Thời gian qua, việc đưa cán bộ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) về cơ sở tham gia cấp ủy các xã biên giới là chủ trương đúng đắn, thiết thực, hiệu quả của Đảng, Nhà nước, quân đội và các địa phương có biên giới. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, đội ngũ cán bộ này cũng đang gặp không ít khó khăn, rào cản cần sớm được giải quyết thấu đáo.
Nỗi niềm người trong cuộc
Không phải là người địa phương, cũng chưa tốt nghiệp một trường lớp nào liên quan đến lĩnh vực hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, năm 2015, thực hiện chủ trương của BĐBP tỉnh, Thiếu tá QNCN Tô Hiến Quyên, Đồn Biên phòng Si Pa Phìn (BĐBP tỉnh Điện Biên) được tăng cường về làm Phó bí thư Đảng ủy (PBTĐU) xã Phìn Hồ (Nậm Pồ, Điện Biên), phụ trách công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Xã Phìn Hồ lúc đó có một bản người Mông theo đạo chưa có chi bộ đảng. Để đủ điều kiện thành lập chi bộ và phát triển đảng viên trong cộng đồng dân tộc Mông có đạo, anh Quyên được phân công về sinh hoạt tại bản Phìn Hồ, chỉ định giữ cương vị bí thư chi bộ bản.
Đại úy Vừ Quyền Mua, Phó bí thư Đảng ủy xã Mường Sai (Sông Mã, Sơn La) hướng dẫn đảng viên kê khai lý lịch. |
Phìn Hồ lúc bấy giờ là bản 100% người Mông theo đạo, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã (84%). Một lúc thực hiện nhiệm vụ PBTĐU xã và bí thư chi bộ bản, áp lực chuyên môn, lại không sõi tiếng Mông, đồng bào nhiều hủ tục... khiến nhiều tháng đầu anh lo lắng đến bạc cả tóc. Theo anh Quyên, một trong những tiêu chí quan trọng khi tăng cường xã đó là cán bộ phải nghe và nói được một thứ tiếng đồng bào. Cũng vì lý do này, để đưa nghị quyết chi bộ đến dân bản, mỗi lần đi tuyên truyền, phần lớn các cán bộ biên phòng làm PBTĐU xã đều cần người phiên dịch nên hiệu quả và tính thuyết phục trong tuyên truyền chưa cao. Hơn nữa, nhiệm vụ của PBTĐU xã còn thể hiện ở năng lực tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương, nhưng hầu hết cán bộ biên phòng tăng cường xã đều chưa được qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng về lĩnh vực này. Cũng vì thế mà cán bộ không dám đột phá, sợ trách nhiệm và làm việc cầm chừng.
Năm 2020, Co Đứa là bản người Mông theo đạo cuối cùng ở xã Mường Sai (Sông Mã, Sơn La) xóa được bản trắng đảng viên. Tuy nhiên, theo Đại úy Vừ Quyền Mua, cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương (BĐBP tỉnh Sơn La), PBTĐU xã Mường Sai thì nguy cơ tái bản trắng đảng viên vẫn luôn có thể xảy ra, bởi rất khó tìm nguồn kết nạp đảng viên. Cực chẳng đã, trên chiếc xe máy cà tàng, hết ngày này qua ngày khác, anh Mua về với dân bản vừa tuyên truyền vận động, vừa tìm kiếm quần chúng ưu tú để tạo nguồn kết nạp Đảng.
Cán bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên chuyện trò với dân bản Si Pa Phìn, xã Si Pha Phìn, huyện Nậm Pồ. |
Một lần theo anh Mua về bản Co Đứa trên chiếc xe máy cà tàng như con ngựa thồ bất kham, băng qua đèo dốc, gồ ghề, hun hút vực sâu, tôi thấu hiểu thêm nỗi vất vả của các cán bộ tăng cường xã. Anh Mua nặng hơn 90kg, vậy mà không ít lần người và xe ngã nhào trong bùn đất. Có hôm trời mưa, xe hết xăng, anh Mua dắt bộ cả gần chục ki-lô-mét. Khi được hỏi về nguyện vọng thì điều đầu tiên anh Mua ước mong là có một con đường cho dân bản đi lại để bớt phần vất vả. Còn về bản thân, anh Mua cho hay: Khó khăn nhất của các cán bộ biên phòng làm PBTĐU xã biên giới là địa bàn công tác gian khó, xa trung tâm nhưng chưa có chế độ nhà ở công vụ nên nhiều người phải đi thuê, đi mượn. Các anh cũng chưa có phụ cấp đặc thù, như: Phương tiện, xăng xe đi lại, điện thoại... Không chỉ riêng anh Mua mà đó còn là nỗi niềm trăn trở chung của nhiều cán bộ biên phòng tăng cường xã biên giới.
Tìm giải pháp tháo gỡ
Từ thực tiễn đòi hỏi nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở các xã biên giới nên nhu cầu cán bộ biên phòng tăng cường cho các xã biên giới ở Sơn La và Điện Biên luôn cấp thiết. Thế nhưng, do đối tượng làm nhiệm vụ này được điều động, rút ra từ tổ chức biên chế thuộc BĐBP nên các cơ quan, đơn vị phải cân đối quân số, lựa chọn cán bộ để vừa đáp ứng yêu cầu tăng cường cho địa phương, vừa phải bảo đảm không ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị.
Cán bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên tuyên truyền pháp luật cho dân bản ở huyện Mường Chà. |
Theo Đại tá Lê Đức Nghĩa, Phó chính ủy BĐBP tỉnh Điện Biên: Hiện nay, BĐBP tỉnh Điện Biên có 4 đồng chí đồn trưởng tham gia Ban chấp hành Đảng bộ 4 huyện biên giới và 29 đồng chí cán bộ đồn biên phòng tăng cường cho 29 xã biên giới được huyện ủy chỉ định giữ chức danh PBTĐU xã. Có một thực tế là nhiều cán bộ tăng cường xã biên giới không phải người địa phương, chưa thành thạo tiếng dân tộc nên đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong công tác trực tiếp tuyên truyền vận động nhân dân.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc lựa chọn, bố trí, sắp xếp, sử dụng cán bộ tăng cường xã có nơi chưa đáp ứng yêu cầu bảo đảm sự ổn định lâu dài. Có trường hợp cán bộ biên phòng vừa tham gia cấp ủy xã chưa được một nhiệm kỳ, vừa mới kịp làm quen với địa bàn thì đã luân chuyển, điều này ít nhiều gây xáo trộn công tác. Theo Thiếu tá QNCN Tô Hiến Quyên, trước đây, cán bộ biên phòng tăng cường xã như anh chỉ nằm trong Ban chấp hành mà không được tham gia Ban Thường vụ Đảng ủy xã nên quyền hạn và tiếng nói có phần hạn chế.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên tuần tra cột mốc biên giới. (Ảnh chụp trước 27-4-2021). |
Năm 2016, Tỉnh ủy Sơn La thực hiện Đề án “Bố trí chức danh cán bộ biên phòng tỉnh Sơn La tăng cường xã biên giới giai đoạn 2016-2019”. Vừa qua, Tỉnh ủy Sơn La tổng kết đề án này, ngoài những kết quả đạt được, báo cáo tổng kết cũng chỉ rõ: Công tác tổ chức, triển khai, thực hiện đề án có nội dung chưa sát với yêu cầu cũng như các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Chất lượng đội ngũ biên phòng tăng cường mặc dù được quan tâm nhưng vẫn có trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu công tác. Dẫn đến việc tham mưu cụ thể hóa các văn bản cấp trên, nghiệp vụ công tác tổ chức đảng, kiến thức khoa học, kinh tế, kỹ thuật có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu địa phương. Mà nguyên nhân chủ yếu là do công tác phối hợp giữa cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có thời điểm chưa thường xuyên, kịp thời. Cán bộ biên phòng tăng cường chưa được đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Mặt khác, cán bộ tăng cường về đảng bộ xã nhưng quân số, biên chế thuộc đồn biên phòng, do đó, công tác quản lý cán bộ, đảng viên, điều hành công việc có phần gặp khó khăn...
Để giải quyết vấn đề này, Tỉnh ủy Sơn La yêu cầu xem xét, bố trí các chức danh cán bộ BĐBP tăng cường theo nhu cầu thực tế ở từng xã. Tăng cường những cán bộ có kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, quản lý nhà nước. Phối hợp với các đơn vị thực hiện bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác cho các cán bộ tăng cường xã. Tỉnh ủy Sơn La cũng đề nghị rà soát chính sách hỗ trợ cho các cán bộ biên phòng tăng cường xã phù hợp với thực tiễn, khả năng ngân sách của tỉnh để có phương án hỗ trợ hợp lý.
Còn tại Điện Biên, BĐBP tỉnh chủ trương tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với huyện ủy các huyện biên giới triển khai thực hiện hiệu quả Quy định số 894-QĐ/TU ngày 13-7-2021 của Tỉnh ủy Điện Biên về nguyên tắc chỉ định tăng thêm nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác, chế độ, chính sách của cấp ủy viên là cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp ủy huyện, xã biên giới. Các đơn vị lựa chọn những cán bộ biên phòng thực sự có phẩm chất chính trị, có chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu phong tục, tập quán của nhân dân các dân tộc để bố trí giữ chức PBTĐU các xã biên giới. BĐBP tỉnh tiếp tục phát động phong trào học tập tiếng dân tộc địa phương; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ này để họ có thêm kiến thức, kỹ năng hoàn thành nhiệm vụ.
Trong thời gian tới, các tỉnh Sơn La và Điện Biên tổ chức, thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp giữa Đảng ủy BĐBP tỉnh với huyện ủy các huyện biên giới và giữa chi bộ, đảng bộ các đồn biên phòng với đảng ủy các xã biên giới. Thông qua việc thường xuyên trao đổi, đánh giá kết quả hoạt động của đội ngũ cán bộ tăng cường xã để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại, nâng cao hiệu quả công tác cho đội ngũ cán bộ này, góp phần xây dựng biên giới vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
PHẠM KIÊN/qdnd.vn