau khi báo cáo lên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thông qua. Bởi vì Đông Khê là mắt xích quan trọng nối Cao Bằng với Thất Khê, tiến công Đông Khê, toàn bộ tuyến phòng ngự của địch trên đường số 4 bị chia cắt và Cao Bằng bị cô lập, địch sẽ phải tăng cường đưa quân ứng cứu Đông Khê hoặc rút quân từ Cao Bằng về để giữ Đông Khê. Địch ở Đông Khê yếu hơn so với các vị trí khác (có 2 đại đội lính lê dương, 2 trung đội ngụy, 1 trung đội pháo 105, công sự kiên cố; trong khi đó địch ở liên khu biên giới Đông Bắc có 11 tiểu đoàn và 9 đại đội bộ binh, gần 30 khẩu pháo lớn, 4 đại đội cơ giới, 4 đại đội công binh, 8 máy bay, có lực lượng dự bị cơ động chiến lược chi viện). Về ta, phù hợp với nguyên tắc bảo đảm chắc thắng trận đầu trong tác chiến chiến dịch, phù hợp với cách "đánh điểm, diệt viện" lấy tiêu diệt địch ngoài công sự là chính, thuận tiện triển khai binh hỏa lực, phù hợp với khả năng chiến đấu của bộ đội.
Chiến dịch Biên giới diễn ra từ ngày 16-9-1950 đến ngày 14-10-1950, ta đã thực hiện tốt mục tiêu chiến dịch, tiêu diệt hai binh đoàn Le Page và Charton của địch, buộc địch phải rút khỏi các cứ điểm Lộc Bình, Na Sầm, Đồng Đăng, Lạng Sơn, Đình Lập, An Châu. Đường số 4 và biên giới Việt-Trung hoàn toàn được giải phóng.
ĐÀO VĂN ĐỆ/qdnd.vn