Nữ quân nhân Việt Nam ở Nam Sudan

Thứ 7, 28.08.2021 | 08:29:36
694 lượt xem

Trở về nước được gần 4 tháng, Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương vẫn nhớ như in cảm giác khi ngồi trên xe tuần tra của Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (UNMISS) vượt qua những cung đường đất đá lổn nhổn ở Nam Sudan.

Ấn tượng “Queen Vietnam”

Tháng 11-2019, Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Phương (chị được thăng quân hàm Trung tá tháng 5-2020) lên đường làm nhiệm vụ ở Nam Sudan. Trên cương vị Quan sát viên quân sự (QSVQS), Minh Phương phải thực hiện liên tục các cuộc tuần tra ngắn bằng đường bộ, đường không trên địa bàn đảm nhiệm. Chị cũng thường xuyên phải điều đình, thương thảo với chỉ huy của cả quân chính phủ, quân đối lập hoặc các phe nhóm vũ trang tại các chốt, trạm kiểm soát nhằm thông báo sự hiện diện và các hoạt động của đoàn, bảo đảm quyền tự do đi lại cũng như an ninh, an toàn tuyệt đối cho đoàn công tác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; tiến hành các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo chính quyền, nhân dân địa phương nhằm nắm bắt tình hình an ninh, chính trị, nhân đạo. Đặc biệt, QSVQS phải đánh giá việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn giữa các phe nhóm và báo cáo về sở chỉ huy theo quy định.

“Là nữ QSVQS tuy vất vả, khó khăn hơn nam giới nhưng cũng có những lợi thế. Ví dụ, chỉ huy chốt kiểm soát ở đầu cầu Juba có thái độ không mấy thân thiện với Phái bộ UNMISS nên đôi khi họ gây khó dễ. Tuy nhiên, khi thấy tôi là nữ, họ cũng mềm mỏng hơn. Đặc biệt, khi biết tôi đến từ Việt Nam, họ rất vui, giữ tôi ở lại lâu hơn. Chỉ huy chốt kiểm soát nói rằng, họ đã biết đến Việt Nam từ cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trước đây và mong muốn Nam Sudan sớm có được hòa bình như Việt Nam”, Minh Phương chia sẻ.

Nữ quân nhân Việt Nam ở Nam Sudan
 Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Phương trong một lần đi tuần tra khi mới đến Nam Sudan. Ảnh do nhân vật cung cấp

Thường xuyên tiếp xúc, đàm phán và thương thảo ở các chốt, trạm kiểm soát, Minh Phương tạo được thiện cảm và ấn tượng sâu sắc với các chỉ huy lực lượng quân sự ở đây. Thay vì gọi tên, họ gọi cô là “Queen Vietnam”, “Miss Vietnam” vì cô là phụ nữ Việt Nam đầu tiên mà họ gặp.

Những nẻo đường tuần tra

Là QSVQS nên Minh Phương và các đồng nghiệp phải đáp ứng yêu cầu mà phái bộ đưa ra như biết lái xe tuần tra, xe bọc thép, các kỹ năng đàm phán, thương thảo, kỹ năng tiếng Anh, sử dụng máy tính thành thạo, viết báo cáo... Trong các chuyến tuần tra, ngoài nhiệm vụ là QSVQS, Minh Phương còn trao đổi, tiếp xúc với phụ nữ và trẻ em để nắm bắt thông tin cũng như tâm tư nguyện vọng của họ, tìm hiểu những vấn đề nổi cộm về nhân đạo, nhân quyền ở khu vực đó. “QSVQS giống như “tai mắt của phái bộ” vậy”, nữ sĩ quan trẻ chia sẻ.

Nhớ lại chuyến tuần tra dài ngày đầu tiên của nhiệm kỳ ở Nam Sudan, Minh Phương kể: “Khi đến Lobonok và Kapeto, tôi gặp một em gái tầm 16-18 tuổi nhưng đã là mẹ của cặp song sinh. Khi nghe nói có đoàn công tác tới, trong đó có nữ, em gái này đã bế con tới để trình bày khó khăn, nỗi khổ của mình. Nhìn hai đứa trẻ sơ sinh khóc ngặt vì đói, người mẹ lại không có sữa do thiếu ăn khiến tôi vô cùng thương xót và day dứt bởi tôi cũng là mẹ của hai con nhỏ. Đoàn công tác đã cung cấp lương thực cho người mẹ trẻ, đồng thời báo cáo tình hình của người dân khu vực này lên cấp trên”.

Nữ quân nhân Việt Nam ở Nam Sudan
 Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Phương với trẻ em trong một lần đi tuần tra khi mới đến Nam Sudan. Ảnh do nhân vật cung cấp

Trên những cung đường tuần tra, có lẽ khó khăn nhất là tham gia chuyến công tác của lực lượng biệt phái ở khu vực biên giới. Theo Minh Phương, các nữ sĩ quan ở Phòng QSVQS cơ sở có thể từ chối tham gia các chuyến tuần tra của lực lượng biệt phái đi đến biên giới hoặc các chuyến công tác mà họ cảm thấy không an toàn. Nhưng với Minh Phương, cô chưa bao giờ từ chối nhiệm vụ cấp trên giao.

Phương nhớ lại chuyến công tác biệt phái của cô tới khu vực biên giới hồi tháng 12-2019. Theo kế hoạch của Phòng QSVQS cơ sở, cô được cử đi tăng cường ở biên giới một tháng. “Khu vực lực lượng biệt phái đóng quân là tiểu bang Yei, nằm ở khu vực biên giới của Nam Sudan, giáp ranh với hai quốc gia Uganda và Cộng hòa Congo, cách thủ đô Juba 150km về phía tây nam. Đây là khu vực nguy hiểm nhất về an ninh và phức tạp về vấn đề nhân đạo tại Nam Sudan vì vẫn xảy ra các cuộc giao tranh giữa lực lượng quân chính phủ, quân đối lập và quân đội cứu nguy dân tộc. Bên cạnh đó, tiểu bang Yei cũng là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Ebola. Tuy nhiên, nhờ nắm chắc tình hình nên tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Minh Phương kể lại.

Nữ quân nhân Việt Nam ở Nam Sudan
 Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương phát quà cho trẻ em Nam Sudan. Ảnh do nhân vật cung cấp

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã kéo dài nhiệm kỳ làm QSVQS ở Phái bộ UNMISS của Minh Phương thêm 5 tháng. Vượt qua bao khó khăn, vất vả, nữ sĩ quan Việt Nam-người được ví như “bông hồng thép” giữa mảnh đất châu Phi cằn khô-đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội nhân dân Việt Nam giao phó. Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương đã được lãnh đạo lực lượng quân sự đánh giá là sĩ quan hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên tất cả các tiêu chí, được tặng thưởng Huy chương Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, bằng khen của Phó tư lệnh Lực lượng quân sự-Chỉ huy trưởng lực lượng QSVQS Phái bộ...

Chia tay mảnh đất Nam Sudan, nơi tận cùng của sự nghèo đói và bạo lực, một vùng đất khó khăn, khắc nghiệt vì bị tàn phá bởi nội chiến, Minh Phương càng thấm thía giá trị của hòa bình và ý nghĩa của sứ mệnh Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc mà cộng đồng quốc tế đang chung vai, góp sức mang lại những điều tốt đẹp nhất có thể, cho đất nước và người dân Nam Sudan.


LINH OANH/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nu-quan-nhan-viet-nam-o-nam-sudan-669538

  • Từ khóa