Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, sự cần thiết cũng như mục tiêu của kế hoạch hành động này là gì?

Trung tướng, GS, TS Trần Hữu Phúc: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) tác động mạnh đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có quân đội và nhà trường quân đội (NTQĐ). Sau khi có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 737/QĐ-BQP (gọi tắt là Quyết định 737) triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0. Thực hiện chỉ đạo của trên, Cục Nhà trường tổ chức hội thảo quốc tế và trong nước về “CMCN 4.0 và những vấn đề đặt ra với hệ thống NTQĐ”; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu cho thủ trưởng cấp trên ra quyết định phê duyệt kế hoạch hành động triển khai thực hiện trong hệ thống NTQĐ.
 

Trung tướng, GS, TS Trần Hữu Phúc.


Mục đích của kế hoạch nhằm quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 737 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gắn với tiếp tục triển khai, thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW, Nghị quyết số 86/NQ-ĐUQSTW và Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong quân đội giai đoạn 2011-2020. Qua đó, đề xuất những giải pháp để chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của CMCN 4.0 đối với giáo dục, đào tạo và đầu tư trang thiết bị, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của hệ thống NTQĐ.
 

PV: Những nội dung trọng tâm của kế hoạch là gì, thưa đồng chí?

Trung tướng, GS, TS Trần Hữu Phúc: Kế hoạch hành động hướng vào việc: Nâng cao nhận thức của lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, nhà trường về cuộc CMCN 4.0; tăng cường hội nhập quốc tế và thông tin, truyền thông, tạo hiểu biết đúng về bản chất, đặc trưng, các cơ hội và thách thức của CMCN 4.0 để có cách tiếp cận, giải pháp phù hợp, hiệu quả. Nâng cao chất lượng đào tạo của các NTQĐ, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho quân đội. Đổi mới quy trình, nội dung, chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; trong đó chú trọng nghiên cứu, xây dựng mới một số chương trình đào tạo đối với các chuyên ngành đặc thù, lĩnh vực mũi nhọn mà quân đội có thế mạnh. Từng bước tin học hóa, tích hợp hóa, hiện đại hóa công tác quản lý và đào tạo của các NTQĐ; ưu tiên ứng dụng công nghệ mô phỏng phục vụ huấn luyện, đào tạo và tập trung xây dựng, triển khai mô hình “Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc CMCN 4.0”. Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học trong hệ thống NTQĐ. Chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống NTQĐ, thí điểm triển khai chương trình bồi dưỡng ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế cho sĩ quan cấp phân đội tạo nguồn cử đi học nước ngoài và đào tạo sau đại học...
 

PV: Trong kế hoạch có đặt ra yêu cầu về bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho quân đội, đồng chí có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Trung tướng, GS, TS Trần Hữu Phúc: Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, kế hoạch xác định rõ việc thí điểm đào tạo mũi nhọn: Tài năng quân sự; chuyên gia giỏi một số chuyên ngành, như: Công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh hệ thống thông tin, tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng, tự động hóa, công nghệ vật liệu mới… Về việc này, Bộ Quốc phòng giao Học viện Kỹ thuật Quân sự và Trường Sĩ quan Thông tin làm nòng cốt để triển khai tiếp cận cuộc CMCN 4.0 trong hệ thống NTQĐ, với yêu cầu phải xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh đạt trình độ khu vực, quốc tế và xây dựng thí điểm một số chương trình đào tạo chất lượng cao thuộc một số lĩnh vực kỹ thuật quân sự mũi nhọn.
 

Giờ thực hành trên thiết bị mô phỏng của học viên Học viện Phòng không-Không quân. Ảnh: SƠN HÀ       


PV: 
Theo đồng chí, để nâng cao năng lực tiếp cận cuộc CMCN4.0, thực hiện tốt kế hoạch thì cần phải chú trọng những giải pháp gì?

Trung tướng GS, TS Trần Hữu Phúc: Để thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ trên, kế hoạch xác định các nội dung, biện pháp đồng bộ, trong đó nhấn mạnh đến việc tiếp tục đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo xây dựng dự án trang bị cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục, đào tạo với phương châm: Nhà trường đi trước một bước, nhưng phải khai thác và kế thừa những trang bị đã có, bảo đảm tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, có bước đi phù hợp với sự phát triển của trang thiết bị, vũ khí trong toàn quân và nền kinh tế chung của đất nước. Ưu tiên xây dựng, triển khai mô hình “Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc CMCN 4.0”.
 

Điều đặc biệt quan trọng là chúng ta cần thấy được hết những tác động của CMCN 4.0 cả mặt tích cực và hạn chế; nâng cao năng lực tiếp cận, tận dụng cơ hội, thành quả của khoa học kỹ thuật, công nghệ phục vụ cho nhiệm vụ giáo dục, đào tạo sát với yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội trong tình hình mới. Nhiều nội dung mới, yêu cầu mới đặt ra, đòi hỏi các trường phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, chú trọng chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm.
 

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!