Phát huy giá trị truyền thống đặc trưng của người lính kỹ thuật trong điều kiện mới

Thứ 6, 10.09.2021 | 14:23:08
1,338 lượt xem

Đồng hành trong những chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam là quá trình hình thành, phát triển của công tác bảo đảm vũ khí trang bị, bảo đảm kỹ thuật.

Nhân kỷ niệm 47 năm Ngày thành lập Tổng cục Kỹ thuật (TCKT) (10-9-1974/10-9-2021), phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trò chuyện với Trung tướng Trần Duy Hưng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy TCKT xung quanh công việc của những người lính kỹ thuật trong thời gian qua.

Phóng viên (PV): Ngày 10-9-1974, TCKT ra đời đánh dấu bước phát triển quan trọng của quân đội ta và ngành Kỹ thuật quân đội. Đồng chí cho biết bối cảnh cụ thể và ý nghĩa của sự kiện này?

Phát huy giá trị truyền thống đặc trưng của người lính kỹ thuật trong điều kiện mới

Trung tướng Trần Duy Hưng trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân.

Trung tướng Trần Duy Hưng: Ngay từ những ngày đầu thành lập, trên cơ sở kế thừa sáng tạo truyền thống tự lực, tự cường của dân tộc, quân đội ta đã tạo ra những nguồn vũ khí phong phú, bảo đảm kịp thời cho các lực lượng vũ trang chiến đấu và giành chiến thắng.

Trong thời kỳ đầu cách mạng và gần hết hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chỉ đạo công tác kỹ thuật (CTKT) toàn quân khi do cơ quan chuyên ngành trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, khi do Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần) quản lý...

Đến tháng 7-1973, Hội nghị lần thứ 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) xác định cần nắm vững thời cơ chiến lược, chuẩn bị mọi mặt để thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Theo đó, các LLVT đã có bước phát triển nhanh chóng, các đơn vị chủ lực được trang bị một khối lượng lớn vũ khí trang bị hiện đại do Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ. Do đó, cần có một cơ quan chiến lược đảm trách chỉ đạo tập trung thống nhất công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật (BĐKT) và sản xuất, sửa chữa quốc phòng.

Chính vì vậy, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký Nghị định số 211/CP ngày 10-9-1974 về thành lập TCKT thuộc Bộ Quốc phòng nhằm “giúp Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chỉ đạo các công tác quản lý, trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho các LLVT, nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự và trực tiếp quản lý xí nghiệp quốc phòng”. Đây là một sự kiện rất quan trọng, mang tính lịch sử, đánh dấu bước phát triển mới về chất của quân đội ta trong việc chỉ đạo tập trung, thống nhất CTKT quân sự. Và ngày 10-9 hằng năm trở thành ngày truyền thống của những người lính kỹ thuật.

Sau khi được thành lập, TCKT đã thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về CTKT quân sự, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tham gia bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế. Ngày nay, TCKT góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, với nhiều lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.

Phát huy giá trị truyền thống đặc trưng của người lính kỹ thuật trong điều kiện mới

TCKT thường xuyên tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà các đối tượng chính sách trên các địa bàn các đơn vị đóng quân. Ảnh: THANH LIÊN.

PV: Chúng tôi từng đi thực tế ở nhiều đơn vị cơ sở của TCKT, đóng quân ở nhiều vùng, miền khác nhau với công tác rất đặc thù. Vì vậy để khái quát về những người lính kỹ thuật thì đó sẽ là gì, thưa đồng chí Chính ủy?

Trung tướng Trần Duy Hưng: Theo tôi, câu khái quát nhất về người lính kỹ thuật, cũng chính là truyền thống của TCKT, của ngành Kỹ thuật quân đội là: “Chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường”.

Trong những giai đoạn điều kiện đất nước còn khó khăn, vấn đề đặt ra đối với quân đội nói chung, với ngành Kỹ thuật nói riêng là phải làm chủ, giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm, cùng với đó là đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.

Đây là vấn đề then chốt để nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) hiện có, vừa nâng cao khả năng làm chủ VKTBKT mới, hiện đại, đồng thời chủ động sản xuất VKTBKT tự bảo đảm cho quân đội. Điều đó đòi hỏi ở người lính kỹ thuật tính kiên trì, nghiêm túc, đặc biệt tính sáng tạo cao.

Người lính kỹ thuật phải luôn xác định: Làm thế nào để duy trì hệ số kỹ thuật, kéo dài tuổi thọ, làm cho VKTBKT luôn ở tình trạng kỹ thuật tốt nhất trong khả năng có thể. Đồng thời chủ động tiếp cận công nghệ mới, nhanh chóng thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là trong lĩnh vực quản lý khai thác, sản xuất, cải tiến, hiện đại hóa VKTBKT. Những điều này cũng đặt ra đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật phải thường xuyên trăn trở, tìm tòi sáng tạo và lao động khoa học công phu, nghiêm túc mới có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Phát huy giá trị truyền thống đặc trưng của người lính kỹ thuật trong điều kiện mới

Trung tướng Trần Duy Hưng thăm, kiểm tra huấn luyện giai đoạn 1 của Đội tuyển Thợ Quân khí giỏi tham dự Army Games 2021. Ảnh: ĐÌNH DUY.

PV: Vậy truyền thống ấy, phẩm chất ấy đã được thể hiện và phát huy như thế nào trong những năm qua, thưa đồng chí?

 Trung tướng Trần Duy Hưng: Như các đồng chí đã biết, nội dung giá trị truyền thống đặc trưng, bản chất sâu sắc nhất của TCKT được hình thành, củng cố và phát triển qua những năm tháng hy sinh, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ CTKT quân sự mà Đảng, Nhà nước và quân đội giao.

Giá trị truyền thống đó được thể hiện thông qua việc quán triệt, thực hiện và có sự vận dụng, phát triển sáng tạo đường lối quân sự, đặc biệt là quan điểm đường lối khoa học, kỹ thuật quân sự của Đảng ta, của Quân ủy Trung ương trong từng giai đoạn lịch sử. Nhất là trong thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc trước đây và thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại ngày nay.

Thời gian qua, lãnh đạo, chỉ huy TCKT luôn chủ động, sáng tạo để đề ra những nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động CTKT sát, đúng; biết vận dụng sáng tạo những thành tựu khoa học, nhất là khoa học kỹ thuật quân sự để phục vụ công tác bảo đảm VKTBKT cho chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời, tham mưu cho Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng xây dựng ngành kỹ thuật, hệ thống cơ quan, cơ sở kỹ thuật toàn quân làm nhiệm vụ bảo đảm VKTBKT và thực hiện CTKT phù hợp với tổ chức, biên chế của quân đội ta.

Đến nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị kỹ thuật trong toàn quân đã ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đăng ký, quản lý, thống kê các loại VKTB và tình trạng kỹ thuật của các loại VKTB: Thực hiện chính quy hoá, chuẩn hoá mẫu biểu trong quản lý kỹ thuật bằng chương trình ứng dụng phần mềm (chương trình quản lý đạn, quản lý vật tư, quản lý quân số, quản lý thực lực xe, chuẩn hoá thông tin ngành Xe-Máy...).

Trong công tác sửa chữa VKTB, hầu hết các xí nghiệp, nhà máy khối BĐKT có đầy đủ quy trình công nghệ sửa chữa VKTB và sản xuất VTKT, từng bước được đầu tư công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa VKTB.

Phát huy giá trị truyền thống đặc trưng của người lính kỹ thuật trong điều kiện mới

Thiếu tướng Trần Minh Đức, Chủ nhiệm TCKT và Trung tướng Trần Duy Hưng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy TCKT trao Bằng khen tặng các tập thể có thành tích xuất sắc trong tổ chức tập huấn công tác Tham mưu kỹ thuật năm 2021. Ảnh: ĐÌNH DUY.

Tư duy chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường của cán bộ, nhân viên TCKT đã được chứng minh bằng những giải pháp CTKT có tính độc lập, không phụ thuộc, luôn sáng tạo vượt qua mọi khó khăn gian khổ, theo sát bộ đội, thực hiện phương châm “Kỹ thuật phục vụ chiến thuật" để hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm VKTBKT cho huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ đột xuất khác; thực hiện “đi trước, về sau" trong mỗi nhiệm vụ (đi trước để chuẩn bị nơi tập kết bảo đảm vũ khí đạn dược, về sau để thực hiện thu gom, sửa chữa VKTB phục vụ cho nhiệm vụ tiếp theo của các đơn vị); luôn thể hiện rõ bản lĩnh người quân nhân cách mạng, năng lực phẩm chất của người cán bộ, nhân viên kỹ thuật, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, không trông chờ, ỷ lại, không ngại khó, ngại khổ trong thực hiện nhiệm vụ được giao, trong mọi tình huống, từng thời điểm cách mạng.

Phát huy giá trị truyền thống đặc trưng của người lính kỹ thuật trong điều kiện mới

Trung tướng Trần Duy Hưng thăm hỏi, động viên chiến sĩ mới. Ảnh: ĐÌNH DUY.

Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát tại các tỉnh phía Nam, TCKT đã tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch với trách nhiệm, quyết tâm cao. Trong đó, Tổng cục đã cấp phát xe cứu thương, vật tư BĐKT và trực tiếp chỉ đạo BĐKT cho hàng ngàn xe ô tô vận chuyển vaccine, bệnh nhân; cơ động lực lượng, phun khử khuẩn các khu vực, các địa phương có dịch bệnh.

Cán bộ, chiến sĩ đã soạn hàng ngàn tin nhắn ủng hộ Quỹ vaccine; tự nguyện hiến gần 2.000 đơn vị máu, tặng hàng ngàn suất quà với tổng số tiền gần 1,4 tỷ đồng giúp đỡ nhân dân các địa phương vượt qua khó khăn, đẩy lùi dịch bệnh.

PV: Trong cuộc làm việc với TCKT tháng 2-2021, Thượng tướng Phan Văn Giang (nay là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) lưu ý và giao nhiệm vụ cho TCKT: Cần chủ động tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và chỉ đạo các đơn vị kỹ thuật trong toàn quân triển khai công tác kỹ thuật trong điều kiện dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp; bảo đảm số lượng, chất lượng vũ khí trang bị kỹ thuật cho các nhiệm vụ; tập trung bảo đảm kỹ thuật đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh và chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành kỹ thuật theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI TCKT đã triển khai thực hiện chỉ đạo này của đồng chí Bộ trưởng như thế nào, thưa đồng chí?

Trung tướng Trần Duy Hưng: Trước hết phải cảm ơn đồng chí vì câu hỏi rất thời sự này. Ngay sau cuộc làm việc đó, Thường vụ-Đảng ủy TCKT đã tổ chức quán triệt, triển khai nhiệm vụ đến tất cả các cơ quan, đơn vị trong TCKT và ngành Kỹ thuật toàn quân, đặt mục tiêu hoàn thành toàn diện các mặt công tác, bảo đảm an toàn.

Đặc biệt làm tốt công tác tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về định hướng phát triển ngành Kỹ thuật toàn quân và xây dựng các đề án chiến lược nâng cao chất lượng CTKT, tăng cường tiềm lực kỹ thuật quân đội; đảm bảo đầy đủ, kịp thời chất lượng, đồng bộ VKTBKT cho các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, phục vụ BĐKT cho các ngày lễ lớn, đại hội Đảng các cấp, tham gia hội thao quốc tế và phòng, chống dịch Covid-19, cứu hộ, cứu nạn...

Phát huy giá trị truyền thống đặc trưng của người lính kỹ thuật trong điều kiện mới

Lãnh đạo, chỉ huy TCKT khen thưởng các thí sinh xuất sắc tại Hội thi Cán bộ Đoàn giỏi cấp Tổng cục năm 2021. Ảnh: ĐÌNH DUY.

Bên cạnh đó, TCKT đang đẩy mạnh và nâng cao chất lượng thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn tiết kiệm và an toàn giao thông” trong toàn quân, kết hợp với đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật; coi trọng xây dựng, phát triển, huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật, kiện toàn tổ chức lực lượng ngành Kỹ thuật ở cả 3 cấp để bảo đản “tinh, gọn, mạnh, thống nhất và đồng bộ”, phù hợp với quy hoạch tổ chức quân đội, ưu tiên các lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.

Hiện nay, TCKT đang tổng hợp, nghiên cứu để sang năm 2022, sau khi tổng kết thực hiện Nghị quyết số 382 ngày 29-11-2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về lãnh đạo CTKT trong tình hình mới, sẽ tiếp tục đề xuất nội dung, giải pháp đổi mới toàn diện, nâng cao hiệu quả CTKT trong giai đoạn mới, phù hợp với mục tiêu, lộ trình hiện đại hóa quân đội.

 PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!


SONG THANH/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/phat-huy-gia-tri-truyen-thong-dac-trung-cua-nguoi-linh-ky-thuat-trong-dieu-kien-moi-670696

  • Từ khóa