Trước yêu cầu về thiết bị hỗ trợ và nâng cao an toàn cho cán bộ, chiến sĩ trong nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật nổ và phục vụ công tác chống khủng bố, nhóm nghiên cứu gồm: Thiếu tá, TS Tô Đức Thọ, Phó trưởng phòng Quân khí, Cục Kỹ thuật; Thượng úy, ThS Phan Văn Quang, Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, Binh chủng Công binh và Thiếu tá, TS Nguyễn Việt Phương, Viện Tên lửa đã nghiên cứu, thiết kế, Viện Khoa học công nghệ Quân sự chế tạo thành công tay gắp vật nổ TG-01.
Thiết bị đặc biệt này giúp cán bộ, chiến sĩ, kỹ thuật viên có thể xử lý, di chuyển vật thể nghi vấn là bom mìn, vật liệu nổ mà không cần phải tiếp cận, giảm nguy cơ bị thương vong do sức công phá do chúng gây ra.
Giới thiệu về tay gắp vật nổ TG-01, Thiếu tá, TS Tô Đức Thọ cho biết, khi vụ nổ xảy ra, thông thường các yếu tố gây nguy hại đến con người chính là sóng xung kích và mảnh văng. Các vật nổ nguy hiểm luôn tiềm ẩn các yếu tố này. Việc xử lý chúng không phải bằng cách tiếp cận gần sẽ nâng cao hệ số an toàn, tăng khả năng sống cho người chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ. Tay gắp vật nổ là thiết bị rất quan trọng và không thể thiếu được đối với người chiến sĩ trong việc xử lý, thu gom vật nổ nguy hiểm trong nhiều tình huống. Bên cạnh đó, thiết bị đặc biệt này cũng rất phù hợp trong các nhiệm vụ chống khủng bố với khả năng cơ động và tiện dụng trong môi trường chật hẹp, nhiều vật cản.
Tay gắp TG-01 do Binh chủng Công binh nghiên cứu chế tạo.
Nhóm nghiên cứu cho biết thêm, ý tưởng nền của sáng kiến tay gắp TG-01 chính là dựa trên thiết bị tay gắp MBS 2.3 hiện có, kết hợp với việc khắc phục những vấn đề kỹ thuật còn tồn tại để nâng cao hiệu quả xử lý bom mìn, vật nổ và bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện thao tác kỹ thuật.
Thiếu tá, TS Tô Đức Thọ đánh giá, tay gắp MBS 2.3 dù đã chứng minh hiệu quả với kết cấu mô-đun, khả năng thao tác trong nhiều điều kiện phức tạp xử lý bom mìn, vật liệu nổ. Tuy nhiên, thiết bị này vẫn tồn tại nhiều hạn chế của bộ phận tay kẹp dị vật không chặt, thiết bị giữ sử dụng động cơ điện hao pin nhanh và khá nặng nề. Với thể trạng của người Việt Nam, việc sử dụng tay gắp MBS 2.3 gặp nhiều khó khăn, nhất là khi phải thao tác với các loại bom mìn nhỏ, nhạy nổ như: Bom bi quả ổi, bom bi quả cam, bom bi quả dứa, các vật nổ có khối lượng lên tới 4kg... Tay gắp TG-01 khắc phục được gần như hoàn toàn các vấn đề trên. Nhờ thiết kế hoàn thiện hơn, sử dụng vật liệu chế tạo mới từ sợi các-bon giúp tay gắp TG-01 hoạt động ở khoảng cách tối đa là 5m, dài hơn gần 2m so với MBS 2.3, nhưng vẫn bảo đảm khả năng nâng được các vật nổ nặng lên tới 5kg.
Thiếu tá, TS Tô Đức Thọ và Thượng úy, ThS Phan Văn Quang kiểm tra cơ cấu gắp vật nổ TG-01. |
TS Tô Đức Thọ kiểm tra hoạt động của tay gắp. |
Tay gắp TG-01 được cấu tạo từ 4 bộ phận chính: Hộp điều khiển với cơ cấu điều khiển ngàm kẹp; các thanh nối làm từ hợp kim nhôm và sợi các-bon có độ bền cao; quả đối trọng giúp cân bằng tay gắp khi xử lý các dị vật ở khoảng cách xa và ngàm kẹp bằng hợp kim nhôm chắc khỏe, có cơ chế tự khóa để tránh làm rơi dị vật. Tất cả phụ tùng, trang bị cấu thành lên tay gắp TG-01 đều là các loại dễ dàng tìm kiếm trên thị trường và hoàn toàn có sẵn trong nước; thiết kế, chế tạo đơn giản với chi phí rẻ. So với thiết bị cùng loại có tính năng tương đương, giá bộ tay gắp TG-01 có giá thành chỉ bằng 14 đến 15 % so với sản phẩm ngoại nhập. Tay gắp TG-01 hiện đang được trang bị cho lực lượng chức năng tại Trung tâm Công nghệ Xử lý bom mìn, tham gia nhiều nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu và nhận được nhiều phản hồi rất tích cực từ thủ trưởng các cấp và cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Trong tương lai gần, nhóm nghiên cứu Thiếu tá, TS Tô Đức Thọ, Thượng úy, ThS Phan Văn Quang, Thiếu tá, TS Nguyễn Việt Phương mong được tiếp tục phát triển nghiên cứu và hoàn thiện tay gắp TG-01 phát triển thêm các tính năng để cho ra đời những sản phẩm hiệu quả hơn.
Theo qdnd.vn