Giải pháp xây dựng nguồn nhân lực số trong Quân đội

Thứ 7, 09.12.2023 | 08:50:29
780 lượt xem

Thực hiện chủ trương, định hướng chiến lược của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số. Tuy nhiên, tốc độ chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Một trong những nguyên nhân chính là nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số còn thiếu về số lượng và hạn chế về chuyên môn.

Thiếu hụt nguồn nhân lực

Tại cuộc họp mới đây về triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã nhấn mạnh: Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng nhằm đưa các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, chỉ huy, điều hành lên môi trường số trên cơ sở tái cấu trúc, tối ưu hóa các quy trình và sử dụng công nghệ số, dữ liệu số. Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực quân sự, quốc phòng; nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, ngày càng thông minh, hiện đại ra đời, làm thay đổi phương thức tác chiến và xuất hiện các hình thái tác chiến mới. Trong bối cảnh đó, thực hiện chuyển đổi số, ra quyết định trên dữ liệu số là vấn đề cấp thiết để Quân đội tác chiến theo hướng nhanh hơn, cơ động hơn, chính xác hơn.

Nhờ triển khai quyết liệt công tác chuyển đổi số, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế, tốc độ chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng chưa đáp ứng mục tiêu, kế hoạch đặt ra. Theo Thiếu tướng Nguyễn Tùng Hưng, Phó tư lệnh Bộ tư lệnh 86, để thực hiện chuyển đổi số cần những yếu tố cơ bản, đó là con người, thể chế (quy định pháp lý) và hạ tầng, công nghệ, trong đó con người là yếu tố quyết định.

Tuy vậy, lực lượng chuyên trách về công nghệ thông tin (CNTT) hiện nay, toàn quân mới đáp ứng được khoảng 76% nhu cầu, đặc biệt thiếu hụt nhu cầu về nguồn nhân lực trong các lĩnh vực CNTT, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo. Đối với lực lượng kiêm nhiệm, mới có 48% là đúng chuyên ngành CNTT, còn lại là chuyên ngành khác. Theo khảo sát của Bộ tư lệnh 86, đối với các đồng chí trợ lý thông tin ở các đơn vị phải thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc: Bảo đảm an toàn thông tin, bảo đảm kỹ thuật thông tin, phát triển phần mềm, triển khai thực hiện nhiệm vụ về chuyển đổi số, cùng nhiều nhiệm vụ quân sự, quốc phòng thường xuyên khác của đơn vị.

Giải pháp xây dựng nguồn nhân lực số trong Quân đội

Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và các đại biểu tham quan lớp đào tạo nhân lực tại Học viện Viettel. Ảnh: NGUYÊN HẢI

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số Bộ Quốc phòng, thời gian qua, Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng về chuyển đổi số cho các đối tượng. Tuy nhiên, chưa tổ chức tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ là lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng để bổ sung, trang bị kiến thức mới phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành thúc đẩy chuyển đổi số tại các đơn vị; công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyển đổi số cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm toàn quân chưa đồng đều và thường xuyên. Hiện nay, tại một số học viện, nhà trường chuyên đào tạo CNTT, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực số trong Quân đội còn có những khó khăn nhất định; chương trình đào tạo, bồi dưỡng chưa bắt kịp với sự phát triển của thực tiễn. Ngoài ra, môi trường và điều kiện công tác cho đội ngũ nhân lực số chất lượng cao chưa thực sự phát huy được hết năng lực, hiệu quả, đòi hỏi phải có đặc thù, hiện đại và phù hợp với hướng đổi mới sáng tạo.

Giải pháp xây dựng nguồn nhân lực số trong Quân đội

Nêu giải pháp tạo nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Trần Xuân Nam, Phó giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự cho hay: Chuyển đổi số liên quan đến cách thức chuyển đổi mô hình hoạt động của cơ quan, đơn vị dựa trên nền tảng số và gắn liền với nhiệm vụ của người chỉ huy. Bởi vậy, đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số cần xác định hai phần: Đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật về công nghệ số và đào tạo, bồi dưỡng nhận thức, kiến thức về chuyển đổi số cho lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và người sử dụng. Đối với các cơ sở đào tạo, nên phân luồng và phân nguồn cho phù hợp, cụ thể là đào tạo kỹ sư chuyên công nghệ số; đào tạo chỉ huy tham mưu và bồi dưỡng, tập huấn cho từng đối tượng. Cùng với đó, xây dựng hệ thống tổ chức, biên chế lực lượng CNTT ở các đơn vị phù hợp với nhu cầu thúc đẩy chuyển đổi số. Nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đối với đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm và trực tiếp triển khai chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị để họ yên tâm, ổn định thực hiện nhiệm vụ.

Phát triển nguồn nhân lực số là nhiệm vụ quan trọng cả trước mắt và lâu dài. Đối với một số học viện, nhà trường trong Quân đội, như: Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trường Sĩ quan Thông tin, Trường Sĩ quan Kỹ thuật Quân sự, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Thông tin... cần rà soát, đề xuất chỉ tiêu đào tạo; chủ động nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung nội dung, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về chuyển đổi số. Có giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên thích ứng với xu thế phát triển công nghệ số hiện nay; chú trọng đào tạo chuyên gia về chuyển đổi số làm nòng cốt trong tham mưu chiến lược, hoạch định hướng đi chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng. Rà soát, đánh giá quy hoạch lại, bổ sung, đề xuất đầu tư hạ tầng CNTT, hệ thống phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo chuyển đổi số. Đẩy mạnh hợp tác đào tạo về chuyển đổi số, công nghệ số, kỹ năng số với các trường đại học có uy tín trên thế giới để lựa chọn chương trình đào tạo tiên tiến; phối hợp chặt chẽ giữa các nhà trường, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp trong Quân đội nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực số, tăng tính kiểm nghiệm giữa công tác đào tạo và thực tiễn triển khai.

Các cơ quan, đơn vị cần chủ động mời chuyên gia về khoa học-công nghệ trong và ngoài Quân đội đến truyền thụ kinh nghiệm, bồi dưỡng cho cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm về CNTT và đối tượng người dùng về phương pháp triển khai thực hiện chuyển đổi số, kỹ năng sử dụng các ứng dụng dùng chung trên máy tính quân sự, các hệ thống phục vụ công tác quản lý, chỉ huy, điều hành và công tác nghiệp vụ...


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/giai-phap-xay-dung-nguon-nhan-luc-so-trong-quan-doi-754711

  • Từ khóa