Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” là chủ trương sáng tạo, thiết thực của lực lượng Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam nhằm xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận an ninh nhân dân trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” là chủ trương sáng tạo, thiết thực của lực lượng Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam nhằm xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận an ninh nhân dân trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
“Kéo” đảo về gần bờ
Những ngày cuối năm Kỷ Hợi, chúng tôi cùng đoàn công tác của Bộ tư lệnh (BTL) Vùng CSB 1, BTL CSB Việt Nam đến với nhân đân huyện đảo Bạch Long Vĩ tổ chức hoạt động “Tết hải đảo” (hoạt động nằm trong Chương trình “CSB đồng hành với ngư dân”) tại đây. "Thực mục sở thị" mới thấy tính thiết thực và hiệu quả của Chương trình “CSB đồng hành với ngư dân” do lực lượng CSB đang thực hiện. Điều đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận được chính là sự gắn kết, yêu quý của người dân nơi đây dành cho cán bộ, chiến sĩ CSB. Ngay từ chiều, khi nghe tin có lực lượng CSB ra biểu diễn văn nghệ, cả huyện đảo đã xôn xao, các gia đình náo nức chuẩn bị, ăn uống từ sớm để kịp đến xem chương trình. Đêm giao lưu văn nghệ do BTL Vùng CSB 1 phối hợp với địa phương tổ chức tại sân Nhà văn hóa huyện đảo Bạch Long Vĩ diễn ra trong không khí vui tươi, ấm áp tình quân dân. Sau mỗi tiết mục, từng tràng pháo tay dài cổ vũ của bà con càng làm cho các ca sĩ, nghệ sĩ nghiệp dư trên sân khấu biểu diễn thêm hưng phấn...
Trong hai ngày đoàn ra đảo, ngoài đêm văn nghệ để lại ấn tượng đặc biệt, các hoạt động khác, như: Thăm hỏi, chúc tết, tặng quà cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị LLVT, gia đình người có công, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; dọn vệ sinh môi trường; tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, tặng cờ Tổ quốc, tặng quà ngư dân tại âu tàu Bạch Long Vĩ... cũng được người dân hưởng ứng nhiệt tình.
Từ thực tiễn khảo sát tại các xã, huyện, đảo có hậu cần nghề cá, năm 2017 BTL CSB đã xây dựng mô hình “CSB đồng hành với ngư dân” và chỉ đạo BTL các vùng CSB triển khai hoạt động đồng loạt. Thực tế qua hơn hai năm triển khai, mô hình “CSB đồng hành với ngư dân” thu được những kết quả đáng khích lệ. Theo báo cáo tại Hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm hai năm thực hiện, mô hình “CSB đồng hành với ngư dân” được triển khai tại 8 hải đội và 13 xã, huyện đảo thuộc 11 tỉnh, thành phố ven biển. Trong đó, tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho hơn 10.000 lượt cán bộ, ngư dân; tổ chức Cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương” tại các trường THCS của các xã, huyện đảo với hơn 6.500 thầy, cô giáo, học sinh tham gia; cấp phát hàng chục nghìn tờ rơi; hơn 1.000 sổ tay pháp luật cho ngư dân, nhằm tuyên truyền, nâng cao kiến thức về biển, đảo, về Luật Biển Việt Nam, luật biển của các nước có vùng chồng lấn, vùng biển giáp ranh để ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép. Lực lượng CSB đã đóng góp hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới tại 13 xã, huyện đảo; huy động hơn 60 tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ, tài trợ: Thăm, tặng quà gần 1.600 gia đình người có công, ngư dân nghèo; trao nhà tình nghĩa tặng gia đình người có công có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; nhận đỡ đầu, trao xe đạp, học bổng tặng hàng trăm học sinh nghèo vượt khó, khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn lượt ngư dân...
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phó chính ủy BTL CSB cho biết: “Xác định đây là mô hình đặc trưng của lực lượng CSB Việt Nam, hai năm qua, chương trình đã mang lại kết quả rất đáng ghi nhận. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân ở các xã, huyện đảo, các huyện ven biển nắm được đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, hiểu rõ hơn về Luật Biển Việt Nam, nâng cao ý thức trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Cùng với đó, mô hình này cũng góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới ở các xã, huyện đảo. Trong hai năm qua, BTL CSB đã vận động được gần 10 tỷ đồng từ các doanh nghiệp để hỗ trợ ngư dân các xã, huyện đảo khó khăn, xây dựng công trình dân sinh, tổ chức hoạt động văn hóa-văn nghệ, vệ sinh môi trường, hỗ trợ xây dựng cấp ủy, chính quyền địa phương các xã, huyện đảo ngày càng vững mạnh... Những việc làm đó góp phần tăng cường tình đoàn kết gắn bó quân dân, làm cho hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ nói chung và hình ảnh chiến sĩ CSB nói riêng thêm gần gũi, được nhân dân tin yêu, khiến ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển”.
Sau hai năm triển khai, mô hình đã được các cơ quan chức năng Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy chính quyền các địa phương và nhân dân đánh giá cao. Từ thành công ban đầu, BTL CSB đã báo cáo Bộ Quốc phòng và nâng từ mô hình lên thành Chương trình “CSB đồng hành với ngư dân”, tăng cường các hoạt động tích cực hiệu quả hơn nữa. Tính đến cuối năm 2019, BTL CSB đã ký kết chương trình với 11 tỉnh, thành phố có đường ven biển để triển khai thực hiện. Dự kiến, năm 2020 sẽ tiếp tục đẩy mạnh ký kết với 12 tỉnh, thành phố.
Bên cạnh những mặt đã làm tốt, Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết cũng bày tỏ tâm tư: Qua hai năm thực hiện, khó khăn nhất là chương trình này được triển khai ở các xã, huyện đảo còn rất khó khăn về kinh tế, hiểu biết pháp luật của nhân dân còn hạn chế, phương tiện đi lại với đất liền còn nhiều bất tiện. Vì thế, yêu cầu đặt ra cho lực lượng CSB là phải tìm được các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng để bảo đảm cho các hoạt động đạt được hiệu quả thực chất, góp phần “kéo” đảo vào gần bờ, để người dân trên các đảo yên tâm sinh sống, gắn bó, xây dựng, bảo vệ đảo.
https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/hieu-qua-kep-tu-chuong-trinh-canh-sat-bien-dong-hanh-voi-ngu-dan-607499
Theo QĐND.VN