Ngày 29-9 đã diễn ra Hội thảo Phụ nữ, Hòa bình và An ninh do Việt Nam và Nhật Bản chủ trì trong khuôn khổ hợp tác Nhóm chuyên gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) về Gìn giữ hòa bình (EWG PKO) chu kỳ 4 (2021-2023), được tổ chức theo hình thức trực tuyến
Với chủ đề “Sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động Gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ), những thành tích đạt được và thách thức”, Hội thảo là dịp để các đại biểu của Việt Nam, Nhật Bản và các nước ADMM+ thảo luận, trao đổi kinh nghiệm nhằm thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong hoạt động GGHB LHQ, qua đó tăng cường hợp tác trong lĩnh vực GGHB nói chung.
Hội thảo do bà Tomoko Matsuzawa, Trưởng Ban Hợp tác quốc phòng khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, Phòng Chính sách quốc tế, Cục Chính sách quốc phòng (Bộ Quốc phòng Nhật Bản) - Trưởng nhóm EWG PKO Nhật Bản và Đại tá Mạc Đức Trọng, Phó cục trưởng Cục GGHB Việt Nam, Trưởng Nhóm EWG PKO Việt Nam, đồng chủ trì.
Quang cảnh Hội thảo trực tuyến có chủ đề “Sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động Gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ), những thành tích đạt được và thách thức”. |
Từng có nhiều kinh nghiệm trong tham gia hoạt động GGHB LHQ, bà Tomoko Matsuzawa đã có bài phát biểu mang tính thực tiễn cao, tạo nguồn cảm hứng cho nữ giới trong tham gia sứ mệnh này. Trong đó, bà chia sẻ nhiều kinh nghiệm hữu ích đúc rút từ bản thân trong các vấn đề như bình đẳng giới, chống lạm dụng… Theo bà, phụ nữ hoàn toàn có thể tham gia tất cả các nhiệm vụ trong hoạt động GGHB LHQ, đặc biệt là các hoạt động liên quan tới lĩnh vực quân sự dưới nhiều hình thức khác nhau. Cũng như nam giới, họ có thể đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau, trong những điều kiện khó khăn như nhau. Tuy nhiên, họ phải vượt qua những khó khăn nhiều hơn như ngoại ngữ, thể lực, định kiến xã hội và gia đình.
Đại tá Mạc Đức Trọng nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ nữ trong hoạt động GGHB LHQ, nhất là các hoạt động quân-dân sự (CIMIC) trong giải quyết xung đột. Tuy nhiên, việc gia tăng tỷ lệ nữ tham gia hoạt động GGHB LHQ luôn gặp nhiều khó khăn; khẳng định Chính phủ Việt Nam và Bộ Quốc phòng Việt Nam luôn quan tâm gia tăng sự tham gia của nữ giới trong lực lượng GGHB, đáp ứng yêu cầu của LHQ cũng như mục tiêu về bình đẳng giới.
Theo Đại tá Mạc Đức Trọng, hội thảo là hoạt động thiết thực đầu tiên trên cương vị Đồng chủ trì Chu kỳ 4 Nhóm chuyên gia GGHB (2021-2023) trong khuôn khổ ADMM+ của Việt Nam và Nhật Bản; mong muốn Chu kỳ 4 sẽ có thêm nhiều hoạt động ý nghĩa hơn nữa trong tương lai.
Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương, nữ Quan sát viên quân sự đầu tiên của Việt Nam từng công tác tại Phái bộ GGHB LHQ ở Nam Sudan bày tỏ niềm tự hào vì phụ nữ đóng vai trò ngày càng nổi bật trong hoạt động GGHB LHQ. Trong phần hỏi, đáp, nữ Quan sát viên quân sự đầu tiên của Việt Nam đề nghị bà Tomoko Matsuzawa chia sẻ kinh nghiệm để gia tăng hơn nữa vai trò cũng như sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động này. Theo bà Tomoko Matsuzawa, cần phải tạo được một mạng lưới kết nối tất cả phụ nữ tham gia hoạt động GGHB LHQ, thông qua đó họ có thể chia sẻ nhiều kinh nghiệm hữu ích giúp thực thi sứ mệnh hiệu quả hơn.
Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương, nữ Quan sát viên quân sự đầu tiên của Việt Nam từng công tác tại Phái bộ GGHB LHQ ở Nam Sudan (ngoài cùng, bên trái) trao đổi tại Hội thảo. |
Những thông tin, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo đã góp phần nâng cao năng lực, kinh nghiệm và những kiến thức hữu ích cho các quân nhân Việt Nam nói chung và nữ quân nhân nói riêng khi tham gia hoạt động GGHB LHQ theo hình thức cá nhân và đội hình đơn vị.
Các đại biểu tham gia Hội thảo trực tuyến tại các điểm cầu khác nhau. |
Nền tảng Phụ nữ, Hòa bình và An ninh là sáng kiến của Việt Nam và Nhật Bản, trên cương vị là các Đồng chủ trì Chu kỳ 4 Nhóm chuyên gia GGHB trong khuôn khổ ADMM+, được đề xuất và nhận được sự ủng hộ của các nước ADMM+ trong khuôn khổ kỳ họp thứ 14 EWG PKO diễn ra tại Việt Nam vào ngày 6-4-2021.
Việc thành lập nền tảng nhằm tạo ra một diễn đàn đa phương, trong đó Việt Nam và Nhật Bản nhận trách nhiệm đầu mối liên lạc để kết nối, chia sẻ những kinh nghiệm và bài học thực tiễn có giá trị về các vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh trong hoạt động GGHB LHQ; từ đó, cho phép các quốc gia thành viên nâng cao kiến thức và hiểu biết về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh.
Hoạt động của Nền tảng Phụ nữ, Hòa bình và An ninh hứa hẹn sẽ góp phần cung cấp những kiến thức bổ ích để giúp cho cuộc Diễn tập thực địa GGHB (FTX) của Chu kỳ 4 Nhóm chuyên gia GGHB trong khuôn khổ ADMM+ dự kiến được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2023, trở nên thực tế hơn và hữu ích hơn nhờ vào sự kết hợp kinh nghiệm về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh của các quốc gia thành viên.
MỸ HẠNH/qdnd.vn